Thứ Hai, 4 tháng 4, 2016

Trận Ấp Đá Biên

Đá Biên & e207
TRẬN ẤP ĐÁ BIÊN


Thông báo mở lại chuyên mục "Đá Biên & E207"

Thân ái gửi đồng đội và bạn hữu blog Lính Sinh viên!
Lớp sinh viên ĐHXD Hà Nội nhập ngũ 13/09/1972, huấn luyện tại C2, D74, F304B, Quân khu Việt Bắc, sau 3 tháng huấn luyện được tổ chức đoàn đi B2, mang phiên hiệu 2013 để bổ sung cho chiến trường B2 (Nam Bộ).

Sau chặng đường dài hành quân trên đường dây 559 (theo đường mòn Hồ Chí Minh - Tây Trường Sơn) qua Lào, Campuchia vào đến Mi-mot (Campuchia) thì đoàn 2013 tách đôi, tròn 200 chiến sỹ gồm C2 (ĐHXD) và C4 (ĐH thông tin liên lạc) được bổ sung về miền Tây cho Trung đoàn 207, quân khu 8 (qua ngả Mộc Hóa), còn lại C1 và C3 được bổ sung sang miền Đông Nam Bộ cho Trung đoàn 4, quân khu 7 (qua ngả Lộc Ninh).

Tháng 10/1973, từ căn cứ tại Svay Rieng (Campuchia), trung đoàn 207 đã hành quân vượt sông Vàm Cỏ Tây tới huyện Mộc Hóa (nay là huyện Thạnh Hóa). Ngày 3/10/1973, trung đoàn tới một khu vực rừng tràm tại địa phận rạch Đá Biên lúc vừa rạng sáng, nên phải cho quân nghỉ lại chờ đêm xuống tiếp tục hành quân. Trung đoàn bị lực lượng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa (QLVNCH) tập kích trong lúc đang nghỉ giữa chặng hành quân tại Ấp Đá Biên, thuộc địa bàn xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An. Khoảng 200 chiến sĩ bộ đội miền Bắc đã tử trận trong trận đánh này, trong đó có nhiều sinh viên ĐHXD Hà Nội. (Wikipedia)...

***

Admin: Do máy chủ vnweblogs.vn bị "die" từ đầu năm 2016 nên toàn bộ các bài đã đăng trên blog Lính Sinh viên bị mất hết! Tới đầu tháng 3/2016 vừa qua trang chủ vnweblogs.vn mới bắt đầu phục hồi nhưng vẫn chưa hoàn thiện, vì vậy việc đăng tải bài viết sẽ bị chậm theo để chờ Ban quản trị hoàn thiện trang chủ. 

Bắt đầu từ 01/04/2016, Admin blog LSV ưu tiên mở lại chuyên mục dành cho Khu tưởng niệm liệt sỹ Đá Biên và Trung đoàn 207, nhằm giúp đồng đội và bạn hữu có một bức tranh toàn cảnh về quá trình tìm kiếm, vận động tài trợ xây dựng Khu tưởng niệm liệt sỹ, các hoạt động tình nghĩa vì liệt sỹ và thân nhân gia đình, các Lễ giỗ liệt sỹ, ... với bao công sức, tiền bạc, phong trào, vận động... của nhân dân địa phương, đồng đội, thân nhân và bạn hữu,... cho Khu tưởng niệm liệt sỹ E207 được khang trang to đẹp như ngày hôm nay. Các bài viết liên quan chủ đề này (phóng sự, thơ, văn, clip,...) sẽ được sắp xếp và đăng lại theo trình tự thời gian cho logic.  Vậy xin thông báo để mọi người biết và tiện theo dõi. 
Trân trọng! Admin LSV

*******************
Trận Ấp Đá Biên
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Trận Ấp Đá Biên
Một phần của Chiến tranh Việt Nam
Thời gian:
 3 tháng 10 năm 1973
Địa điểm: 
Kết quả: 
Việt Nam Cộng hòa thắng
Tham chiến:


Lực lượng
1 trung đoàn
- Không rõ
Tổn thất
~200 chết
- Không rõ
...

Trận Ấp Đá Biên hay trận Rạch Đá Biên là một trận đánh trong Chiến tranh Việt Nam, diễn ra vào rạng sáng ngày 3 tháng 10 năm 1973 khi Trung đoàn 207 Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) bị lực lượng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa (QLVNCH) tập kích trong lúc đang nghỉ giữa chặng hành quân tại Ấp Đá Biên, thuộc địa bàn xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An. Khoảng 200 chiến sĩ bộ đội miền Bắc đã tử trận trong trận đánh này.

Bối cảnh và diễn biến
Mùa nước nổi tháng 10 năm 1973, Trung đoàn 207 QĐNDVN (thuộc Quân khu VIII) được lệnh hành quân về khu vực Đồng Tháp Mười và tập kết tại huyện Cai Lậy, tỉnh Kiến Tường (nay là tỉnh Tiền Giang). Từ căn cứ tại Svay Rieng (Campuchia), trung đoàn đã hành quân vượt sông Vàm Cỏ Tây tới huyện Mộc Hóa (nay là huyện Thạnh Hóa). Ngày 3 tháng 10, trung đoàn tới một khu vực rừng tràm tại địa phận rạch Đá Biên lúc vừa rạng sáng, nên phải cho quân nghỉ lại chờ đêm xuống tiếp tục hành quân.
Lực lượng bổ sung của trung đoàn khi đó gồm nhiều tân binh mới nhập ngũ, trong đó đa số là các cựu sinh viên Đại học Xây dựng. Do thiếu kinh nghiệm nên trong quá trình sinh hoạt họ đã để lộ dấu vết và bị máy bay trinh sát của phía Việt Nam Cộng hòa phát hiện. Đối phương nhanh chóng huy động pháo bắn cấp tập xuống, cùng với đó là các đơn vị QLVNCH dưới sự yểm trợ của 12 trực thăng và xe bọc thép M-113 ập tới bắn phá dữ dội. Trước tình thế đó, một bộ phận cảm tử của Trung đoàn 207 QĐNDVN đã ở lại cầm chân quân địch để trung đoàn rút lui, hàng trăm người trong số này đã tử trận sau khi chiến đấu tới viên đạn cuối cùng.

Kết quả
Tổng cộng đã có khoảng 200 bộ đội đã thiệt mạng trong trận tập kích tại rạch Đá Biên. Sau trận đánh, QLVNCH vẫn tiếp tục cho quân lùng sục, càn quét, ngăn không cho QĐNDVN quay lại lấy xác đồng đội. Phải 12 ngày sau, khi đối phương đã rút quân, đại đội trinh sát của Trung đoàn 207 cùng lực lượng địa phương mới vào được khu vực trận địa, nhưng chỉ tìm được 40 thi thể. Số thi thể này được họ bó lại rồi cột vào các cây tràm, chờ đến mùa khô mới chôn cất được. Người duy nhất trong đơn vị bị thương và mắc kẹt lại trận địa là Nguyễn Trần Oanh, sau đó đã được người dân địa phương cứu sống, nuôi giấu và trở về với đơn vị.
Năm 1991, một miếu thờ có tên gọi là Miếu Bắc Bỏ đã được người dân Ấp Đá Biên xây dựng để tưởng nhớ đến các liệt sĩ miền Bắc đã chiến đấu và hy sinh trong trận đánh này.

   

Miếu thờ này ở rạch Bắc Bỏ - là địa danh đã có từ lâu trước khi trận đánh xảy ra - bản đồ UTM Mỹ tấm số 6230-3 xuất bản trước 1972 có ghi tên rạch này. Khu vực này nói chung là Đá Biên với ấp Đá Biên, Rạch Đá Biên, còn Bắc Bỏ là ở "sâu trong đồng" là một nhánh của rạch Đá Biên - hầu như không dân sống tập trung. Hiện nay không ảnh miếu thờ này đã cập nhật trên map trực tuyến (như google map) và ở đúng khu vực rạch Bắc bỏ cũ chứ không phải bên rạch Đá Biên hay ấp Đá Biên.

Chú thích:
"Thành hoàng làng đội mũ cối", báo Tiền Phong, ngày 13 tháng 1 năm 2012.
"Ân tình dân rạch Đá Biên", báo Tuổi Trẻ, ngày 24 tháng 8 năm 2011.
^ "Trận chiến đấu không bao giờ quên", báo Quân đội nhân dân, ngày 19 tháng 9 năm 2013.




Không ảnh (google map) Khu tưởng niệm liệt sỹ Trung đoàn 207, QK8
tại ấp Đá Biên, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An

LSV (s/t & g/th)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét