Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2016

Làm sao không khóc được (PVT)

Đá Biên & e207

LÀM SAO KHÔNG KHÓC ĐƯỢC?
Phạm Văn Thông, CCB E207, QK8


Cứ mỗi ngày mở trang web của đơn vị ra là được gặp những hình ảnh mới, những bài viết mới. Nhưng hôm nay, khi nhìn thấy những hình ảnh của ngôi miếu Bắc Bỏ bị nước lũ nhấn chìm toàn bộ (ảnh của em Nguyễn Hoài Nam). Cộng với những lời rên xiết như đứt từng khúc ruột của cháu Hiền Lương qua bài "Mùa nước nổi và miếu Bắc Bỏ" thì tôi đã bật khóc, nước mắt tôi cứ trào ra không gì có thể ngăn lại được. Mà không phải chỉ có mình tôi đâu, các bạn bè, đồng đội tôi, nhân dân Rạch Đá Biên, chính quyền các cấp của tỉnh Long An, và tất cả những ai có lương tri chắc lúc này cũng thế.
Làm sao không khóc được: khi chỉ cách đây đúng nửa tháng. Mùng 04/10, ngày giỗ đầu tiên của các liệt sĩ sau 38 năm xa cách do ban liên lạc trung đoàn khởi xướng. Khoảng đất rộng của miếu Bắc Bỏ cũng còn được vài chục mét vuông, trồi đầu trên mặt nước vậy là các liệt sĩ vẫn còn không khí "mà thở", bây giờ bị nước nhấn chìm thì hỏi rằng những vong linh đang nằm nơi này sẽ "thở" sao đây?
Làm sao không khóc được: ngày đó mùng 4/10, gần 400 nhân dân rạch Đá Biên khi đến cúng giổ cho các hương hồn liệt sĩ cũng còn được một khoảnh đất để thay nhau vào tri ân trước vong linh.
Tuy bé nhỏ, nhưng cũng còn đất để cho các ông các bà, các ba các má, các anh các chị "xì xụp khóc khấn" những đứa con đã anh dũng hi sinh, quên mình vì tổ quốc.
Tuy bé nhỏ, nhưng cũng còn đất cho nhạc sĩ Trần Khuyến giãi bày tâm tư và tình cảm của mình trước gần 300 sinh linh, liệt sic đã anh dũng ngã xuống nới này.
Tuy bé nhỏ, nhưng cũng còn chút đất để chúng tôi hội Cựu chiến binh Trung đoàn 207, cùng đại diện chính quyền địa phương tỉnh Long An, chính quyền địa phương huyện Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Đảng ủy và chính quyền xã Thạnh Phước, các đoàn thể và tổ chức xã hội khắp nơi có chỗ "trú chân" để làm lễ dâng hương cho các anh hùng liệt sĩ.
Vậy mà giờ đây tất cả đã bị nhấn chìm trong nước lũ.
Nỗi đau đầu tiên mà tôi cảm nhận được là của hàng chục ngàn người dân Rạch Đá Biên, và các vùng lân cận vì họ đã coi gần 300 liệt sĩ nơi đây như những người thân yêu, ruột thịt mà suốt 38 năm qua đã gắn liền với cuộc sống và tâm linh thực sự nơi này.
Tôi nghĩ chắc chắn rằng không gì có thể làm thay đổi những tấm lòng nhân hậu, thành kính của dòng dõi "con Lạc, cháu Hồng", và tình cảm dân tộc với sự trường tồn của đất nước và Tổ quốc Việt Nam.
Ngặt một nỗi nhân dân vùng này vẫn còn nghèo quá!
Nghèo vì bao nhiêu năm chiến tranh, bom đạn đã chà đi, xát lại làm cho cỏ cây cũng không sống nổi.
Nghèo vì vùng đất hoang vu xưa kia bị nhiễm phèn chua mặn. Tạo hóa đã làm nên như thế.
Tôi chợt nghĩ tới luật công bằng: Tại sao gần 300 sinh linh liệt sĩ lại phải nằm ngay nơi tạo hóa nghiệt ngã như vậy? Để nhân dân Rạch Đá Biên đau lòng trước cảnh nước lũ nhấn chìm. Rồi người sống và những người đã khuất đều chung số phận "đau lòng".
Thương nhân dân Rạch Đá Biên
Thương đồng đội đang nằm nơi đó.
Nước mắt tôi lại tuôn trào…!
***
Đồng Tháp, ngày 20 tháng 10 năm 2011
Phạm Văn Thông - CCB Trung đoàn 207, QK8

***
Mùa nước lũ ở miếu Bắc Bỏ


Ngôi miếu nhỏ chìm trong biển nước


Đến khi nào Miếu thờ Liệt sĩ sẽ không còn cảnh bị ngập lụt thế này


Anh Tư Tờ đang thu dọn trước khi nước lên cuốn trôi tất cả


Anh Tư Tờ đã mang di ảnh các Liệt sĩ về nhà thờ trong khi lũ tới

Mấy ngày qua do lũ miền Tây đang lên đỉnh, tôi tranh thủ đi khảo sát để tính cốt nền miếu khi xây dựng lại. Hiện nước đã ngập qua nền khoảng 30cm, anh Tư Tờ đã mang di ảnh các Liệt sĩ về nhà và thu dọn lại tất cả (tránh trường hợp có năm bát nhang đã bị nước cuốn ra ngoài rạch Đá Biên). Xin gửi tới tất cả mọi người những hình ảnh mới nhất về Miếu Bắc bỏ. (Nguyễn Hoài Nam)

LSV (g/th)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét