Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2016

Kỷ niệm Đá Biên (PVM)

Đá Biên & e207

Kỷ niệm Đá Biên
Phùng Văn Minh  - Báo QĐND


              Trên chuyến tàu HQ 571 xuất phát từ quân cảng Cát Lái tiến thẳng ra biển Đông về với Trường Sa, tôi măy mắn đựơc ở chung phòng cùng hai bác “lính già” là Phạm Như Cẩm và Phạm Văn Thông. Cùng là người lính nên chỉ sau thời gian ngắn, mọi người trong phòng đã coi nhau như người nhà, tình cảm tăng dần theo thời gian và kỷ niệm đong đầy trong từng hoạt động.
           Lần đầu tiên tôi nghe hai tiếng Đá Biên thực sự cũng chưa có gì ấn tượng, bởi nghĩ đó cũng chỉ là địa danh hành chính. Chỉ đến khi người lính già của Trung đoàn 207 là Phạm Văn Thông kể cho nghe câu chuyện về chuyến hành quân của trung đoàn năm xưa bị địch phát hiện, để rồi mãi mãi các anh nằm lại nơi này. Lúc ấy tôi hứa sẽ về thăm nơi các anh từng yên nghỉ.
         Sau 13 ngày trên biển Đông, tác nghiệp trên các đảo hết công suất nên khi về đất liền, ai nấy có phần rất oải, tôi biết bác Thông và bác Cẩm rất mệt, nhưng vẫn sẵn sàng lên đường. Lời hứa của người lính là mệnh lệnh trái tim!
           Đúng 5 giờ sáng ngày 14 tháng 5, người lính già Phạm Văn Thông lái xe đón chúng tôi tại Bộ tư lệnh Hải quân phía nam, số 1 Tôn Đức Thắng, TP Hồ Chí Minh, ít phút sau, chiếc xe đã lao vút trên con đường cao tốc còn ướt đẫm sương đêm. Niềm vui hân hoan cho chuyến đi mới bắt đầu, dù đã nhiều lần về với vùng đất thân yêu này, nhưng trên gương mặt của hai cựu chiến binh vẫn toát lên niềm vui như về với người thân của mình. Đại tá, bác sĩ Phạm Như Cẩm, nguyên trưởng khoa phổi bệnh viện 175 là con người vui tính, dễ gần. Mặc dù sinh ra và lớn lên ở Hà Nội (ngoài bắc gọi là dân Hà Nội gốc) nhưng trong ông luôn mang cốt cách của một sĩ phu Bắc Hà. Hôm ấy hai “lính già” dẫn đường và làm hướng dẫn viên tự nguyện cho hai “lính trẻ” là đại úy Phùng Văn Minh phóng viên báo QĐND và trung úy bác sỹ Lê Quang Vinh, là bs trên tàu HQ571. Lần đầu tiên tôi đến một miền đất xa xôi nhưng vô cùng ấm áp tình người, tình đồng chí, đồng đội.
       Theo chân hai bác lính già từ lúc còn trên tàu, tôi hiểu tâm nguyện của họ là làm sao tìm được cây bàng vuông về trong trên mảnh đất thiêng liêng này. Bàng vuông có sức sống mãnh liệt và khả năng chịu nắng gió rất tốt, nó là biểu tượng của sự kiên trung bất khuất giữa đại dương bao la. Điều đó làm những người lính già trăn trở là bằng mọi cách tìm bằng được loài cây đó về trồng trên mảnh đất mà đồng đội mình đã hy sinh. Một việc làm tưởng nhỏ nhưng ý nghĩa rất lớn!
      Thượng tá Nguyễn Viết Thuân, chủ tịch huyện đảo Trường Sa nói rằng: Bàng vuông trên đảo quý như tài sản của đảo. Điều đó chứng minh rằng để có một cây mang về đất liền không dễ chút nào.
      Khó không có nghĩa là không làm được, khó làm được mới quý! Quyết tâm đưa ra chỉ có hành động, chiến thuật là làm công tác dân vận. Không biết bác Thông và bác Cẩm nói những gì, chỉ biết khi tầu rời đảo, họ không chỉ có mà còn có hẳn những 4 cây mang về đất liền, 3 cây được đem về Khu tưởng niệm các liệt sỹ trung đoàn 207 – QK 8 tại ấp Đá Biên xã Thạnh Phước H. Thạnh Hóa – Long an, còn 1 cây mang xuống Đài tưởng niệm các liệt sỹ của Sư đoàn 3 - Đoàn Sao vàng, hy sinh ngày 29/4/1975 tại cầu Cỏ May, trên quốc lộ 51 đi TP Vũng tàu
     Xe chúng tôi dừng lại bên cầu 79 giáp quốc lộ 62, ở đó có người đợi sẵn để đưa xuống thuyền. Chiếc vỏ lãi lao vun vút trên dòng kênh 79 xanh mát mắt, máy ảnh trong tay tôi “bắn” lia lịa, cố gắng ghi lại thật nhiều hình ảnh thanh bình của miền sông nước yên bình nơi đây. Nhìn nét hăm hở trên gương mặt sạm nắng của chủ xuồng Tư Tờ biết rằng anh đang rất vui khi đưa đoàn về thăm đồng đội của họ.   
        Đứng lặng trước không gian thanh bình, Phạm Văn Thông đưa tay chỉ cho tôi hướng hành quân đêm của tiểu đoàn. Trung đoàn được lệnh từ biên giới cam-pu-chia tiến sâu vào vùng đồng bằng, hành quân ban đêm. Do trinh sát nắm bắt địa hình chưa kỹ, lại hành quân đông nên khi vào đến đúng nơi này thì trời vừa sáng, toàn tiểu đoàn đành phải ém quân dưới rừng tràm. Cánh rừng hồi đó còn thưa thớt nên toàn tiểu đoàn bị lộ, địch mang máy bay càn quét, anh em hy sinh nhiều. Nét đăm chiêu hiện trên gương mặt cương nghị hằn đầy vết chân chim, dấu ấn của  thời gian đọng lại. Giọng nghẹn ngào: Anh em mình lúc đó toàn lính trẻ, trẻ lắm, tuổi đôi mươi, bước ra từ giảng đường các trường đại học, rồi vào ngay chiến trường nên thiếu kinh nghiệm… bác Thông bỏ lửng câu nói, khoé mắt ầng ậc nước.
      Ngôi nhà to đẹp, khang trang toạ giữa làng quê thanh bình như điểm nhấn của cả khu Đá Biên rộng lớn. Bác Tư Tờ cười khoe rằng: Cuối năm chú vào đây, sẽ thấy mênh mông biển nước, nước tràn lên tận thềm nhà. Niềm vui hôm nay có được là nhờ vào công sức của biết bao đồng đội, nhà hảo tâm cùng đồng lòng dựng xây cho các anh chỗ an nghỉ đàng hoàng để đồng đội, bà con đến hương khói. Cách đó không xa, chiếc lán dựng tạm làm ban thờ vẫn được giữ làm kỷ niệm. Ngày xưa, Đất nước còn nghèo, nơi yên nghỉ của các anh vẫn còn sơ sài, nhưng tấm lòng người dân Đá Biên rất giầu lòng nhân ái, họ coi các anh như người thân, hằng năm bà con góp giỗ làm giỗ chung. Nghĩa cử ấy làm chúng tôi ngưỡng mộ!
    Thành kính thắp nén nhang viếng hương hồn các anh, chúng tôi lui xuống dưới nhà Tư Tờ dùng bữa cơm trưa. Món cá lóc nấu chua, món kho vừa miệng làm bữa cơm đậm đà không khí gia đình. Tư Tờ cười vui nói rằng sau khi các bác gọi điện báo về, tui tranh thủ ra đồng, loáng cái đã mang mẻ cá về cho vợ con làm, còn mình lái võ lãi ra đón các anh. Trong câu chuyện Tư Tờ không quên lời mời rất thịnh tình rằng: Cuối năm chú xuống nha, dưới này cá nhiều vô biên, có con to bằng bắp chân cơ. Nói xong lại cười, nụ cười hiền lành như dòng nước mát ngọt ngào.
     Chia tay Đá Biên, chia tay những anh linh liệt sĩ đang nằm lại  trên mảnh đất nặng tình nghĩa này mà lòng lưu luyến, mới một lần đến đây, nhưng tình cảm tràn đầy.
     Các anh yên tâm, không chỉ những đồng đội, những người con của Trung đoàn 207 nhớ về các anh, mà còn các thế hệ mai sau, cả dân tộc sẽ luôn nhớ về những anh hùng đã hy sinh vì đất nước.
    Chiếc võ lãi xuôi dòng kênh trở ra cầu 79, Tư Tờ không cầm lái mà giao cho cô con gái út, con bé mới học lớp 10 có đôi mắt trong veo và nụ cười duyên đã đưa đoàn về đến bến an toàn. Trên xuồng, chúng tôi đùa rằng, chỉ đôi năm nữa thôi, cô bé này sẽ hứa hẹn một Người đẹp Tây đô hay một tri thức trẻ. Cô bé không nói gì, chỉ tủm tỉm cười hiền, gương mặt ánh lên một niềm vui hy vọng.
        Xe chuyển bánh, ngoái lại phía sau, qua cửa kính thấy loang loáng màu xanh của nước, của cỏ cây hoa lá. Thấp thoáng trong đó có cả màu xanh nguy trang của Trung đoàn 207 anh hùng năm xưa cùng hành quân!

Hà Nội, tháng 6/2013
Phùng Văn Minh  - Báo QĐND

***

ADMIN: ĐẦU THÁNG 6/2013, CCB Phạm văn Thông đã đưa phóng viên báo QDND về thăm Khu tưởng niệm các LS trung đoàn 207 tại Đá biên.
Hiện tại, Ban quản lý đang làm bờ kè xung quanh và san lấp đường vào khu tưởng niệm (kinh phí khoảng 2 tỷ do ngân sách tỉnh Long an cấp) và đang làm nhà nghỉ tạm khi thân nhân và đồng đội đến thăm viếng khu tưởng niệm, kinh phí do Cty VietsoPetro tài trợ hơn 600 tr..
Theo Ban Quản lý dự án, công việc này sẽ khánh thành đúng dịp giỗ đồng đội lần thứ 40.


Duyệt binh trên đảo Trường Sa


CCB Phạm văn Thông, thắp nhang trong ngày LỄ TƯỞNG NIÊM CÁC LS HY SINH ĐỂ BẢO VỆ TRƯỜNG SA


Sẵn sàng chiến đấu


Trên xuồng - hướng ra nhà giàn


Cầu thang nối hai nhà giàn DK1A - DK1B và cầu thang lên sân thượng


Sân bay trực thăng trên nóc nhà giàn DK1 tại quần đảo Trường Sa

***
NHỮNG HÌNH ẢNH VỀ KHU TƯỞNG NIỆM CÁC LS E207 TẠI LONG AN



BS Lê Quang Vinh, (BS trên tàu HQ571), phía sau là BS Đại tá Pham Như Cẩm (Viện QY 175) trên đường vào khu tưởng niệm các LS E207


Thi công bờ kè tại khu tưởng niệm các LS E207


Chuẩn bị nền móng xây nhà nghỉ tạm cho thân nhân và đồng đội khi về thăm viếng, kinh phí hơn 600 triệu do Cty VietsovPetro tài trợ


Đang san lấp đường vào khu tưởng niệm

LSV (g/th)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét