Thứ Năm, 14 tháng 4, 2016

Những nỗi đau không thể nào tan được (HL)

Đá Biên & e207

NHỮNG NỖI ĐAU KHÔNG THỂ NÀO TAN ĐƯỢC.
(Kính tặng Trung đoàn 207 - QK8 và tất cả các trung đoàn ra trận hôm qua!)
Hiền Lương, HVKHQS
***

Tôi vừa nghe có người nói: “Nỗi đau rồi sẽ thấm sâu vào lòng đất”…

Nhưng tôi nghĩ: chẳng có nỗi đau nào thấm sâu vào lòng đất, đặc biệt là nỗi đau chiến tranh.
Thân xác các Liệt Sĩ có thể đã hòa tan trong lòng Đất Mẹ Việt Nam, nhưng nỗi đau thương thì vĩnh viễn còn đó. Nó vẫn còn đó, “trơ gan cùng tuế nguyệt” và đi ngược vào lòng người, dù năm tháng có phôi pha, dù vật đổi sao dời, thì nỗi đau vẫn còn đó, nó dội vào tâm thức của nhiều thế hệ người Việt Nam, những thế hệ của một Dân tộc có 4000 năm dựng nước và giữ nước thì có chừng ấy năm đổ máu và hy sinh. Lúc âm ỉ, lúc bùng cháy, lúc thành lời hay lúc câm lặng… nỗi đau ấy vẫn gào thét trong sâu thẳm nhân sinh…

Chiến tranh đã lùi xa . Nhiều trận chiến đã lùi xa. Nhiều địa danh và đơn vị oai hùng đã đi vào lịch sử. Nhiều người lính không về nữa, mãi mãi nằm lại trên khắp mọi nẻo đường của Tổ quốc thân yêu, mà hồn vẫn vọng theo từng miền quê yêu dấu. Những người lính còn sống trở về, mang trong hành trang của họ là những nỗi niềm khắc khoải, là những ân tình và những đau thương mất mát suốt chiều dài chiến trận, khắc ghi trong tâm khảm họ lạ hình ảnh những người đồng đội đã ngã xuống, trong gang tấc và trong từng khoảnh khắc, những cái chết dũng mãnh và đau thương nơi chiến trường, máu của người hy sinh hòa cùng nước mắt của người đang chiến đấu.

Nhà thơ chiến sĩ Lê Anh Xuân đã từng tái hiện phút giây hi sinh anh dũng của đồng đội “… Anh chết trong khi đang đứng bắn, máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng...”. Từ những năm 60 của thế kỷ 20, với nỗi đau đớn khôn cùng dành cho những đồng đội đã anh dũng hi sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, ngay giữa chiến trường đánh Mỹ, nhà thơ chiến sĩ đã dựng nên 1 chân dung Liệt Sĩ, 1 tượng đài Liệt Sĩ bất tử bằng thi ca, để tưởng niệm đồng đội của mình:

“Anh tên gì? Hỡi Anh yêu quý!
Anh vẫn đứng, lặng im như bức thành đồng
Như đôi dép dưới chân Anh dẫm bao xác thù
Mà vẫn một màu bình dị sáng trong.
Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ
Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường
Chỉ để lại DÁNG ĐỨNG VIỆT NAM tạc vào thế kỷ
Anh Giải Phóng Quân ơi! Tên Anh đã thành tên Đất Nước..”

Và chưa kịp ngừng khóc thương đồng đội, tiếp bước giữa Miền Nam lửa máu, nhà thơ chiến sĩ ấy cũng đã anh dũng hi sinh trên đường về giải phóng quê hương, hóa thân vào tượng đài Anh đã dựng! Một tượng đài vô hình mà bất tử !

Đó chính là những nỗi đau không thể thấm sâu vào lòng đất!

Có nỗi đau nào có thể thấm sâu vào lòng đất khi mà giữa thế kỉ 21 này trên trang NHẮN TÌM ĐỒNG ĐỘI vẫn còn dày đặc những dòng tên Liệt sĩ chưa tìm thấy mộ, vẫn còn dày đặc những tiếng khóc thương của đồng đội khóc đồng đội Liệt sĩ, của cha mẹ khóc Liệt sĩ, của vợ, con, cháu chắt khóc Liệt sĩ… của những thế hệ sinh ra trong hòa bình khóc thương những người chiến sĩ đã hy sinh để họ được sống hạnh phúc hôm nay.

Có nỗi đau nào có thể thấm sâu vào lòng đất khi mà 1 sáng mai thức dậy đang nghe tiếng lá cây xào xạc bên khung cửa sổ, tiếng Chích Bông chuyền cành (căn phòng nhỏ của tôi có 1 khung cửa sổ, sáng nào cũng ríu rít tiếng chim gọi bầy), bỗng bắt gặp “Bài thơ sông Tang” của 1 đồng đội khóc thương đồng đội đã hi sinh, khiến cho lòng quặn thắt:

“Ba loạt súng nổ rền.
Vang lời chào tiễn biệt.
Anh bàng hoàng đứng im.
Có nhẽ nào em chết???

Dòng sông Tang xa lạ trở nên linh thiêng trong hồn tôi bởi vì ở nơi ấy, chiến sĩ quân bưu Võ Thị Thúy Vinh cùng rất nhiều đồng đội đã mãi mãi nằm lại khi chưa tròn tuổi 20.

Có nỗi đau nào có thể thấm sâu vào lòng đất khi mà trên trang http://e207.net.vn  (trang thông tin liên lạc của Trung đoàn 207- QK8, một Trung đoàn lừng lẫy chiến công với 8 chữ vàng “TRUNG DŨNG, KIÊN CƯỜNG, LUỒN SÂU, ĐÁNH CHẮC”) hiện tại mới chỉ hiển hiện 2 tấm hình Liệt Sĩ, chỉ có 2 tấm hình, bởi vì các Anh “chẳng để lại gì cho riêng anh trước lúc lên đường...”, nên tìm kiếm được hình ảnh của các Anh là điều may mắn và hiếm hoi. Hai tấm hình với gương mặt còn quá trẻ , với đôi mắt trong veo nhưng đã sớm ẩn chứa nỗi buồn của đất nước lâm nguy…

Có nỗi đau nào có thể thấm sâu vào lòng đất khi mà mới đây thôi, toàn thể CCB Trung đoàn 207- QK8 đã tề tựu tại Miếu Bắc Bỏ (Ấp Đá Biên – Long An) giữa mùa nước nổi mênh mông Đồng Tháp Mười, nơi mà cách đây 38 năm gần 300 đồng đội của các anh đã hy sinh anh dũng trên đường về giải phóng đồng bằng, (họ vừa tìm lại được nhau sau gần nửa thế kỷ li biệt…), để tổ chức lễ Giỗ tập thể đầu tiên cho đồng đội. Nhìn những người chiến binh quả cảm vừa đọc lời viếng đồng đội vừa chan hòa nước mắt, (vì lòng họ biết rằng trong lớp lớp bùn Đồng Tháp là lớp lớp đồng đội họ đang nằm, vì lòng họ biết rằng trong mỗi tiếng ghe xuồng đang nhộn nhịp ngược xuôi là âm vang những linh hồn đồng đội họ…), quả thật xót xa lắm! Bỗng nhớ câu thơ nơi Thành cổ Quảng Trị : “Đò qua Thạch Hãn, xin chèo nhẹ. Đáy sông còn đó, bạn tôi nằm…”.

Quả thật thấm thía rằng dẫu Đất nước đã bình yên trở lại, tiếng súng chiến tranh đã tắt lâu rồi, nhưng nỗi đau chẳng tan vào đâu được!

Hà Nội 20.10. 2011
Hiền Lương

LSV (g/th)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét