Thứ Ba, 19 tháng 4, 2016

Bạn đã ra đi nhẹ nhàng trong tay tôi ... (PVT)

Đá Biên & e207

BẠN ĐÃ RA ĐI NHẸ NHÀNG TRONG TAY TÔI…
Kính viếng hương hồn Liệt sỹ Ân – C25 - E207

Phạm Văn Thông, CCB C25, E7, QK8


Vào một đêm tối trời cuối năm 1974, năm anh em chúng tôi do chính trị viên đại đội là anh Dần chỉ huy, được giao nhiệm vụ luồn sâu xuống vùng địch để trinh sát, chuẩn bị đánh đồn Cái sơn, thuộc cù lao Cái sơn huyện Cái bè, Tiền Giang.

http://linhsinhvien.vnweblogs.com/js/tinymce/plugins/more/img/trans.gifĐêm đầu tiên, chúng tôi tiếp cận từ hướng Bắc của đồn giặc, và đã vào bên trong lớp hàng rào trong cùng. Leo lên bờ thành của đồn, xác định được tất cả các lô cốt, ụ súng và bố trí bên trong đồn. Đêm thứ 2 chúng tôi tiếp cận từ hướng Tây của đồn giặc, và cũng vào được bên trong hàng rào trong cùng, nhưng khi quay ra thì lại bị lạc lối. Do không đi đúng đường lúc vào, nên phải vừa đi vừa dò mìn. Có lẽ do vội vàng vì trới sắp sáng, nên người đi đầu dò mìn là anh Ân, quê ở Kiến xương-Thái Bình, đã làm nổ 1 quả lưu đạn gài, anh bị thương cụt bàn tay phải, bàn tay trái mất 3 ngón giữa, chỉ còn ngón cái và ngón út, màu chảy ra xối xả, mặt anh đầy mảnh lựu đạn, chúng tôi vội garo cả hai bàn tay và cõng anh về chỗ giấu quân. Vì trời sắp sáng nên không thể đưa anh về trạm cấp cứu của trung đoàn được, phải nằm lại tại chỗ giấu quân. Chờ đến tối, mới đưa anh Ân về được.


Nhưng do đêm trước nổ lựu đạn bị lộ, nên giặc phong tỏa tất cả các đường về cứ của trung đoàn, buộc chúng tôi phải đi đường vòng. Xuất phát bằng xuồng lúc 10 giờ đêm, anh Ân nằm trong lòng xuồng, tôi bơi lái, anh Dần bơi mũi, đêm phương Nam trời lờ mờ sáng, chúng tôi nhẹ nhàng bơi xuồng dọc theo con kênh hẹp, hai bên là vười trái cây trĩu quả ôm lấy con kênh, thinh thoảng lại va đầu vào trái xoài, hay trái ổi. Thật là một cảnh lãng mạn, nhưng lòng chúng tôi như lửa đốt, vì dưới lòng xuồng nới Anh Ân nằm thỉ thoảng lại phát ra tiêng rên khe khẽ, hoặc những tiếng ú ớ nói mê. Đã qua 1 ngày đêm, mà hầu như không có thuốc men gì cho anh, ngoài vài viên thuốc bổ, và thuốc giảm đau. Anh ăn không được, chỉ thi thoảng nhấp được một chút nước dừa. Khoảng 4 giờ sáng, anh Ân trở mình vài lần rồi bắt đầu giãy rụa, tiếng rên la to hơn. Mỗi lần anh Ân giãy là một lần màu lại trào ra. Anh Dần vội vàng bỏ mái chèo, ôm chặt lấy anh Ân và bịt mồm anh Ân sợ anh kêu to địch phát hiện. Tôi xiết chặt thêm dây garo cho máu không trào ra. Sau đó tôi lại ra sức bơi xuồng. Anh Dần sức yếu, chỉ ôm được 1 lúc rồi bảo: Thông để anh bơi xuồng, em ôm chặt lấy nó. Tôi đỡ anh Ân nằm xuống xuống và nằm gác chân lên anh, hai tay giữ chặt hai tay anh Ân. Lúc sau anh Ân nằm im, tiềng thở của anh hổn hển, đứt quãng. Tôi để anh nằm im trong lòng xuồng định dậy bơi xuồng tiếp thì Anh Dần bảo gần về đến trạm cứu thương rồi, em bơi lái cả đêm, mệt rồi, ôm nó ngủ một tí đi để mình anh bơi. Lúc đó tôi cũng quá mệt, nên ôm anh Ân và ngủ thiếp đi, khi về đến trạm cấp cứu của trung đoàn thì trời đã sáng từ bao giờ.

Mặt trời chiếu nắng vào mắt tôi, hai anh tải thương tưởng tôi bị thương nên xốc vai định chuyển tôi lên cáng nhưng tôi bảo tôi không bị thương mà là bạn tôi, lúc này bác sỹ Nhụy là đại đội trưởng Quân Y nói là anh Ân đã chết từ lúc nào và chuyển đi rồi. Nhìn xuống xuồng, không thấy Anh Ân đâu cả, thì ra lúc tôi ngủ say, quân y kiểm tra thấy anh Ân đã chết nên chuyển đi trước, còn tôi chuyển sau.

Khi kể lại chuyện cho bác sỹ Nhụy nghe, bác ấy bảo lúc Anh Ân giãy dụa và thở đứt quãng là lúc anh ấy sắp ra đi mãi mãi, lúc đó tôi cố gắng ôm chặt anh, truyền hơi ấm cho anh, nhưng không kịp và anh đã nhẹ nhàng ra đi trong tay tôi không một lời từ giã, sau này mỗi khi nghĩ lại tôi lại hối hận vì mình không biết là lúc ấy anh Ân sắp chết, nếu biết thì mình cũng sẽ nói chuyện anh ủi anh, hoặc hỏi anh có dặn dò gì không.

Chiến tranh đã qua đi gần 40 năm, không biết bây giờ anh nằm đâu, ở nghĩa trang nào của tỉnh Đồng tháp hay tỉnh Tiền giang. Tôi chưa một lần thắp được nén nhang trên mộ anh, nhưng trong thâm tâm kỷ niệm này tôi vẫn mang theo. Thỉnh thoảng lại kể cho gia đình nghe về kỷ niệm này, và thấy hối tiếc, nếu lúc đó có thuốc kháng sinh, có máu truyền cho anh thì anh đã không ra đi.

Anh Ân ơi! chiến tranh là như thế, xin anh yên nghỉ nơi cõi vĩnh hằng. Dù tới giờ chúng tôi chưa biết anh đang nằm ở đâu nhưng chúng tôi biết cho dù ở đâu thì cũng là Tổ quốc Việt nam yêu thương của chúng ta và sự hy sinh của Anh cùng bao đồng đội đã mang lại Hòa bình mãi mãi cho Quê hương.

Phạm Văn Thông CCB E207
LSV (g/th)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét