Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2016

Nơi trường xưa in dấu (HG)

Đá Biên & e207

NƠI TRƯỜNG XƯA IN DẤU
Viết bởi hoaigianghl | 30 September, 2012

Chúng tôi hẹn nhau sáng 29 tháng 9 sẽ lên Hương Canh - nơi trường Đại Học Xây Dựng sơ tán những năm 70 của thế kỷ trước và là nơi anh em chúng tôi những sinh viên ĐHXD lên đường nhập ngũ - để lấy đất và nước đem vào cho các bạn chúng tôi đã nằm lại trên chiến trường Long An nhân ngày lễ khánh thành khu tưởng niệm các liệt sỹ Trung đoàn 207 quân khu 8 và lễ giỗ tập thể các liệt sỹ đã hy sinh ngày 08 tháng 9 âm lịch (03/10/1973).
Tôi thức dậy từ 3 giờ 20 phút sáng để chuẩn bị đi chuyến xe Hạ Long - Hà Nội vào 04 giờ. Đến Hà Nội vừa tròn 07 giờ 10.

     

Người dân Hà Nội đang tập thể dục.           Hai bố con này đang hí húi sửa chiếc máy bay lên thẳng


http://linhsinhvien.vnweblogs.com/js/tinymce/plugins/more/img/trans.gifCác bạn đến đón tôi. Trên xe có Nguyễn Phi Cảnh cầm lái; anh Vũ Xuân Xiển; Đặng Đắc Bằng; và Hằng. Chúng tôi đi về hướng bến phà Chèm. Vợ chồng Nguyễn Ngọc Lịch và con trai cũng chuẩn bị lên đường để nhập vào đoàn chúng tôi.


Con đường gốm sứ trải dài


Bến phà Chèm ngày xưa đấy bây giờ chỉ còn là nơi tập kết cát từ miền ngược đổ về


Đặng Đắc Bằng sải bước hình như đang muốn tìm lại cái cảm giác ngày xưa đợi chuyến phà sang


Vượt cầu Thăng Long. Mấy anh em say sưa kể về cái ngày xưa gian khổ. Nguyễn Phi Cảnh cứ nghĩ mình đang lái xe Tăng nên đạp ga quá đà vượt tốc độ bị mấy đồng chí công an giao thông tuýt còi. Chúng tôi xuống xe. Cảnh thật thà trình bày vì đồng đội cũ cũ lâu ngày gặp nhau nên quên mất cả nhìn tốc độ. Mấy đồng chí công an thấy toàn cánh lính già nên cười rồi : "Mời các bác lên xe". Bằng kể: Hôm 15 tháng 9 lên Phú Bình xe của Nguyễn Sỹ Đình cũng bị công an chặn lại vì người ngồi ghế trước không thắt dây an toàn. Đình xuống xe nói nhỏ: "Thú thật thủ trưởng tôi bụng phệ quá thắt dây an toàn thì chật quá nên... cụ lười, tôi cũng muốn nhắc... cụ, nhưng lại ngại cụ quá". Đình đeo lon đại tá còn "cụ" bụng phệ mặc thường phục ngồi ghế trước không thắt dây an toàn là Lương "chắc phải cỡ tướng trở lên". Các đồng chí công an nể tình cụ nên cho đi. Chúng tôi cười đến rơi nước mắt vì quân hàm "cụ" Lương chưa vượt qua cấp úy.


Hương Canh mấy chục năm giờ đã khác xưa lắm rồi

Chúng tôi rẽ vào con đường vào trường. Đường bê tông đi ngon lành. Khu Gò Héo - nơi Ban giám hiệu nhà trường ở trước trận ném bom. Bia căm thù đây! Nơi này tôi không thể quên vì đêm ấy sau cuộc oanh tạc của máy bay Mỹ xuống trường, tôi cùng các thầy, các bạn khoa KSKT đi khắc phục hậu quả sau ném bom. Nơi này chúng tôi đã băng bó, khâm liệm vợ thầy Nguyễn Sanh Dạn. Nơi này tôi đã thấy giữa đêm bóng lờ mờ của những chiếc quan tài, những tàn lửa bay theo gió của những nén hương... Nơi này đêm ấy tiếng còi tầu xé tan màn đêm như một tiếng thét gào uất hận. Nơi này mùi thịt người cháy khét lẹt. Nơi này những ngọn lửa thỉnh thoảng lại bùng lên...



Gò Héo bây giờ nhà san sát. Chúng tôi theo con đường dẫn xuống khu nghĩa trang - nơi có những người thầy, người bạn đã nằm xuống vĩnh viễn sau trận bom tàn khốc đó. Đường to có nhưng Cảnh muốn chúng tôi luồn lách cho nó nhớ lại ngày xưa hơn.



Từ trái sang: Đặng Đắc Bằng; Nguyễn Phi Cảnh; Bé Nguyễn Hoàng Khanh (con trai Lịch và Hồng); Chú lái xe của Lịch; Nguyễn Ngọc Lịch; Hằng; Hoàng Diệu Hồng (vợ Nguyễn Ngọc Lịch)


Anh Vũ Xuân Xiển bên tượng đài 10 tháng 9 năm 1972


Con đường mòn đi tắt ra ga Hương Canh xưa kia chúng tôi đi mòn dép, giờ chẳng còn mấy ai ra ga bằng còn đường này.


Nguyễn Ngọc Lịch với con tầu chở hàng đang ngược lên Lào Cai.



Bây giờ dấu vết trường xưa chẳng còn được bao nhiêu. Một doanh nghiệp đang san lấp mặt bằng để xây dựng. Khu Hội trường lớn, văn phòng nhà trường (hiệu bộ) sau chiến tranh cũng đã bị gạt xuống nhiều lắm. Khu sân khấu nổi cũng chẳng còn gì.


Cha con Nguyễn Ngọc Lịch hăng hái bước. Thằng bé Nguyễn Hoàng Khanh giống cha như tạc.




Chúng tôi tiến về mô đất còn sót lại trên mặt bằng để lấy đất. Chúng tôi bảo nhau chí ít ra thì cái hiện trạng này nó vẫn còn hơi hướng của những người đã khuất, lấy đất này đem vào trong ấy các bạn chắc sẽ dễ nhận hơn. Bằng, Lịch và Cảnh nhẹ nhàng lấy đất cho vào hộp. Ừ! rồi đây nắm đất sỏi sạn của đất đồi Hương Canh này sẽ được hòa quện vào với đất đồng bằng Nam Bộ để ủ ấm cho những người con đất Bắc đã vĩnh viễn nằm xuống bởi sự sống còn của đất nước này. Anh Xiển còn cẩn thận cho hộp đất vào trong thùng xốp để an tâm hơn.


Có tiếng máy bay phản lực trên cao làm tôi nhớ lại tiếng máy bay và tiếng bom ngày 10 tháng 9 năm 1972. Bây giờ là tiếng máy bay chở khách của ta rồi.




May mắn quá! vẫn còn lại giếng nước của nhà ăn A2. Thành giếng xây bằng gạch đá ong vẫn còn kia. Nước giếng này đem vào trong đó chắc hẳn các bạn chúng tôi mừng lắm! Ngôi nhà cấp IV quay hồi về giếng nước là quán Hía. Ngày xưa có sinh viên XD nào mà không có đôi lần vào quán uống nước, ăn kẹo lạc và bánh đa vừng.


Chúng tôi trở ra Hương Canh, cây cầu Lò Cang xưa giờ đã được thay bằng cây cầu BTCT lớn hơn rất nhiều. Trụ cầu xưa vẫn còn. Sông Cà Lồ ngày xưa trong xanh, bây giờ đặc kín bèo Tây. Mà không phải chỉ có sông Cà Lồ đâu, tôi đã đi nhiều nơi, nhìn tận mắt nhiều dòng sông xưa và nay đều thế cả, bèo nhiều đến lạ lùng vì sao thế nhỉ?



               

Chúng tôi nhằm hướng Hoàng Kim mà tiến. Hoàng Kim xưa thuộc Vĩnh Phú, bây giờ đã thuộc Mê Linh Hà Nội rồi. Con đường xưa rải đất cấp phối, giờ đã bê tông hóa toàn bộ.


Bên hồ nước Hoàng Kim giờ đã lấp ló những ngôi biệt thự


Bức tường này hơn 40 năm trước đã có rồi.


Sân kho HTX chúng tôi tập trung quân để đi bộ về nơi đóng quân tại Phú Dương, Phú Bình, Thái Nguyên
bây giờ đã mọc lên một trường mẫu giáo. Cái sân lát gạch ngày ấy bây giờ đã thay bằng bê tông.

     

"Cậu bé" ngày ấy lên 9 tuổi bây giờ đã sắp có cháu gọi bằng ông rồi.
Cậu bảo cái sân ngày xưa bây giờ được tôn cao, chỉ còn sót lại một ít làm lối lên trước cổng vào trường mẫu giáo.


Từ trái sang: Đặng Đắc Bằng; Vũ Xuân Xiển; "cậu bé" 9 tuổi 40 năm trước;
Hằng; Nguyễn Phi Cảnh; Nguyễn Ngọc Lịch; Nguyễn Hoàng Khanh (con trai Lịch Hồng);


Từ trái sang: Đặng Đắc Bằng; "cậu bé" 9 tuổi 40 năm trước; Hằng; Nguyễn Phi Cảnh;
Nguyễn Ngọc Lịch; Nguyễn Hoàng Khanh (con trai Lịch Hồng); Đoàn Đức Chính.

Vì thứ 7 là ngày nghỉ nên chúng tôi không vào thăm trường được nên đành đứng ngoài chụp ảnh kỷ niệm.
Đã gần 1 giờ trưa, anh em chúng tôi mới rời Hoàng Kim, đi dọc con đường ngày xưa đã từng hành quân sang Thái. Đến Chợ Yên chúng tôi mới tìm được chỗ ăn trưa. Bụng ai cũng đói nhưng lại thấy vui vì đã thực hiện được kế hoạch đề ra.


Tôi không ngờ Đặng Đắc Bằng lại thuộc nhiều thơ đến thế. Thơ của lính ta, thơ của lính ngụy, thơ của cái thời Tâm lý chiến rải xuống dọc đường hành quân. Bằng cũng là một cây tiếu lâm khá đắt giá khiến anh em chúng tôi cười đau cả bụng.

     

Mắt tôi cay cay khi Nguyễn Ngọc Lịch đưa cho xem cuốn "Nhật kí hành quân" mà Lịch đã cất giữ mấy chục năm trời. Chiến tranh, bom đạn và cả cái chết nữa, biết bao người lính ra trận có mấy người không ghi lại những dòng đời gian nan ấy và rồi có bao người giữ lại được đến bây giờ. Lịch ghi vắn tắt những nét chính bằng những cái gạch đầu dòng nhưng hỏi về cái gì anh cũng đều nhớ và kể ra như nó nằm trực sẵn trong đầu, như nó hiển hiện ra ngay trước mặt. Lịch đang chép lại tất cả những gì là quá khứ  của một chàng sinh viên xếp bút nghiên ra chiến trường. Tôi tin là Lịch sẽ làm được việc đó bởi nó là tâm huyết của một thời. Tôi cũng mong các bạn tôi còn sống hãy viết về quãng đời trận mạc của mình.

(LSV giới thiệu)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét