Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

Chuyện phương Nam

Đá Biên & e207

CHUYỆN PHƯƠNG NAM
Thân tặng Tư Tờ (Long an) và Tuyết (Sài gon)
Nguyễn Bá Sỹ, CCB e207, QK8


Ngôi miếu đơn sơ trong rừng tràm thấp thoáng, phía trước là cây Hoa sữa mang từ Hà nội vào trồng nay đã trổ bông

Năm nay anh em chúng tôi bố trí được thời gian hành hương về ấp Đá biên xã Thạnh phước Thạnh hóa Long an, nơi có miếu Bắc bỏ nổi tiếng linh thiêng đã mấy năm nay. 
Dưới đây là vài hình ảnh ghi lại cuộc du Nam của những cựu chiến binh một thời trong khói lửa binh đao đã may mắn trở về.

     

Nơi thắp hương cho người nằm xuống (đã cải tạo khang trang) - Đoàn hành hương chuẩn bị thắp hương cho các anh

     

Các cô gái làng đến góp sức làm giỗ         -         Xuồng đi trong đêm

     

Thế hệ lãnh đạo xã Thạnh phước    -   Bữa cỗ trước ngày giỗ chính 8-9 AL( 20-10-2015)

     

Đứng trước Miếu mới                           Du lịch Tâm linh

     

Chụp cùng bạn Kiến trúc sư Lê Hải, tác giả của Miếu Bắc bỏ mới, và... 
... với kỹ sư nông nghiệp Dũng Tiến, người có công lớn đảm bảo cho cây hoa sữa sống tốt tươi

     

Nghỉ chân trong miếu cũ        -        Chụp với Cựu chiến binh Tư Hồng 


Bảo tàng Càphê

Phàm sinh ra ở đời ai cũng muốn bỏ công sức ít mà được hưởng nhiều. Đó là lẽ thường tình, câu chuyện ghi nhận trong chuyến đi này lại khác. Nhân vật chỉ mong làm vì cái Tâm mà không có chút nào chờ đợi lợi lộc do việc đó mang lại, thế mới là cái đáng nói đáng ghi nhận để lòng tham cái ác mỗi ngày bớt đi trong cuộc sống bộn bề.

Sau chiến tranh nhiều năm, người nông dân trở lại trồng cấy trên mảnh đất của... nhà nước. Mỗi nhát cuốc đường cày xới đất thỉnh thoảng anh lại gặp mảnh xương, thắt lưng... của lính giải phóng. 

Anh và người dân địa phương còn nhớ như in ngày 3-10-1973 (8-9 AL) trên cánh đồng này đã có cuộc chiến không cân sức của một  bên là máy bay trực thăng vũ trang, xe lội nước M113 với mấy chú lính mệt rã người sau đêm hành quân bộ trên đồng nước.
Nhiều lính giải phóng đã chết, máu nhuộm đỏ rừng tràm. Trong số họ có những tân binh là sinh viên một số trường Đại học miền Bắc vừa rời đèn sách được đưa vào cuộc chiến nơi mảnh đất biên giới trời Nam xa lạ.
Âm khí lởn vởn trên đồng, thân xác đã tan mà hồn tử sỹ còn lẩn quất nơi kênh rạch rừng tràm không ai hương khói. Quá thương cảm, người nông dân có tên Tư Tờ lập một mái nhỏ đơn sơ trong vuông tràm để bốn mùa cúng lễ,  gọi tên là miếu Bắc bỏ.

     

Nhà Tư Tờ nơi làm giỗ hàng năm trước 2011        -        Đám giỗ trong miếu

     

Miếu nhỏ trong lùm cây

     

Đám giỗ năm 2011

     

Tư Tờ trong miếu - Miếu Bắc bỏ, trong hình là di ảnh LS Mạnh Sơn SV ĐHXD hy sinh tại đây

Sau năm 2011 có cuộc vận động xây dưng Miếu khang trang trị giá gần 10 tỷ từ nguồn xã hội hóa trên hơn 5000m2 đất do tỉnh Long an cấp cạnh miếu cũ.

Riêng nhà Tư Tờ đã được Công đoàn Tập đoàn dầu khí tại Vũng tàu cất cho ngôi nhà gạch, UBND Long An tặng bằng khen cho làm thủ từ của Miếu có lương hẳn hoi; cậu con trai được bạn Hoài Nam đưa lên Sài gòn lập nghiệp, cô con gái Nguyễn Tý Nỵ cũng được lên Sài gòn với anh trong năm 2015. Năm nay vào thấy nhà Tư Tờ có hai tấm phản to kê trong nhà mới chứng tỏ GDP của gia đình ngày càng phát triển. 

Một người nữa anh em chúng tôi gặp trong chuyến đi này là một nữ Phật tử. Cuộc gặp hoàn toàn tình cờ. Khi lấy vé lên Tây nguyên xong thì bạn tôi bỗng đói cồn cào, hai anh em lang thang trên phố định bụng ăn cơm thì thấy một quán caphê nhỏ, bạn hỏi cô chủ cơm bán ở đâu?

- Gần đây có quán cơm ngon, để em đón con đi học về rồi đưa anh đi ăn.

Đón con gái về, cô chủ mời Lương đi. Hơi ngại ngại Lương nhờ cô mua giúp. Không nề hà cô vui vẻ đi mua, cơm quả là ngon. Thịt gà ngon một thì chúng tôi cảm thấy tấm lòng ngon mười. Thấy rất có cảm tình với người em gái miền Nam hiền thảo dịu dàng. 

 

Phật tử Tuyết Tuyết

Muốn nói chuyện với cô em tuy xa lạ nhưng cũng cảm thấy tự nhiên và gần gũi. Em là con út trong nhà, ba em là chánh án Tòa án một quận của Sài gòn thời chính quyền VNCH, mẹ là người Việt gốc Hoa là vợ thứ sáu của ông Chánh án. 

Khi lên Hà giang ghé vào thăm nhà Vua Mèo Vương Chí Sình thấy nhà vương ghi biển Phòng Bà cả, phòng Bà hai, phòng Bà ba đã thấy kính nể, ông chánh án có sáu bà chứng tỏ nội công của ông thật là thâm hậu. 

Em có một cô con gái Anh Thư xinh đẹp học giỏi, nó là hy vọng của gia đình sau này. Năm nay cháu học lớp 12 nhưng mẹ vẫn hàng ngày đưa đón vì xã hội bây giờ nhiều bất trắc.  

Qua trao đổi câu chuyện thấy em là một Phật tử chăm chỉ, hiểu biết khá về triết lý nhà Phật về chữ TÂM, chữ DUYÊN và sự VÔ THƯỜNG trong cuộc đời. thích đi làm từ thiện ở những nơi khó khăn. Ngôn ngữ cử chỉ thân thiện chừng mực và có mong ước nhỏ nhoi đưa cô con gái yêu quý một lần về Bắc thăm quê nội của cháu rồi đi thăm chùa Bái đính ở Ninh bình.

Khi cha mẹ chồng em đau ốm thì một tay em chăm sóc không nề hà việc gì cả. Cho đến khi cụ về với Tiên tổ thì trong di chúc cụ quyết định trao toàn bộ bất động sản của cụ cho người con dâu là em mà không phải trao cho con ruột. 

Ai đến ngã tư Lê Hồng Phong với đường 3-2 gần nhà hát Hòa bình Kỳ hòa Sài gòn hỏi mọi người đều biết chuyện này. Đúng là truyện cổ tích thời nay.

Hai cái kết về hai người chúng tôi có dịp gặp gỡ đều có hậu, ít nhiều để lại trong lòng tình cảm tốt và tin ở cái thiện trong đời. Khi Tư Tờ bỏ đất xây miếu hay Tuyết Tuyết một lòng chăm sóc cha mẹ chồng họ có bao giờ nghĩ là được trả công đâu. Cái này có thể kết luận rằng Trời Phật đúng là có mắt.

Cuộc sống sẽ trở nên thi vị biết bao khi có nhiều, rất nhiều những Tuyết Tuyết, Tư Tờ phải không các bạn nhỉ.

Nguyễn Bá Sỹ
10-2015

LSV (g/th)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét