Thứ Ba, 10 tháng 5, 2016

Thương nhau mà về (HL)

Đá Biên & e207

THƯƠNG NHAU MÀ VỀ!
Trịnh Hiền Lương - HVKHQS (Phạm Văn Thông g/th)


Trung tá Trịnh Hiền Lương - giảng viên Học viện KHQS, TC2-BQP và CCB 207 Phạm Văn Thông, tại Khu tưởng niệm các LS E207 - Long An, ngày 22/10/2012.

@Admin:
Trung tá Trịnh Hiền Lương là tác giả bài thơ Lời LS miếu Bắc Bỏ: Tìm chúng tôi đồng đợi cứ về đây/ Thắp nỗi nhớ thương vào đất trời cao rộng/ Vào sông nước ngời phù sa Đồng Tháp/ Chúng tôi sẽ về hàng ngũ vẫn mênh mông.
Dù bận rất nhiều công việc, song ngày giỗ đồng đội E207, chị vẫn bớt chút thời gian về thắp nén nhang cho đồng đội, với một valy đầy Hoa-Sữa-Hà-Nội, dâng lên bàn thờ các anh tại KHU TƯỞNG NIỆM CÁC LS TRUNG ĐOÀN 207 - QK8. Cảm ơn Hiền Lương rất nhiều (Phạm Văn Thông - Admin e207.net.vn).

***

THƯƠNG NHAU MÀ VỀ!
Thương yêu gửi về Bắc Bỏ, nơi các Anh ngã xuống!
Thương yêu gửi người Đá Biên!
Thương yêu gửi tất cả những người lính 207!
Thương yêu gửi tất cả những tấm lòng tri ân ở Khu tưởng niệm Liệt sĩ 207-QK8, Đá Biên, Thạnh Hóa, Long An!

***

Gặp tôi ai cũng hỏi: Em là thân nhân của Liệt sĩ nào vậy?
Gặp tôi ai cũng hỏi: Chị đi theo đoàn nào vậy?
Gặp tôi đang lặng lẽ đứng một mình bên thềm Khu tưởng niệm Liệt sĩ 207, vào lúc đêm khuya ngày 21 tháng Mười, chờ chú Ba Thi xong công việc tổ chức, chuẩn bị cho ngày mai, 22 tháng Mười, ngày chính thức khánh thành Khu tưởng niệm và cũng là ngày Giỗ chung lần thứ 39 cho các Liệt sĩ của Trung đoàn hi sinh trong trận đánh Đá Biên năm 1973, chú Dương Đức Quảng cũng ân cần hỏi: Cháu là thân nhân của Liệt sĩ nào hả cháu?
Gặp tôi ai cũng hỏi…
Tôi đều trả lời: Dạ, không ạ!
Câu chuyện về sự xuất hiện lặng lẽ của tôi trong ngày trọng đại này dường như là định mệnh!
Tôi không phải là người duy tâm, lại càng không mê tín, từ thuở bé đã cảm nhận sâu sắc một nền giáo dục rất duy lý của Bố Mẹ, đều là những người lính từng kinh qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, có nghĩa là  tuyệt đối đi theo tư tưởng của chủ nghĩa Mác- Lê Nin… Vì thế, tôi chẳng bao giờ biết đến những lĩnh vực của đồng cốt và bói toán, âm dương…
Nhưng có một ngày tháng Chín năm 2011, trong tôi thôi thúc tìm đọc lại Nhật ký Đặng Thùy Trâm, rồi theo bước chân của Người Nữ Anh Hùng, tôi không hiểu Trời xui Đất khiến thế nào mà bài viết Miếu Bắc Bỏ và những ông thành hoàng đội mũ cối của anh Hoài Nam CCB E207 lại hiện ngay trước mắt. Từ đó, hình ảnh ngôi miếu thờ đơn sơ nhỏ bé nằm lọt thỏm giữa bạt ngàn nước nổi đối lập vô vàn với câu chuyện bi thương của Trung đoàn cùng sự hi sinh của gần 300 chiến sĩ, và hình ảnh các chú các anh CCB 207 lặn lội kiếm cách xây “nhà” cho Liệt sĩ đã khiến tôi đau xót vô cùng. Ngày ấy, nhìn Miếu Bắc Bỏ ai cũng phải khóc! Bạn bè tôi đều khóc! Tôi tự nguyện với lòng mình rằng, bằng mọi giá tôi sẽ về với Đá Biên, về viếng thăm Bắc bỏ, về thăm lại nơi các Anh ngã xuống và nằm lại vĩnh viễn.
Đó chính là định mệnh của tôi!
Một năm có 365 ngày, 365 ngày ấy, tôi được chứng kiến những đổi thay đầy chất huyền bí của câu chuyện Miếu Bắc Bỏ!
Một ngày tháng Mười 2011, ngày đầu tiên tôi có số điện thoại của chú Phan Xuân Thi - Trưởng ban liên lạc Bạn chiến đấu và CCB e207, gọi xin chú số tài khoản của BLL để bắt đầu kêu gọi bạn bè quyên góp tiền xây lại Miếu thờ, nghe chú nói mà rơi nước mắt: “Các chú bây giờ không phải ai cũng có hoàn cảnh thuận lợi, có anh em đồng đội đến nay vẫn chạy ăn từng bữa, lăn lộn cùng no đói… hơn thế nữa hầu hết đều mang thương tích trên người, sức khỏe chẳng có là bao… nhưng các chú đã hứa với Liệt sĩ và hứa với nhau rằng bằng mọi giá sẽ xây lại “nhà” cho các bạn đã ngã xuống nơi này, kẻo mang tội lớn lắm, 1 năm chưa được thì 2 năm, 2 năm chưa được thì 3 năm, 3 năm chưa được thì 4 năm, đến khi nào hoàn thành tâm nguyện mới thôi, có nhiều thì làm “nhà” lớn, không có nhiều thì làm “nhà” nhỏ, để đồng đội Liệt sĩ có được nơi thờ tự cao ráo và ấm áp, không phải lo mỗi mùa nước nổi anh Tư Tờ lại ôm bát nhang và mấy di ảnh hiếm hoi của Liệt sĩ chạy lũ...”.  
Ước muốn chân thành và giản dị nhưng rất khó khăn ấy của các chú CCB E207 chắc đã thấu tận trời xanh, hay các Liệt sĩ linh thiêng đã chỉ đường dẫn lối, để dần dần biết bao những dòng chảy của tình thương yêu kết tụ lại thành một dòng sông thương yêu mênh mông chảy về Miếu Bắc Bỏ, chảy về với 207! Để ước nguyện của các chú được viên mãn! Để anh linh Liệt sĩ được ấm lòng! Để bà con cô bác Đá Biên được hoan hỷ sau mấy chục năm ròng xót xa mà bất lực!
Một năm sau cuộc điện thoại ấy, Khu tưởng niệm Liệt sĩ của Trung đoàn đã hoàn thành, vượt quá sự mong đợi của biết bao người hướng về Bắc Bỏ.
Và thế là tôi chuẩn bị hành trang để vào Bắc Bỏ! Lẽ ra tôi đã vào ngay sau câu chuyện ngôi Miếu năm 2011, nhưng vì những nguyên do rất riêng tư mà đành đợi đến tận bây giờ.
Hành trình về Bắc Bỏ Đá Biên đối với tôi là một hành trình đầy thử thách vì tôi chưa từng một lần Nam tiến, mọi thứ đều bỡ ngỡ và xa lạ. Cả nhà đều lo lắng khi thấy tôi một mình xách valy lên đường. Rất may BLL 207 đón tiếp rất chu đáo!
Hạ cánh ở phi trường Tân Sơn Nhất, chẳng kịp nghỉ 1 phút, lập tức lên đường về Đá Biên. Miền Tây Nam Bộ dần hiện ra qua từng km, không hiểu sao, khi các chú 207 nói đã bắt đầu vào mảnh đất Miền Tây, trong lòng tôi trào dâng một cảm xúc thương yêu lạ lùng, phải chăng vì ở nơi đó các anh tôi đã anh dũng và gian lao chiến đấu để rồi dâng hiến hết thảy cho đất nước, tôi nhìn xa những rặng Dừa xanh, thầm hỏi bao máu xương đã đổ để vẽ nên màu xanh da diết này!
Trên cầu 79, nơi có bến đò đi vào Đá Biên, hai dãy cờ bay phần phật trong gió, reo vui lồng lộng, hàng đoàn người đã tập trung, dù hôm ấy mới là ngày 21, chưa phải ngày Giỗ chính thức, nhưng dường như ai cũng muốn vào ngay Miếu Bắc Bỏ như sợ Liệt sĩ tủi lòng vậy… Các CCB vừa ồn ào vừa lặng lẽ trang nghiêm, vừa rưng rưng cảm khái, họ là đồng đội cũ của Liệt sĩ, họ là bạn học cũ của Liệt sĩ, họ là bạn của bạn Liệt sĩ, (cũng có người chẳng nằm trong cái trường nghĩa nào cả, như tôi chẳng hạn), họ rủ nhau xuống xuồng về với đồng đội. Nhìn thương lắm! Thương nhau mà về!
Bước từng bước nhẹ nhàng nơi bến đò, nhìn dòng nước mênh mang xôn xao ghe xuồng, nhìn những rặng Tràm thưa ngâm mình trong làn nước, tôi bỗng nhiên nghẹn ngào, nơi này nước có chảy về Bắc bỏ không? Chạm tay vào làn nước mát rượi của chiều tháng Mười trên kênh 79, Rạch Đá Biên, tôi như thấy từng gương mặt trẻ măng mệt nhoài vì đói lạnh bởi ngâm mình quá lâu trong nước, tôi như chợt nghe thấy trong thinh không , trên những ngọn Tràm tiếng lách cách của quân trang và tiếng thì thầm khe khẽ truyền khẩu lệnh hành quân… Ôi, những người lính 207, đêm ấy, có nhìn thấy chiều nay chúng tôi về?
Câu chuyện còn dài lắm, biết bao ân tình, biết bao nước mắt, biết bao hội ngộ, biết bao ly tan, biết bao tìm kiếm, biết bao vô vọng… Nhưng cuối cùng tôi vẫn chỉ trả lời những câu hỏi thông thường bằng duy nhất một câu thôi: Dạ, không ạ!

Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 2012.
Hiền Lương

LSV (g/th)

***

PS: Một số ảnh Admin minh họa thêm trong buổi Lễ này


Từ trái qua: CCB Nguyễn Ngọc Lịch, Trung tá Hiền Lương và Phương Thảo (em gái LS Nguyễn Mạnh Sơn)


Hiền Lương Với các đồng đội E207


Từ phải qua: Phương Thảo (Ngân Hàng Nông nghiệp Việtnam, em gái LS Ng.M.Sơn)
Hiền Lương với hai cô nhân viên Ngân hàng Cổ phần Công thương Việt nam (VietinBank)


Hai bố con Lê Ngọc Huyên (em trai LS Lê Ngọc Huyền) cùng Hiền Lương


Phạm Văn Thông, nguyên lính C25 đặc công - Trung đoàn 207, QK8

LSV (g/th)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét