Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2016

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh (HL)

Đá Biên & e207

CHIẾN TRƯỜNG ĐI CHẲNG TIẾC ĐỜI XANH…

Kỷ niệm ngày 22–12, ngày thành lập QĐNDVN !
Tưởng nhớ các Liệt sỹ đã hy sinh vì Tự do tươi sáng của Dân tộc!
Tri ân CCB Trung đoàn 207 – QK8!

Hiền Lương, HVKHQS


“ …Rải rác Biên cương mồ viễn xứ
    Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
    Áo bào thay chiếu Anh về đất….”
           (Tây Tiến - Quang Dũng)

Tháng 12 đã đến. Tháng 12 có một ngày quan trọng và thiêng liêng với tất thảy những người con chân chính của đất nước Việt Nam, đó là ngày 22-12, ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam Anh hùng!

Tôi nhớ đến những người chiến sĩ đã chiến đấu và hy sinh cho đất nước hòa bình hôm nay. Vào Google tìm đọc những trang Nhật ký và Hồi ký chiến trường như một sự tìm về cội nguồn của những người lính, những con người mang những vẻ đẹp tâm hồn khó diễn tả bằng lời.

Tôi thấy rõ một điều: Ký ức chiến tranh luôn hiện diện trong mọi ngõ ngách cuộc sống của những người lính đã từng kinh qua trận mạc. Ký ức ấy vừa chân thực vừa lãng mạn vô cùng. Chân thực dến từng chi tiết đời thường nhất, lãng mạn đến từng ước mơ phi thường nhất.

Và, điều khiến tôi xúc cảm nhất chính là sự dâng hiến bình dị mà vô giá của cuộc đời người chiến sĩ cho Dân tộc trong sự chân thực vô song ấy! Đó chính  là một góc chân dung tâm hồn của những người đã hy sinh và những người còn ở lại…

Hôm nay vào trang http://e207.net.vn, đọc bài viết KÝ ỨC VÀ CẢM NGHĨ của chú Tư Kiên CCB E207-QK8. Bài viết không dài, nhưng những gì chú Tư Kiên kể lại thật sự đau lòng lắm! “...hơn 2000 cán bộ chiến sỹ đã ngã xuống…”.

Các dòng chữ thống kê vốn vô cảm, vậy mà dòng chữ này sao nặng lòng đến vậy?  Chỉ có 1 Trung đoàn, chỉ có 1 Trung đoàn, mà hy sinh với 1 con số như vậy sao? Mà đau thương mất mát đến khốc liệt như vậy sao? “ hầu hếtvẫn nằm rải rác trên khắp các chiến trường”, “…trung đoàn đã hy sinh gần 100 đồng chí đều mai táng ở gần thị xã Kom Pong Thom-CPC, nhưng không cùng một chỗ. Bộ phận làm tử sĩ, tiện đâu chôn đấy chẳng có hòm, rương gì cả. Mỗi liệt sỹ chỉ độc nhất bộ quần áo đang mặc trên mình, có khi đã rách tả tơi qua trận đánh. Bó bằng tấm ny-lon, chôn sâu không quá 5 tấc đất (vì có thời gian đâu mà đào sâu được)…”, “…trận Rạch Đá Biên… gần 300 Liệt sĩ của Trung đoàn, không-một-người-nào-có-tên-có-mộ”. (theohttp://e207.net.vn )

Đọc những điều chư Tư Kiên đã viết, mới hiểu rằng những gì chúng tôi đã biết , chẳng thấm vào đâu cả. Bao năm rồi, những người lính ấy, những người lính của E207, và cũng như tất cả những người lính, họ chôn chặt những ký ức đau thương, họ chôn chặt những kỷ niệm về đồng đội ngã xuống, họ chôn chặt trong tâm khảm họ những nỗi niềm thương nhớ mênh mông, và chỉ khi nào những đồng đội còn sống có dịp hiếm hoi được tụ họp, lại ôm nhau nước mắt lưng tròng… Nếu như các chú các anh không dũng cảm với lòng mình và mở ra những ký ức đau thương thời trận mạc, chúng ta vẫn chỉ đứng bên rìa của những nỗi đau không bút nào tả xiết.

Thế hệ chúng tôi, biết về chiến tranh qua những trang văn, qua những vần thơ bất hủ, phần nào cảm nhận được diện mạo của Dân tộc với những khúc Sử thi bất khuất kiên cường, nhưng đó vẫn chỉ là những thiên anh hùng ca cách mạng trên nền những bản nhạc chiến thắng. Đằng sau đó là bất tận những nỗi đau của mất mát hy sinh, của ly tan và dặc dài thương nhớ… mà nếu không có những dòng hồi ức được chắt ra từ tâm can các chú các anh, từ chính những  máu xương của các chú các anh đã đổ, thì chúng tôi thật sự thiệt thòi lắm, bởi chúng tôi sẽ không thể nào hiểu được sự thật vinh quang và cay đắng biết nhường nào…của một thời các chú các anh đã đi qua!

Đọc những trang hồi ức của chú Tư Kiên, không hiểu sao trong tôi cứ vang vọng những lời thơ của nhà thơ Quang Dũng trong bài  thơ Tây tiến:

 “ Anh bạn dãi dầu không bước nữa
  Gục trên súng mũ bỏ quên đời.
Rải rác Biên cương mồ viễn xứ.
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh. 

 …Tây tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm nứa chẳng về xuôi..”

Cái âm hưởng “ thăm thẳm một chia phôi..” trong thơ Quang Dũng xưa nay đã từng gợi lên biết bao những suy tư Bi, Tráng…nhưng đó đích thực là tiếng lòng của những người chiến sĩ,trên những nẻo đường chiến đấu oai hùng, mà nhà thơ là một đại diện. Là một trong những người lính của đoàn quân “Tây tiến người đi không hẹn ước” ấy, Quang Dũng đã bao lần vượt qua cái chết, đã bao lần chứng kiến đồng đội “ gục trên súng mũ bỏ quên đời”, vì thế hình ảnh cuộc trường chinh cách mạng trong thơ ông chân thực đến đau lòng….Thuở ấy, có mấy ai đi mà hẹn ngày về! Trung đoàn 207, Trung đoàn 24… và biết bao những Trung đoàn khác, có biết bao nhiêu những linh hồn đã ở lại những nơi nào trên những chiến trường khốc liệt, có biết bao những lời hẹn ước mãi mãi không thành…? Thuở ấy, Bố tôi đã từng là Chính ủy của nhiều đơn vị trực thuộc QK4: Trung đoàn 15, trung đoàn 57, sư đoàn 442.., tất cả đều là những đơn vị chủ lực tăng cường cho mặt trận Miền Nam, “ các anh đi, ngày ấy đã lâu rồi…”,  liệu giờ đây, những ai còn ai mất? Hình ảnh chú Tư Kiên kể lại…sao mà đồng điệu với cái âm hưởng thăm thẳm chia phôi trong bài thơ đến thế. Dẫu thời gian rất cách xa nhau.

 Cũng bởi tất cả đều là sự thật!

 Hình ảnh những chàng trai trong Tây tiến  ra trận với một khí thế hào hùng và lãng mạn “ quân xanh màu lá dữ oai hùm, mắt trừng gửi mộng qua biên giới, đêm mơ Hà nội dáng kiều thơm” gợi nhớ hình ảnh tráng sĩ Kinh Kha “ một đi không trở lại” trong điển tích Trung Hoa, lại cũng gợi nhớ đến hình ảnh các chú các anh 207 những ngày nào hành quân ra mặt trận, những chàng trai hào hoa của 207 như bao chàng trai ra trận thuở ấy mang trong lòng hào khí Đông A cùng bao khát vọng yêu thương cuộc đời, và trí tuệ ngời sáng tương lai…..

“ Tôi lại viết bài thơ trên báng súng
 Con lớn lên đang viết tiếp thay cha.
Người đứng dậy viết tiếp người ngã xuống.
Người hôm nay viết tiếp người hôm qua.”
(Hoàng Trung Thông)

Mặt trận mà Trung đoàn 207 của các chú các anh “đứng chân” là một địa bàn ác liệt,  bởi đặc thù tự nhiên khắc nghiệt của vùng Đồng Tháp Mười, cộng với thế trận dày dặc của quân thù với vũ khí hiện đại và dồi dào luôn luôn áp đảo, trong khi đó, các chú chiến đấu với những cơ số đạn ít ỏi, bởi đường tiếp viện đã bị địch chia cắt,  thậm chí có thời điểm không kịp nhận thêm vũ khí, giữa trận đánh không cân sức…phải đánh “giáp lá cà” và lần lượt hy sinh đến người cuối cùng…Chỉ có lòng yêu Tổ Quốc, ý chí tiến công cách mạng và tâm hồn lãng mạn tuổi 20 đã nâng bước chân những người trai Việt ấy, để họ xông lên dũng mãnh diệt thù với một niềm tin tha thiết về ngày mai toàn thắng. Viết nên những trang Sử thi nước Việt Nam “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.”. 

tháng 5-1972, Bộ Chính trị chỉ thị cho Trung ương ‘Cục và Quân uỷ Miền điều chủ lực xuống đồng bằng sông Cửu Long để triển khai chiến dịch này. Địa bàn chiến dịch gồm năm tỉnh: Mỹ Tho, Kiến Tường, Kiến Phong, Gò Công và Bến Tre.

Đây là địa bàn trọng yếu của đồng bằng sông Cửu Long. Tại đây lực lượng địch có Sư đoàn 7, Trung đoàn 6 thiết giáp, một liên đoàn đặc nhiệm hải quân, 5 giang đoàn, Liên đoàn 41 biệt động quân cùng lực lượng bảo an dân vệ cảnh sát dã chiến tại địa phương.

Về phía ta có Sư đoàn 5 chủ lực Miền (mới từ miền Đông xuống), C30B (tương đương sư đoàn gồm các trung đoàn24, 207, 271 và các đơn vị binh chủng như Trung đoàn 28 pháo binh, Tiểu đoàn đặc công, Tiểu đoàn thông tin), các trung đoàn 1, 88, 320, và 3 tiểu đoàn đặc công, 2 tiểu đoàn pháo, 1 tiểu đoàn công binh (Quân khu 8), bộ đội các tỉnh Mỹ Tho, Gò Công, Kiến Tường, Kiến Phong, Bến Tre.

Quyết tâm của ta là dùng một bộ phận chủ lực bất ngờ thọc sâu chọc thủng tuyến ngăn chặn biên giới và phá vỡ tuyến ngăn chặn trung tâm Đồng Tháp Mười, bảo đảm hành lang vận chuyển, nhanh chóng thọc sâu xuống đường 4, tiến công dứt điểm một số quận lỵ, chi khu, làm đòn bẩy phát động quần chúng nổi dậy giải phóng phần lớn tỉnh Mỹ Tho, Kiến Tường và một phần Kiến Phong, sau đó phát triển mở vùng ở Gò Công và Bến Tre.”
(Theo: Lịch sử quân sự Việt nam)

ĐTM vốn đã khắc nghiệt, các chiến sĩ giải phóng càng phải chịu đựng gian khổ gấp bội khi mùa khô thì thiếu nước ngọt, mùa lũ phải sống trên ngọn tràm, trên đầu là máy bay trực thăng, dưới nước là “thuyền bay”, cùng muỗi mòng, rắn rết. Khi chiến đấu đã muôn phần gian khổ, khi hy sinh rồi, gian khổ vẫn không vơi… Hãy nghe chú Tư Kiên kể về những mất mát , hy sinh trong  những tháng ngày gian lao mà anh dũng ấy:

“….. trận đánh 31/10/1972 tại cù lao Long Khánh huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Gần 400 cán bộ chiến sĩ của trung đoàn hy sinh. Đại đa số đều bị chết chìm dưới sông Cửu Long, lúc vượt sông ban đêm. Khi xác anh em nổi lên đã trôi dạt trãi dài từ Hồng Ngự, dọc theo sông Tiền đi qua các vùng Thanh Bình, Chợ Mới, Cao Lãnh, Sa Đéc, Tiền Giang, Bến Tre và trôi ra biển. Nhân dân gặp xác đâu đem lên chôn đó và chẳng biết gốc tích là ai riêng ở địa phận huyện Hồng Ngự thì nhân dân biết là thân xác của bộ đội trung đoàn 207, do vậy sau hòa bình tỉnh Đồng Tháp quy tập về các nghĩa trang Thường Thới Tiền, nghĩa trang biên giới Tam Nông, đều ghi trên mộ vẻn vẹn E207 không-tên-không-tuổi-không-quê-quán. …

…Đặc biệt, trận đánh 3/10/1973 tại Rạch Đá Biên, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, gần 300 liệt sỹ của trung đoàn không-một-người-nào-có-tên-có-mộ…

Từ những chứng cứ nêu trên nên tôi chắc chắn và khẳng định rằng: đồng đội của chúng tôi những cán bộ chiến sỹ của trung đoàn 207 ước tính trên 2000 liệt sỹ đang nằm rải rác khắp nơi, trên khắp các chiến trường, mà phần nhiều chưa tìm được hài cốt..”( theo: http://e207.net.vn)
Trên đây chỉ là một vài trích dẫn từ những ký ức bi tráng của một người lính 207. Chỉ là vài dòng ký ức nhỏ nhoi và ngắn ngủi, mà đã gợi lên trong lòng người đọc những liên tưởng sâu xa về những tháng năm Cha Anh chúng ta đã trải qua, biết mấy “ gian lao mà anh dũng”. Trên toàn cảnh bức tranh đau thương thời chiến trận ấy, các chú các anh vẫn hào hùng một bản sắc người trai thời đất nước lâm nguy, ra trận với một tâm hồn lãng mạn tuyệt vời, không suy tính, với một lòng tin chắc chắn về một ngày mai tươi sáng của Dân tộc:

“…Anh ngã xuống bên hàng rào dây thép
Mà trên môi như thoáng nở nụ cười
…Anh vẫn lung linh như chùm hoa Phượng
Đỏ đường quê rực rỡ tương lai…
Anh vẫn sống với chúng tôi chiến đấu…” 

( Nguyễn Công Loan – CCB E207)

 “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.
 Áo bào thay chiếu Anh về đất…”

Biết bao những “đời xanh” giờ đây nằm lại ở biết bao những nơi nào, những “ đời xanh” nào còn được nằm trong những nấm mồ dẫu có rải rác khắp Biên cương đất Việt, thôi thì… cũng còn được có một chỗ nằm yên vị…còn những “đời xanh” nào như hàng trăm người con trung dũng của E207,đã vĩnh viễn nằm lại và “cùng nhau” tan rã trong sóng nước và bùn lầy ở Rạch Đá Biên:

(Rạch Đá Biên -  Nơi các Anh nằm lại mãi mãi tuổi 20)

 ……..“ Các chiến sỹ cảm tử quân (chủ yếu là tiểu đoàn 1) đã bám sát trận địa, chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, nhưng vì địa hình phức tạp, bị tập kích bất ngờ, lực lượng chiến đấu không cân sức , anh em đã anh dũng hy sinh hơn 200 đồng chí.. Những ngày sau đó địch tiếp tục đưa trực thăng tới quần đảo tại khu vực này nhằm tiêu diệt bất cứ mầm sống nào còn sót lại trên cánh đồng hoang vu mênh mông nước, chúng cho quân canh giữ không cho ta lấy tử sỹ. 12 ngày sau đại đội trinh sát cùng với lực lượng địa phương mới tổ chức được lực lượng đưa quân vào tìm đồng đội….. Giữa cánh đồng xác các anh nổi lên đồng đội phải dùng màn để vớt vì cánh đồng ngập nước không có đất chôn nên các anh phải bó lại treo lên, hoặc cột chặt vào cây tràm để mùa khô đồng bào chôn giúp…!” (theo: http://e207.net.vn/)

Nhà thơ, nhà báo Trần Thế Tuyển,  khi viết những lời tưởng niệm người em trai của mình là Liệt sĩ Trần Văn Thiềng và các đồng đội của Anh đang nằm lại đâu đó trong lòng Tổ Quốc, đã cất lên những lời thơ chứa chất nỗi đau nhưng cũng rất tự hào:

“Thân ngã xuống thành đất đai Tổ Quốc
   Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia”

(Liệt sĩ Trần Văn Thiềng là chiến sĩ của Trung đoàn 24 Anh hùng, đã chiến đấu và hi sinh anh dũng, nằm lại ở mảnh đất Tiền Giang, cho đến nay gia đình vẫn không thể tìm thấy được tên Anh trên bất cứ mộ bia nào…)

Dẫu biết các Anh đã là hồn thiêng sông núi, dẫu biết các Anh đã thành linh khí tổ tiên bay trên cao xanh… nhưng lời thơ sao vẫn ám ảnh một nỗi niềm đau đớn khắc khoải biết mấy!

Cảm ơn nhà báo Trần Thế Tuyển đã cất lên những âm hưởng linh thiêng giúp vợi bớt  nỗi đau trong  lòng của những người còn được sống trở về sau cuộc chiến thương nhớ khôn nguôi về đồng đội của mình còn nằm lại chiến trường, của muôn vàn những người thân tìm kiếm nơi nào người thân mình nằm lại…Nơi nào người thân mình nằm lại? Tìm kiếm nơi nào người thân mình nằm lại là cả một đời những người còn sống, là cả một đời những người Cha người Mẹ dù đã về cõi vĩnh hằng vẫn mang theo bóng hình những đứa con yêu dấu đã nằm lại nơi nào…

“Các anh sinh ra từ khắp mọi miền quê hương, đất nước, mỗi người đều được cha, mẹ đặt tên. Rồi khi lên đường nhập ngũ, dấn thân vào cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, tên tuổi các anh vẫn in đậm trong hồ sơ của những đoàn quân ra trận... Nhưng, giờ đây, khi cuộc chiến tranh tàn khốc đã lùi sâu vào quá vãng, các anh đã không còn tên nữa. Máu, xương của các anh thấm đẫm trên từng tấc đất quê hương Anh hùng và tên tuổi các anh đã hòa vào hồn thiêng sông núi...” ( Báo Mới.com)

 Vang vọng trong dải Trường Sơn hùng vĩ , vang vọng khắp rộng dài Đất nước là những tiếng gọi da diết của hôm qua và hôm nay, cho tới tận muôn sau,  tìm những linh hồn Liệt sĩ, những tiếng gọi không có lời đáp lại, chỉ âm âm một cõi vô thường: “… Rải rác Biên cương mồ viễn xứ. Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh..”.

“Xa thẳm một miền xa thẳm
 Tiếng gọi hồn thiêng núi sông…”

Có lẽ đã từng xác định sẽ có một ngày nào nằm lại một nơi nào trên đường hành quân năm ấy, nên Quang Dũng đã nói thay lời đồng đội và những linh hồn Liệt sĩ đã hóa thành “hồn thiêng sông núi” ở nơi các Anh nằm lại:

“Ai lên Tây Tiến mùa Xuân ấy
 Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi…”

Nhưng dù sao, các Anh dù rải rác ở mọi nơi nào, ở mọi năm nào, vẫn còn đó những “Đời xanh” bất tử, vẫn nhớ thương đồng vọng phía Quê nhà, bởi Quê nhà vẫn muôn nẻo nhớ thương.

Dẫu đã cách ngàn trùng trong gang tấc
Thì nhớ thương vẫn kín nẻo Quê nhà.

...Bây giờ Anh vẫn trẻ…
Áo vẫn xanh mải miết ở nơi nào…
Các Anh chính là Hoa của Đất!...

Nói đến hai chiều của mỗi cuộc chiến tranh, nỗi đau thương mất mát là một chiều không thể xóa mờ, đau thương đến tận cùng, nó còn đó, năm này qua năm khác, thế hệ này qua thế hệ khác, mãi mãi song hành cùng Dân tộc. Chiều còn lại dành để tri ân những người lính còn được sống trở về. Những con người bình dị mà vĩ đại đã cùng với những “hồn thiêng sông núi” lập nên dáng vóc nước non nhà. Nói về họ cũng chẳng có ngôn từ nào đủ đẹp, đủ cao quý .

Thật sự tôi khâm phục các chú các anh còn sống sau cuộc chiến! Trở về sau những mất mát hy sinh, để sống và tồn tại một cách bình thường như bao số phận con người bình thường nhất , là những nỗ lực nội tâm phi thường nhất, giữa những bão dông không có bến bờ trong tâm hồn - tâm hồn của những người lính mãi mãi còn hằn in dấu vết chiến trường, hằn in những gương mặt đồng đội đã mãi mãi nằm lại tuổi đôi mươi:

“…nằm trong những cánh đồng, dưới những lớp bùn, cỏ lác là hơn 200 trí thức tương lai của miền Bắc XHCN? Từ bỏ quê hương, cha mẹ các Anh ra đi khi tuổi mới đôi mươi. Có anh chưa kịp biết nụ hôn của đôi lứa yêu nhau. Có anh chưa kịp nắm tay một người bạn gái…Có anh chưa kịp biết về một giọng hò, về mùa nước nổi với những vạt điên điển vàng tươi…Buổi sáng cuối cùng chưa kịp chia nhau nắm gạo sấy đã ướt nhẹp….Đến bây giờ các anh vẫn đói, vẫn lạnh, vẫn không nhớ đường về…Ôi! Chiến tranh. Cái giá phải trả cho hòa bình, thống nhất Đất nước là hàng triệu người lính trong đó có hơn 200 đồng đội tôi tại rạch Đá Biên này…. Tấm bia được phòng LĐTBXH huyện Mộc Hóa dựng từ năm 1992 giờ vẫn sừng sững vươn lên Trời cao như khí phách người chiến sĩ Giải phóng quân năm nào. Tấm bia rêu phong đó mang trong lòng hài cốt mấy chục chiến sĩ, còn bao nhiêu đồng đội tôi đang rải rác ngoài cánh đồng, trong bùn lầy, kinh rạch… Hỡi các Anh - những chàng trai trẻ tài hoa - dù các Anh nằm đâu đó trong lòng đất Mẹ nhưng với gia đình, đồng đội, nhân dân các Anh mãi vẫn tươi trẻ, trắng trong như ngày nhập ngũ. Chúng tôi, 38 nay không nguôi dằn vặt vì chưa tìm lại được các Anh. Chúng tôi biết chúng tôi đã nợ các Anh nhiều lắm. Xin các Anh thanh thản nơi chín suối vì sự ra đi của các Anh đã tạo nên cuộc sống thanh bình hôm nay.” (theo: http://e207.net.vn/ )

 “… Giữa trời mây âm u và mênh mang một vùng lũ, sóng vỗ lao xao dưới mạn ghe thuyền. Nghe đâu đây tiếng vọng rừng tràm, nơi các Anh đã 38 năm rồi ở lại. Bạn bè và những người thân yêu đã đến đây, tưởng nhớ những người lính Sinh viên đã quên mình vì Tổ quốc. Đồng đội ơi ! trong sự sống thanh bình hôm nay của quê hương Đồng Tháp, các bạn đã hoá thành hạt phù sa, thành chim cá, bông sen…” (Thầy Hoàng Văn Tần – CCB Trường ĐHXD Hà Nội)

 “… Cuộc họp mặt của các anh ở nhà anh Khải hôm nay làm cho tôi nhớ đồng đội quá! Chúng ta tuổi trên dưới lục tuần, nhiều người cháu nội cháu ngoại xênh xang cả rồi, ấy vậy mà cứ gặp nhau y rằng là trẻ lại, tếu táo cứ như hồi mười tám đôi mươi với những chuyện bịa như thật về tài tán gái thành thần, về những trò tinh quái khó lường của lính! Tuy nhiên, bao giờ cũng vẫn có những giọt nước mắt nghẹn ngào khi nhớ về biết bao đồng đội của ta mãi mãi không về như anh Lý Toán Hùng cùng bao đồng đội khác!.. (Mạnh Bình –CCB E 24- Nguồn: e24.com)

Mặc dù vậy, vượt lên mọi đau thương còn hiện hữu, trong cuộc sống thanh bình hôm nay, những người chiến sĩ năm ấy, những CCB của E207, và những CCB của nhiều đơn vị khác vẫn đang  sát cánh bên nhau , kiên cường xây dựng một tương lai bền vững cho những thế hệ nối tiếp.

 Chú Phan Xuân Thi – BLL – CCB-E207 đã từng nói, khi trao đổi với tôi về trang web 207: “…nhằm chung tay lo cho những đồng đội đã khuất và góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho con em trong đại gia đình 207 và thế hệ trẻ, những chủ nhân của đất nước, biết quý trọng những gì mà cha , anh đã đổ máu xương mới giành được. …các cháu nếu chịu đọc trang này sẽ trưởng thành lên rất nhiều về nhân cách sống, đó là mục đích của chúng ta. Tính giáo dục, tính tư tưởng, tính thẩm mỹ là tiêu chí của trang này …”

Các chú các anh, những người đã từng đổ máu nơi chiến hào, đã từng đi “chẳng tiếc đời xanh”, đã từng sống với biết bao cái chết của đồng đội, quả thật , bây giờ, các chú các anh trân trọng mỗi phút giây được cống hiến cho đời.

Trên trang http://e207.net.vn/ hôm nay, dòng tên các chú các anh vẫn sáng ngời nhân cách người chiến sĩ, với tình yêu cuộc sống, với lòng bao dung nhân hậu, nghĩa tình sâu nặng với đồng đội đã hy sinh, sự khắc ghi ân tình của nhân dân đã đùm bọc chở che trên mọi nẻo đường chiến đấu…Và hướng tới một tương lai tươi đẹp!

Vậy đấy, tâm hồn của những người chiến sĩ!

Còn nhiều điều muốn nói trong niềm tự hào và những nỗi đau mênh mông của ngày 22 tháng 12 này, nhưng lại chẳng thể nào nói cho hết được. Tôi bỗng thấy ngôn từ đơn giản quá!

Xin gửi tới tất cả những người lính của QĐNDVN qua những giai đoạn trưởng thành, những người đang sống và những người đã hy sinh, lời tri ân hơn mọi lời tri ân của thế hệ hôm nay!

Xin gửi tới những người lính của E207- QK8 , những người còn sống và những người đã hy sinh, lời tri ân hơn mọi lời tri ân của thế hệ hôm nay!
                                                              
Hà Nội, ngày 20 tháng 12 năm 2011
Hiền Lương

LSV (g/th)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét