Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2016

207 - khúc tráng ca ra trận (HL)

Đá Biên & e207

207 - KHÚC TRÁNG CA RA TRẬN
Kính tặng Trung đoàn 207 – QK8!
Hiền Lương, HVKHQS
***

Sau khi, ngẫu nhiên, trên hành trình tìm hiểu thêm về Nhật Ký Đặng Thùy Trâm, tôi bắt gặp bài viết Miếu Bắc Bỏ và những ông Thành hoàng đội mũ cối, bài viết về Trung đoàn 207 Quân khu 8 thời kỳ kháng chiến chống Mĩ, về một địa danh anh dũng mà đau thương giữa bưng biền Đồng Tháp Mười. Trong tôi nhen nhóm ý định tìm các chú còn sống của Trung đoàn 207-QK8.  Và dường như các Liệt sỹ không chấp nhận bất cứ sự lãng quên nào, sẽ dẫn dắt mỗi chúng ta trên những nẻo đường huyền bí và kỳ diệu! Chỉ cần chúng ta hướng tới…

Nhân duyên bắt đầu từ số điện thoại 0988 588 168 của chú Phan Xuân Thi.

Cuộc điện thoại thứ nhất là bởi vì sau nửa tháng ngày nào cũng tìm và chờ đợi trên mạng, cuối cùng số điện thoại của ban liên lạc CCB-E207-QK8 cũng hiện ra, (số điện thoại tôi vừa may mắn có được nhờ trang NHẮN TÌM ĐỒNG ĐỘI) khi tôi hỏi về địa chỉ trang web của Trung đoàn 207, thấy chú Ba Thi (người tôi chưa bao giờ gặp mặt ) rất xúc động…có lẽ chú bất ngờ khi nghe tôi nói giọng Hà Nội, cũng chẳng phải thân nhân của Liệt sỹ, mà lại xin được gửi tiền vào tài khoản của CCB các chú để đóng góp xây dựng Miếu Bắc Bỏ ở Ấp Đá Biên, Long An. Cuộc nói chuyện ngắn ngủi chưa đầy 1 phút bởi lúc ấy chú và đồng đội đang bận lo toan ngày giỗ tập thể đầu tiên cho gần 300 Liệt sỹ sau 38 năm…

Cuộc điện thoại thứ hai là bởi vì trang web của các chú rất khó cập nhật, mới xây dựng nên nó chạy như rùa, đọc được bài trên trang là cả một cuộc chiến, và “nó” không chịu nhận bài viết, comment phản hồi của độc giả…Vốn không mấy bạo dạn, nhưng tôi đành “nhắm mắt nhắm mũi” lấy hết dũng khí đánh liều gọi cho chú Ba, để xin gửi bài nhờ qua mail của chú, nghĩ rằng chỉ có chú ấy là mình đã quen biết… nói chuyện sẽ dễ hơn... (mới có 1 cuộc điện thoại chưa đầy 1 phút mà đã tự cho là quen biết !!!). May sao, chú Ba rất ân cần. Có lẽ chú cảm nhận được tấm lòng chân thành của tôi hướng về E207, và cũng bởi tất cả những gì liên quan đến Liệt sỹ các chú đều trân quý! Sự ân cần và nhiệt thành của chú Ba đã cho tôi thêm can đảm, gạt bỏ sự dè dặt, để viết lại những cảm xúc tri ân chân thực nhất của lòng mình gửi về trang http://e207.net.vn.

Từ đó, tôi mặc nhiên gắn bó với các chú, với Trung đoàn.

Tôi nhớ câu chú Ba nói: “207 là khúc tráng ca ra trận của chú và những người đồng đội. Bi và hùng đan xen nhau…”. Một người lính từng dày dạn chiến trường, bom đạn tơi bời, máu xương tan nát, tưởng như tất cả mọi tế bào của con người đều chai sạn chẳng còn chút tâm hồn nào để lãng mạn… vậy mà thật tinh tế trong từng cảm xúc! Thật đáng ngưỡng mộ!

Tôi khắc ghi câu nói ấy. Ngày ngày dành thời gian vào trang http://e207.net.vn của các chú. Tôi đọc trong những dòng nước mắt. Nước mắt chưa kịp khô, nước mắt lại rơi đầy… Cả trang sử oanh liệt nhưng đẫm máu của E207 khiến tôi thật sự đau đớn. Nỗi đau đớn mãnh liệt làm tôi đôi khi phải rời bỏ trang web, lặng lẽ đi ra phố. Nhưng phố phường tấp nập không giúp tôi nguôi ngoai… Phố phường tấp nập càng gợi lên nỗi đau thương kết tinh như một viên đá đè nặng tâm tư, khi trong trí óc tôi là hình ảnh hàng trăm người con trung dũng của Trung đoàn đã chiến đấu và hy sinh oanh liệt, nằm lại vĩnh viễn dưới đáy Đồng Tháp Mười… trong một ngày tháng Mười năm 1973, khi cuộc Chiến tranh Vệ quốc của Dân tộc sắp giành được thắng lợi hoàn toàn. Trái tim đau thắt và đầu óc quay cuồng trong khúc ca bi tráng của các chú một thời và một đời, sống và chiến đấu, hy sinh và dâng hiến vì “Tự Do hai tiếng ngọt ngào”.

Ôi hai tiếng Tự Do thiêng liêng và ngọt ngào biết mấy! Nhưng để có được hai tiếng ngọt ngào ấy là thấm đẫm máu xương của triệu triệu chàng trai, cô gái... của triệu triệu những người con ưu tú của Dân tộc! Thấm đẫm những đắng cay tủi hờn của cả một nòi giống Lạc Hồng quật cường dành Độc lập! Trong dư vị ngọt ngào và cay đắng ấy có những chàng trai dũng mãnh của E207 với 8 chữ vàng được Tổ quốc trao tặng “TRUNG DŨNG, KIÊN CƯỜNG, LUỒN SÂU, ĐÁNH CHẮC! ”

Đêm nay, cầu truyền hình Mátxcơva - Hà Nội phát sóng (kỷ niệm 70 năm ngày duyệt binh trên Quảng trường Đỏ, ngày bắt đầu cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nước Nga Xô viết chống phát xít Đức giải phóng loài người) đã làm lay động biết bao con tim của những người yêu hòa bình trên khắp Hành tinh.

Tôi vừa nghe những lời hát trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của một Đất nước Anh hùng có những người con bình dị mà kiên cường ra trận với tình yêu Tổ quốc thật nồng nàn, bất khuất: “chúng ta đã trườn bằng tay qua khắp nửa Châu Âu…”, “Không còn nhiều đâu, chỉ một chút nữa thôi, trận đánh cuối cùng vất vả gian nan nhất, trận đánh ngày mai ta đánh giáp lá cà, tôi muốn về nhà, trở lại nước Nga, vì đã lâu lắm rồi tôi không nhìn thấy Mẹ… tôi còn muốn được yêu người thiếu nữ, và chạm tay vào chính Tổ quốc mình…”.

Họ thật giống nhau, những người lính Nga và những người lính của Trung đoàn 207, và tất cả những người lính đã chiến đấu ngoan cường vì Độc Lập Tự Do của Đất Việt thân yêu! Họ giống nhau ở Tình yêu Tổ quốc, họ giống nhau ở sự bình dị, họ giống nhau ở lẽ sống cao cả nhưng lại hồn nhiên trong sáng đến bất ngờ… họ giống nhau ở tâm hồn lãng mạn, ngay nơi cái chết đang ẩn hiện… ngay phút-giây-còn-được-sống-cuối- cùng, vẫn lắng nghe tiếng cuộc đời đang tuôn chảy, vẫn da diết gửi theo tiếng chim hót và bầu trời xanh nỗi nhớ thương quê nhà xa lắc xa lơ, và ước mơ về một ngày mai không còn tiếng súng:

“… Đường hành quân, ta chung dòng suy nghĩ.
            Đánh trận rồi ta sẽ lại cùng nhau.
            Về mái trường và ruộng lúa nương rau.
            Con đường nhỏ… tình yêu nơi phố nhỏ.
            Mong ước ấy sau những ngày lửa đỏ...”

           (Nguyễn Trọng Tình – CCB Trung đoàn 207)

Giữa những trận đánh khốc liệt, sau những phút giây dũng mãnh giữa chiến hào diệt giặc, vẫn bé bỏng da diết nhớ lời ru của Mẹ:

“… Đã lâu lắm rồi con không được nghe lời hát ru của Mẹ… bên chiếc nôi con nằm. Mẹ ơi hãy nói với con đi, Hãy nói với con bất cứ điều gì cũng được. Kể cả về những vì sao xa tít trên bầu trời.Con muốn được trở lại với bầu trời xanh thời thơ ấu. Mãi mãi sẽ đọng lại trong trái tim con…”

Giữa những trận đánh khốc liệt vẫn ngọt ngào với tình yêu chung thủy, say đắm và dịu dàng:

 “…Em ơi đợi Anh về
Đợi Anh hoài em nhé
Mưa có rơi dầm dề
Ngày có buồn lê thê
Em ơi, em cứ đợi…
Tan giặc bước đường quê
Anh của em lại về.”

           (Simonov-nhà thơ chiến sỹ của nước Nga Xô viết)

“ Đêm tối mênh mông chỉ có tiếng súng vang vọng trên thảo nguyên, chỉ có gió đang thét gào trong ly biệt… người yêu ơi anh biết em không ngủ,,vừa thầm lau những giọt nước mắt của mình, anh yêu lắm đôi mắt em sâu thẳm dịu hiền, và rất muốn áp chặt môi mình vào đôi mắt ấy…”
Và sừng sững một khát vọng sống mãnh liệt:

“… Trận đánh ngày mai ta đánh giáp lá cà
Sẽ là lần cuối chúng ta phục vụ nước Nga vĩ đại
Hy sinh vì Tổ quốc ta đâu có ngại chi
Nhưng dù sao mỗi người vẫn nuôi hy vọng sống…”

 “… niềm tin đó trong màn đêm đen bom đạn, giúp cho anh giữ nguyên vẹn cuộc đời, và vì thế anh bước vào trận chiến với tấm lòng thanh thản bình yên… cái chết nào có sợ chi, kể cả giờ đây ngàn cái chết trên đầu anh đang gào thét…”

(Bài hát Nga)

Những người lính của 207 ra trận như thế đấy! Tuổi mười tám, đôi mươi. Mang những khát khao của thời đại, giống như những chiến sỹ Hồng quân Liên xô thời kỳ Chiến tranh Vệ quốc, các chú các anh bước vào cuộc trường chinh của Dân tộc với bao hoài bão , bao ước mơ tuổi trẻ còn dang dở:

“… Gác bút nghiên đèn sách để lên đường
Theo tiếng gọi thanh niên ngày đánh Mĩ…”

      (Nguyễn Trọng Tình-CCB Trung đoàn 207)

Đại diện cho một lẽ sống và lý tưởng cao đẹp, vì Hòa bình của nhân loại, các chú các anh chiến đấu không một phút nao núng, không một giây ngừng nghỉ, đến hơi thở cuối cùng. Sống thanh cao mà hy sinh giản dị vô cùng:

“... Chia nắm gạo rang trên đường ra trận
Chia cái khó khi điều nghiên, tiếp cận
Rồi cùng nhau ta nhớ bạn nhớ bè
Ngã xuống, hy sinh sau mỗi trận về
Bạn nằm đó, tôi còn đây, đi tiếp..”

    (Nguyễn Trọng Tình-CCB Trung đoàn 207)

Những con người cao đẹp và giản dị ấy đã cùng nhau lập nên những chiến công vĩ đại trong dòng chảy hào hùng của Dân tộc Việt nam:

“… 207 cái tên ngày ấy
Mà Trung ương, Quân ủy đặt cho
Trải qua cuộc chiến cam go
Chiến công rực sáng thỏa lòng nước non…
Nhớ ngày ấy, năm nào, thuở trước
Toàn E ta cất bước ra đi…
Trận mở màn dùng quân vây ép
Bảy đêm liền quyết khép vòng vây
Bao nhiêu xác giặc tan thây…
Máu đào chiến sỹ nhuộm thêm thắm cờ…

***

Kể sao cho hết ngọn nguồn
Chúng ta một thuở gian truân
Cho cờ truyền thống Trung đoàn tung bay.”

(Vũ Trung Kiên-CCB Trung đoàn 207)

Puskin, nhà thơ Nga vĩ đại đã từng viết:

 “Ôi, tuổi thanh xuân ta đã đi qua,
Nhanh như ánh sao sa trước mặt.
Nhưng hỡi tuổi yêu đương đang vụt tắt,
NGƯỜI còn qua nhanh gấp vạn lần…”.

Vậy mà tuổi thanh xuân ngắn ngủi của các chú các anh đã trôi qua trên những chiến trường đạn, bom, máu, lửa. Tuổi thanh xuân ngắn ngủi của các chú các anh là những phút giây đau thương đến tận cùng gan ruột:

‘… đêm phương Nam trời sàng lờ mờ, chúng tôi nhẹ nhàng bơi xuồng dọc theo con kênh hẹp, hai bên là vười trái cây trĩu quả ôm lấy con kênh, thinh thoảng lại va đầu vào trái xoài, hay trái ổi. Thật là một cảnh lãng mạn, nhưng lòng chúng tôi như lửa đốt, vì dưới lòng xuồng nới Anh Ân nằm thỉ thoảng lại phát ra tiêng rên khe khẽ, hoặc những tiếng ú ớ nói mê. Đã qua 1 ngày đêm, mà hầu như không có thuốc men gì cho anh, ngoài vài viên thuốc bổ, và thuốc giảm đau. Anh ăn không được, chỉ thi thoảng nhấp được một chút nước dừa. Khoảng 4 giờ sáng, anh Ân trở mình vài lần rồi bắt đầu giãy rụa, tiếng rên la to hơn. Mỗi lần anh Ân giãy là một lần màu lại trào ra. Anh Dần vội vàng bỏ mái chèo, ôm chặt lấy anh Ân và bịt mồm anh Ân sợ anh kêu to địch phát hiện. Tôi xiết chặt thêm dây garo cho máu không trào ra. Sau đó tôi lại ra sức bơi xuồng. Anh Dần sức yếu, chỉ ôm được 1 lúc rồi bảo: Thông để anh bơi xuồng, em ôm chặt lấy nó. Tôi đỡ anh Ân nằm xuống xuống và nằm gác chân lên anh, hai tay giữ chặt hai tay anh Ân. Lúc sau anh Ân nằm im, tiềng thở của anh hổn hển, đứt quãng. Tôi để anh nằm im trong lòng xuồng định dậy bơi xuồng tiếp thì Anh Dần bảo gần về đần trạm cứu thương rồi, em bơi lái cả đêm, mệt rồi, ôm nó ngũ một tí đi để mình anh bơi. Lúc đó tôi cũng quá mệt, nên ôm anh Ân và ngũ thiếp đi, khi về đến trạm cấp cứu của trung đoàn thì trời đã sáng từ bao giờ.”

(Trên đây là những dòng hồi ức của chú Thông, CCB Trung đoàn 207, hình ảnh người bạn chiến đấu đã hy sinh trong vòng tay ôm và giấc ngủ hồn nhiên của chú Thông đã khiến chú 38 năm rồi chưa vơi thương nhớ. – Trích dẫn từ http://e207.net.vn)

Tuổi thanh xuân của các chú các anh không có tình yêu, tình yêu chỉ nằm trong sâu thẳm tâm hồn, song hành cùng bom rơi đạn nổ, cùng máu chảy thành sông suối:

“Chưa kịp yêu một người con gái
Lúc ngã vào lòng đất vẫn con trai…”

(Trần Mạnh Hảo- Trường ca Đất nước hình tia chớp)

Tuổi thanh xuân của các chú các anh đã nguyện cống hiến trọn vẹn cho non sông đất nước, dù ngắn ngủi biết chừng nào: “ước muốn của chúng tôi thật đơn giản, ước muốn của chúng tôi thật rõ ràng: Cầu mong cho đất nước thân yêu được sống thanh bình. Ngoài ra không cần cầu mong gì nữa…mặc cho những hiểm nguy đầy đe dọa, khi tôi vẫn còn khả năng đi, khi tôi vẫn còn khả năng thở, tôi sẽ tiến lên phía trước…”

Tất cả, tất cả đó, chính là khúc tráng ca bất diệt của những người lính 207, của tất cả những người lính ra trận, về Tổ quốc và Tình yêu, về con người và lẽ sống, về hy sinh và bất tử, về hôm qua và ngày mai, mà hôm nay chúng tôi được soi vào!

Nhưng những người lính ấy khiêm nhường lắm! Những con người bình dị mà phi thường ấy chẳng bao giờ nói về mình cả. Họ , những người làm nên bản Anh hùng ca bất diệt của Dân tộc vẫn chỉ nhiệt thành khi nói về đồng đội, vẫn rất tận tâm với cuộc sống, và vẫn âm thầm lướt bóng nhẹ nhàng bên dòng chảy cuả Hòa bình…

Hôm nay, tôi muốn gửi về Miếu Bắc Bỏ, nơi có những người lính đã hy sinh vào tháng Mười năm ấy, những lời ca tha thiết của những người lính Nga hát nhớ thương đồng đội trên đất nước bao la của họ, như các Anh đã nằm lại trên một miền quê xa trên đất nước xinh đẹp của mình…

Xin mượn những lời ca của những người lính từ nước Nga xa xôi, để gửi về Miếu Bắc Bỏ, để gửi về nơi những người lính của 207 đã nằm lại, để gửi về mọi nơi nào những người lính đã nằm lại trên khắp Đất nước Việt Nam thân yêu, thay cho lời của những đồng đội còn sống:

“Giờ này Anh ở đâu? Đêm hè về ánh trăng vàng chiếu khắp thôn làng.Chiến trường không còn tiếng súng xưa hờn oán. Giờ này Anh về đâu, hỡi người bạn cũ cùng Trung đoàn, đã sánh bước cùng nhau trên con đường sáng… Nếu giờ này bạn hiền còn thiếu một gia đình, xin bạn đừng ngại ngần về chốn quê tôi…”.

 Chúng ta hiểu vì sao chúng ta chiến thắng! Bởi non sông gấm vóc của chúng ta được dệt thêu từ những khúc tráng ca ra trận của những Trung đoàn, của “trùng trùng quân đi như sóng”, có khúc tráng ca 207 một thời…

Hà Nội, ngày 5.11.2011
Hiền Lương

LSV (g/th)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét