Thứ Tư, 13 tháng 4, 2016

Bông hồng tặng liệt sỹ trong ngày tình nhân (DĐQ)

Đá Biên & e207

BÔNG HỒNG TẶNG LIỆT SỸ TRONG NGÀY TÌNH NHÂN


Nhà báo Dương Đức Quảng tại chiến trường Quảng Đà 1973

     Ngày 14/2, ngày tình nhân (Valentine) năm nay (2012), tôi cùng Đoàn cán bộ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), đại diện Ban liên lạc Trung đoàn 207, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Thạnh Hóa, Long An và một số nhà văn, nhà báo có cuộc về thăm, thắp hương trước hương hồn các liệt sĩ của Trung đoàn 207 Quân Giải phóng miền Nam tại ấp Đá Biên, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, Long An. 
Chuyến đi này là chuyến đi khảo sát tại chỗ để chuẩn bị cho việc VietinBank tài trợ xây dựng Nhà bia tưởng niệm và ghi danh các liệt sĩ của Trung đoàn 207 hy sinh tại đây.
Câu chuyện bắt đầu từ một bài viết của nhà văn Vũ Ngọc Tiến trên Website của nhà văn Trần Nhương, một website có trên 8 triệu lượt người đọc, ngày 16/01/2012, nhan đề: “NGÔI MIẾU THỜ NHỮNG THÀNH HOÀNG LÀNG ĐỘI MŨ CỐI”.
Về nơi hy sinh của liệt sỹ

   
Phút tưởng niệm liệt sĩ trong miếu thờ Bắc Bỏ 
(Từ trái sang: Nhà văn Vũ Ngọc Tiến, thứ 2; Nhà báo Dương Đức Quảng, thứ 6; Ông Phan xuân Thi, thứ 7) - Ảnh Mỹ Dung

“Chuyện kể rằng, E207 là trung đoàn độc lập thuộc Quân khu 8 vừa thành lập, quân số đa phần là sinh viên Hà Nội nhập ngũ, đóng quân ở khu vực Mỏ Vẹt, giáp biên giới Căm-pu-chia, ngày 2/10/1973 nhận lệnh hành quân bí mật về Đồng Tháp Mười chuẩn bị đánh lớn. Rạng sáng ngày 3/10 bộ phận đi trước của đơn vị gồm trung đoàn bộ và tiểu đoàn 1, tiểu đoàn 3 tạm dừng chân ở bãi tràm ngập nước ở ấp Đá Biên, thuộc vùng đối phương kiểm soát. Lính ta trong lúc nghỉ, vì không có kinh nghiệm giấu quân, vô tình làm cho máy bay trinh sát của đối phương phát hiện. Lập tức hai trận địa pháo của địch ở Kiến Bình và Tuyên Nhơn thi nhau nhả đạn, gom quân ta vào giữa vòng vây nhỏ hẹp cho trực thăng quần đảo bắn tỉa từng người, sau đó xe lội nước đổ quân chà đi xát lại nhiều đợt. Trận đánh phá vây ác liệt kéo dài sang ngày 4/10, ta thoát được ra ngoài, nhưng nhiều đồng đội đã hy sinh, một số thoát được về đơn vị, số được dân che chở và một số người bị địch bắt…

Điều vô cùng đau xót là công tác tử sĩ đã không thể làm chu đáo. Vài ngày sau, ta cử một nhóm 9 người do chính trị viên trưởng C trinh sát Phạm Hậu chỉ huy quay lại tìm kiếm được khoảng 80 thi thể trương thối, gói xác từng người vào bao ni lon rồi buộc tạm dưới gốc tràm, chờ khi nước rút sẽ nhờ du kích địa phương chôn cất, nhưng vì nhiều lý do, họ cũng không thực hiện được. Bãi tràm ngập nước quanh ấp Đá Biên vì thế trôi dạt, lẩn quất rất nhiều hài cốt lính trẻ sinh viên của trung đoàn 207…”.

Nhà văn Vũ Ngọc Tiến còn kể rằng, sau năm 1975 người dân nơi đây và nhiều nơi khác đến khai hoang đã gặp rất nhiều hài cốt liệt sĩ. Ông Tư Tờ, một người dân địa phương kể rằng, hồi đó còn nhỏ, rất mê đi tìm mũ cối, có lần lượm được mũ thì rụng rời phát hoảng vì bên trong mũ còn nguyên đầu lâu của lính. Năm 1990, ông Tư Tờ làm ruộng phát hiện thấy 3 bộ hài cốt không còn nguyên vẹn, bùi ngùi cảm thương đem chôn cất tử tế và lập một miếu thờ đặt tên miếu “Bắc Bỏ” (bộ đội người Bắc chết bỏ xác nơi đây), không ai nói ra thành lời, nhưng thầm suy tôn các liệt sĩ làm “Thành hoàng làng đội mũ cối”.  Hơn 20 năm, ngôi miếu đơn sơ ấy tồn tại giữa vùng quê nghèo Đá Biên, các cựu chiến binh trung đoàn 207 và thân nhân của 291 liệt sĩ không hề hay biết… 

Nguyện vọng tha thiết của tập thể cựu chiến binh Trung đoàn 207 và nhân dân ấp Đá Biên muốn Ban liên lạc đứng ra tổ chức quyên góp xây ngôi miếu Bắc Bỏ thật đàng hoàng để tưởng nhớ các liệt sĩ sinh viên thân xác tan rữa vào bãi tràm ngập nước, xương cốt trôi dạt quanh mảnh đất Đá Biên nghèo đói. Năm 1992, Phòng lao động thương binh huyện Mộc Hoá do bà Phạm Thị Đấu làm Trưởng phòng đã cho người về thu gom nhưng chỉ được một ít xương đặt vừa 9 cái tiểu, đem về nghĩa trang huyện Mộc Hoá xây mộ tập thể, còn hơn 200 liệt sĩ hài cốt vẫn nằm ở Đá Biên…

Một việc làm tình nghĩa của VietinBank

Đọc xong bài viết của nhà văn Vũ Ngọc Tiến, tôi không thể không cầm bút viết một bức thư gửi Tiến sĩ Phạm Huy Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tich Hội đồng Quản trị VietinBank, kèm theo là bài viết của nhà văn Vũ Ngọc Tiến, đề nghị anh quyết định để VietinBank tài trợ xây dựng Đền Thờ hoặc Nhà bia thật đàng hoàng, xứng đáng là một công trinh tưởng niệm và ghi danh gần 300 liệt sĩ Trung đoàn 207 đã hy sinh tại ấp Đá Biên, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An.

Những năm qua, VietinBank không những là Ngân hàng thương mại hàng đầu của Việt Nam kinh doanh rất có hiệu quả, mà còn là Ngân hàng dẫn đầu trong các tổ chức ngân hàng và doanh nghiệp cả nước trong công tác an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo… VietinBank đã dành trên 1.500 tỷ đồng từ quỹ phúc lợi do 18.000 cán bộ, công nhân viên đóng góp để làm các công việc tình nghĩa nói trên, trong đó có hàng trăm tỷ đồng dành để tôn tạo, xây dựng 50 nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước, như tu bổ, tôn tạo các nghĩa trang Quốc gia Hàng Dương (Côn Đảo), Thành Cổ (Quảng Trị), Tân Biên (Tây Ninh), Điện Bàn (Quảng Nam), Đức Cơ (Gia Lai)…Vì thế, sau khi nhận được lá thư của tôi, Tiến sĩ Phạm Huy Hùng đã giao cho Công đoàn của VietinBan đứng ra lo liệu việc tài trợ này.

Sáng 14/2 Đoàn cán bộ của VietinBank cùng ông Phạm Văn Thi, Trưởng ban, ông Phạm Văn Thông thành viên Ban liên lạc Trung đoàn 207, ông Hồ  Hoàng Khôn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thạnh Hóa, vợ chồng nhà văn Vũ Ngọc Tiến, chị Ngô Thị Thúy Hằng, Giám đốc trung tâm tìm kiếm thông tin liệt sĩ, nhà báo Thu Uyên phụ trách Chương trình truyền hình Như chưa hề có cuộc chia ly và Trở về từ ký ức, chương trình mới được phát sóng trên Đài truyền hình Việt Nam với mục tiêu đi tìm lại phần mộ của các liệt sĩ hi sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cho đến nay vẫn chưa được quy tập theo thông tin từ chính đồng đội của các liệt sĩ hoặc người dân địa phương; nhà báo Đoàn Mai Hương của báo Sài Gòn Giải Phóng…đã về ấp Đá Biên để khảo sát tại chỗ chuẩn bị cho việc xây dựng Nhà bia tưởng niệm và ghi danh gần 291 liệt sĩ của Trung đoàn 207 Quân Giải phóng hy sinh tại đây. Những người có mặt trước miếu thờ Bắc Bỏ do ông Tư Tờ dựng lên nghẹn ngào thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ.

Nhìn ba tấm ảnh của các liệt sĩ Nguyễn Đình Lựu, Nguyễn Mạnh Sơn, Nguyễn Văn Tế hy sinh ở tuổi 20 mà gia đình mang vào đặt ở Miếu thờ “Thành hoàng làng” tôi lại nhớ về một thời chiến tranh ác liệt, lớp lớp thế hệ thanh niên, học sinh, sinh viên miền Bắc gác bút nghiên lên đường ra trận. Thế hệ thanh niên đó nhiều người khi ngã xuống chưa một lần được yêu, chưa một lần được cầm tay con gái, nói gì đến việc biết có ngày lễ tình nhân dành cho những người yêu nhau! Vì thế, ông Phạm Văn Thông, người lính đặc công của Trung đoàn 207 năm xưa đã mang theo từ thành phố Hồ Chí Minh một bó hoa hồng để đến miếu Bắc Bỏ này đưa cho mỗi người chúng tôi một bông đặt lên miếu thờ các liệt sĩ trong ngày lễ tình nhân này. Những bông hồng ấy thay cho nén hương lòng của chúng tôi dành tặng những người lính trẻ đã ngã xuống nơi đây mà chưa một lần được yêu!

Kết thúc chuyến đi là buổi làm việc giữa VietinBank, Ban liên lạc cựu bính Trung đoàn 207 với Ủy ban Nhân dân huyện Thạnh Hóa. Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn VietinBank cam kết VietinBank sẽ tài trợ kinh phí để xây dựng Nhà bia tưởng niệm và ghi danh các liệt sĩ của Trung đoàn 207 đã hy sinh tại ấp Đá Biên thật đàng hoàng, phấn đấu hoàn thành công trình vào dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ năm nay (27/7/1947 - 27/7/2012). 

Hà Nội 15/2/2012
D.Đ.Q.
(Bài đã đăng trên báo Công an Nhân dân ngày 17/2/2012)

LSV (g/th)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét