Thứ Năm, 14 tháng 4, 2016

Ở tận sông Hồng em có biết... (HL)

Đá Biên & e207

Ở TẬN SÔNG HỒNG EM CÓ BIẾT…

Tưởng nhớ các Liệt sỹ đã hy sinh vì Độc lập – Tự do của Tổ Quốc. 
Tri ân CCB Trung đoàn 207 – QK8.

Hiền Lương, HVKHQS



NHẠC TRỮ TÌNH || NSND TRUNG ĐỨC - NSND THU HIỀN 

     “Ở tận sông Hồng em có biết, quê hương anh cũng có dòng sông, anh mãi gọi với lòng tha thiết, Vàm cỏ Đông, ơi Vàm cỏ Đông… !” ( Bài hát Vàm cỏ Đông ).


    Vào một buổi sáng cuối tháng 9 năm 2011, vào trang NHẮN TÌM ĐỒNG ĐỘI, thấy bài viết có cái tên vừa lạ vừa… sợ: “ Miếu Bắc Bỏ và những ông thành hoàng đội mũ cối”, tò mò mở ra xem.

  Một sự thật lịch sử đã mở ra và tôi bàng hoàng  sửng sốt về một trận đánh sống còn và những hy sinh cảm tử đầy bi tráng của Trung đoàn 207 – QK8,  trên đường hành quân vượt dòng sông Vàm cỏ Tây, bị giặc bao vây giữa Đồng Tháp Mười mênh mông mùa nước nổi sáng sớm ngày 03.10.1973. Gần 300 người con ưu tú  đã anh dũng hy sinh để bảo vệ Trung đoàn. Trong điều kiện chiến trường khốc liệt, nước Đồng Tháp mênh mông bốn bề, giặc quần đảo tứ phía, đồng đội còn sống cũng tả tơi thương tích, họ chẳng biết gửi các Anh lại nơi nào, đành gửi các Anh nằm tạm giữa bưng biền Đồng Tháp, trên thân cây, trong lòng nước, và nhắn nhủ bà con cô bác khi nước rút hãy an táng dùm... gạt nước mắt vĩnh biệt , xốc ba lô súng đạn tiếp tục theo chiến dịch về giải phóng đồng bào…

Vậy rồi… bước chân những người còn sống cuốn theo chiều dài những trận đánh cho đến khi Đất nước toàn thắng, mỗi ngày một xa, chẳng có dịp quay lại chiến trường xưa…Bây giờ, có lẽ đã có một nhân duyên nào đó, cho họ, những người lính già,  tìm được đường về thăm lại đồng đội và chiến trường xưa, nước mắt ngắn dài… sau 38 năm trời cách biệt... Họ đứng khóc ngậm ngùi giữa chiến trường đẫm máu năm xưa…khi biết rằng gần 300 Liệt sỹ của Trung đoàn hầu hết vẫn nằm đó, trong lớp lớp bùn lầy Đồng Tháp..( nơi ấy giờ đây, những người dân nghèo Ấp Đá Biên – Long An ,  đã dựng tạm một miếu thờ  nhỏ bé và đơn sơ mang cái tên rất đỗi bi thương: Bắc Bỏ, để ghi nhớ công ơn các Anh hùng Liệt sỹ đã hiến dâng cuộc đời cho quê hương Đồng Tháp được yên vui.)

   Thương các Liệt sỹ bao nhiêu, tôi cũng thương những CCB đã từng vào sinh ra tử ấy bấy nhiêu!

  Thương các chú có một thời tuổi trẻ đổ máu trên khắp các chiến trường…

  Thương các chú hết chiến tranh vẫn chưa thôi gian khỗ ( xin hãy ghé vào trang www.e207.com.vn tìm đọc mục lịch sử truyền thống của e207)…

  Thương các chú sau chiến thắng trở về bắt đầu cuộc chiến mới với muôn vàn khó khăn thử thách, cuộc chiến thầm lặng giữa đời thường…vượt qua mọi hoàn cảnh góp sức mình xây dựng và bảo vệ quê hương…

   Thương các chú bây giờ khi đã tuổi cao sức yếu, vẫn đau đáu gọi nhau, tìm nhau, lặn lội đường xa muôn dặm, tìm “ kế” xây dựng lại nơi thờ tự những đồng đội đã hy sinh, cho to đẹp đàng hoàng , để các Liệt sỹ có chốn đi về…để phần nào vợi bớt nỗi đau của những gia đình Liệt sỹ chỉ có thể thắp được nén nhang tưởng nhớ , gửi niềm thương đau vào bốn hướng Đông Tây Nam Bắc giữa Đồng Tháp Mười mênh mông nước, mà vĩnh viễn không có cơ hội được chăm sóc phần mộ của người thân…

  Rồi tôi ước ao rằng, thật nhiều, thật nhiều người con đất Việt sẽ biết đến địa danh Rạch Đá Biên và Miếu Bắc Bỏ, để rồi khắc ghi trong tâm khảm rằng “ Cha , Anh chúng ta đã sống và chiến đấu như vậy đấy !”, để rồi cùng với các chú chung tay xây dựng ngôi Miếu thờ thật khang trang, to đẹp và ấm áp tình người…

  Từ sáng ấy, tôi biết đến Trung đoàn 207.

  Bây giờ , đã thành một nếp sống của tôi, việc tôi làm đầu tiên trong một ngày là vào TƯỢNG ĐÀI LIỆT SỸ trực tuyến thắp hương và đặt vòng hoa tưởng niệm các anh hùng Liệt Sỹ đã hy sinh vì tương lai tươi sáng của Dân Tộc. Tiếp đó là nghe bài hát Vàm cỏ Đông . Tôi chưa từng được biết đến Miền Nam, cũng như dòng Vàm cỏ Tây ở Miền Tây Nam Bộ là như thế nào, nhưng tôi yêu bài hát này lắm, bởi vì  những lời ca thật sự cảm động và giai điệu tha thiết đến không ngờ “ …Ở tận sông Hồng em có biết, quê hương anh cũng có dòng sông, anh mãi gọi với lòng tha thiết… Vàm cỏ Đông ơi Vàm cỏ Đông…!...ơi hỡi dòng sông,  nước xanh biêng biếc chẳng đổi thay dòng … có anh du kích dũng cảm kiên cường, lẫn ánh trăng mờ băng lửa đạn qua sông, diệt tan tàu giặc giữ gìn quê hương…” và, quan trọng hơn là tôi nghe những lời bài hát như đưa tôi về với dòng Vàm cỏ Tây, nơi Trung đoàn 207 đã âm thầm hành quân trong 1 đêm mưa gió của Miền Tây Nam Bộ và gửi lại nơi này thân xác những chàng trai quê ở tận sông Hồng... Không hiểu vì sao lại có Vàm cỏ Đông và Vàm cỏ Tây, và chúng có giống nhau không , nhưng trong lòng tôi cứ nhất quyết là như vậy. Nhất quyết là trong bài hát có hình ảnh của các chú…

  Tôi mường tượng dòng sông Vàm cỏ chia làm 2 nhánh bên Đông và bên Tây…. đẹp như tranh vẽ, êm đềm và thơ mộng. Bởi vì tôi nghe những lời ca rất đẹp, lại được đọc bài của chú Thông trên trang mạng của E 207, kể về một kỷ niệm vượt vòng vây vô cùng hiểm nguy đưa đồng đội bị thương nặng tìm đường về căn cứ của Trung đoàn, giữa vòng vây quân thù, mà vẻ đẹp của những dòng sông, kinh rạch Miền Tây Nam Bộ vẫn cuốn hút tâm hồn chú, khi trong tay chú đang ôm chặt người đồng đội sắp hy sinh…mơ về một ngày hòa bình… ( xin đọc bài “ Bạn đã ra đi nhẹ nhàng trong tay tôi”).Vẻ đẹp của đất đai Nam Bộ và giây phút bi thương nhìn đồng đội chảy máu đến chết vì bị giặc bao vây không có gì cấp cứu…đã 38 năm rồi chú Thông vẫn không thể nguôi ngoai…

  Thương vô cùng  các Anh đã hy sinh ! Thương vô cùng các chú còn được sống! Bởi những phút giây chứng kiến những người đồng đội lần lượt ngã xuống ngay trước mặt, ngay bên cạnh, trong lòng mình…chắc chắn là những phút giây khắc nghiệt nhất của một đời người mà các chú phải trải qua…Sẽ là nỗi nhớ thương và ám ảnh suốt cuộc đời các chú!  Đâu đây vẫn còn vang vọng tiếng chú Ba Thi đau đớn khóc gọi đồng đội Liệt sỹ trong một ngày tháng 8 năm 2011, khi chú và mọi người lần đầu tiên tìm được Miếu Bắc Bỏ,  “ Các đồng chí ơi…!” . Nghe như 38 năm mới chỉ hôm qua… các chú vẫn đang gọi tìm nhau giữa chiến trường…!



Chú Ba Thi và đồng đội tìm về chiến trường xưa (Ảnh: Nguyễn Hoài Nam)

Ôi ngày ấy của Trung đoàn, có những người chiến sỹ tràn đầy tuổi thanh xuân và tâm hồn lãng mạn, với những ước mơ giản dị và huy hoàng…!

   Từ sáng ấy, vì chưa tìm được bài hát về Vàm cỏ Tây, hàng ngày tôi mở bài hát “ Vàm cỏ Đông” như một sự tưởng nhớ, lòng tự mặc định rằng, dẫu các chú ở miền nào của đất nước, dù còn sống hay đã hy sinh, thì cả Trung đoàn cũng đã cùng nhau in dấu ở nơi này Vàm cỏ Đông cũng như Vàm cỏ Tây! Tôi tự mặc định rằng bài hát này dành cho “E207 yêu dấu của tôi”!  207 ngày ấy có những chàng trai sông Hồng cùng những chàng trai Vàm cỏ, bền gan chiến đấu diệt giặc thù giải phóng quê hương. Bây giờ, 38 năm đã trôi qua, những chàng trai sông Hồng vẫn còn trẻ mãi, đã nằm lại vĩnh viễn bên dòng Vàm cỏ Tây ngát hương Tràm trong gió, lựa chọn nơi ấy làm Quê hương…

   Những đồng đội còn sống sẽ hát cho các Anh nghe “…Ở tận sông Hồng, em có biết, quê hương anh cũng có dòng sông… Anh mãi gọi với lòng tha thiết…Vàm cỏ Đông... ơi Vàm cỏ Đông…”

Hà Nội, ngày 26.10.2011
Hiền Lương

LSV (g/th)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét