Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2016

Hành hương - Thăm các gia đình liệt sỹ (VCN)

Đá Biên & e207

HÀNH HƯƠNG - THĂM CÁC GIA ĐÌNH LIỆT SỸ

VŨ CHÍ NGHIÊM CCB 207
Hành hương về thăm gia đình liệt sĩ E207 - CCB: Vũ Chí Nghiêm – Phạm Văn Thông – Mạc Văn Tiến và Đặng Trung Chinh –Trịnh Hiền Lương

Tháng Tư là một tháng có ý nghĩa đặc biệt với những người CCB chúng tôi với mốc son ngày 30/4 lịch sử. Nếu tính theo âm lịch thì là Tháng Ba với những tình cảm Cội Nguồn. "Thanh Minh trong tiết Tháng Ba..." và "Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng Ba". Tháng Mùa Xuân đang chật chội những hội hè đình đám và đầy ắp tình yêu thương Quê hương, Gia đình, đồng đội...
Nhân dịp  này đoàn CCB E207 và E24 thuộc QK 8 cũ, đã tổ chức thăm hỏi một số gia đình các liệt sỹ và đồng đội ờ các tỉnh phía bắc


Di ảnh Mẹ LS Bằng (bên trái) và LS Nguyễn Trọng Bằng (bên phải)

      Chiến tranh đã lùi xa, công cuộc đổi mới đã mang lại những thành tựu to lớn, cuộc sống của nhân dân được cải thiện đáng kể, đáp ứng lòng mong mỏi của Bác trước lúc đi xa: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành...” Để dành được hòa bình thống nhất, non sông về một mối, chiến thắng 30/4/1975, dân tộc ta đã đánh đổi bằng xương máu của hàng triệu người con thân yêu, sự hi sinh ấy không có gì bù đắp được. Tưởng nhớ về đồng đội mãi mãi ở tuổi 20, tuổi có nhiều ước mơ và hoài bão... Thương lắm đồng đội ơi! Chúng tôi những CCB của C25-E207 luôn nhớ ơn các anh, các anh đã hi sinh để chúng tôi được sống, ân nghĩa ấy đồng đội không bao giờ quên các anh, tổ quốc ghi công các anh hùng liệt sĩ, quyết tử cho tổ quốc quyết sinh.

     Để làm được những điều có ý nghĩa, ban liên lạc CCB E207 đã vận động CCB trong cả nước, các tổ chức và cá nhân đóng góp khởi xướng cùng với chính quyền địa phương nơi các anh đã chiến đấu và hi sinh, xây dựng thành công Khu Tưởng Niệm Liệt Sĩ Trung Đoàn 207 và liệt sĩ miền Tây Nam Bộ tại ấp Đá Biên, huyện Thạch Hóa, tỉnh Long An. Đó là niềm an ủi đối với thân nhân gia đình liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt để đưa các anh về quê hương, từ nay đã có nơi thờ cúng thăm viếng tri ân liệt sĩ của thế hệ hôm nay và mai sau.

    Chuẩn bị kỷ niệm chiến thắng 30/4, ngày 10/04/2013 đoàn CCB C25-E207 gồm: Vũ Chí Nghiêm nguyên chính trị viên trưởng C25, phó ban liên lạc CCB E207 tại tỉnh Hải Dương; Phạm Văn Thông ban liên lạc E207 quê ở Gia Lộc – Hải Dương, hiện đang công tác sinh sống tại TP.HCM; Mạc Văn Tuyến đều là CCB C25 - đặc công; Đặng Trung Chiinh nguyên cán bộ tác chiến của E207, phó ban liên lạc CCB E207 tại Hải Dương; đã hành hương về quê hương của liệt sĩ Nguyễn Trọng Bằng, chiến sĩ C25, quê xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên; liệt sĩ Phạm Văn Hừu, quê xã Đông Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Đoàn đã thắp hương tại bàn thờ liệt sĩ, thăm sức khỏe của bố mẹ đẻ anh Bằng, cụ năm nay đã 94 tuổi cùng toàn thể thân nhân trong gia đình. Trong bữa cơm thân mật Anh Phạm Văn Thông có kể lại lời nói của anh Bằng cách đây gần 40 năm, anh Bằng bảo với Thông và các đồng đội trước khi vào trận: “chúng mày phải tỉnh táo khôn khéo, sống trở về, bao giờ hòa bình về quê tao, tao xuống đầm bắt cá nướng cho mà nhậu” quê anh ở gần đầm Dạ trạch – Hưng yên.

Chúng tôi chợt ngước lên bàn thờ thấy ảnh của Anh, vẫn gương mặt ấy đang mỉm cười cùng chúng tôi, đang quây quần bên mâm cơm tại nhà anh...

       Chúng tôi về thăm gia đình liệt sĩ Phạm Văn Hừu và đến viếng nghĩa trang liệt sĩ tại quê anh trong đó có phần mộ tượng trưng mang tên  Anh – Phạm Văn Hừu; thăm sức khỏe của bố mẹ liệt sĩ, cụ ông năm nay 84 tuổi, thương binh chống Pháp bị mất cánh tay phải, cụ bà 85 tuổi; thấy chúng tôi giới thiệu là bạn chiến đấu của Anh Hừu, cụ bà òa lên khóc “ới các con ơi, con tôi đâu?”. Lòng chúng tôi nặng trĩu trong làn khói lam chiều, buồn tê tái, chỉ biết chúc các cụ mạnh khỏe, chúc linh hồn của liệt sĩ được siêu thoát, phù hộ cho bố mẹ, người thân mạnh khỏe bình an, phù hộ cho đồng đội sức khỏe và an lành.

   Trong chuyến đi này chúng tôi đến thăm anh Phạm Văn Mùi, CCB C16-E207, nhân chứng sống sót trong trận “Đá Biên”, trong chương trình trở về kí ức anh đã kể lại trận chiến đấu dũng cảm và hi sinh của các chiến sĩ thuộc C16 hỏa lực E207 – Quân khu 8, anh kể đại đội 16 của anh hy sinh hết chỉ còn anh sống sót, 12 ngày sau mới tìm về đến đơn vị. Trở về đời thường với bản chất anh bộ đội cụ Hồ, anh Phạm Văn Mùi đã lao động, xây dựng gia đình, tạo lập cho các cháu có cuộc sống ổn định, hết mực thương yêu vợ con. Các chau đã lớn, đã có gia đình riêng. Vợ anh mang bệnh trọng, thiêm thiếp mơ màng, nhưng cũng mỉm cười khi chúng tôi nói lời chia sẻ và cầu chúc cho chị vượt qua cơn bệnh hiểm nghèo, động viên Anh can đảm làm chỗ dựa tinh thần cho chị và các cháu. Chia tay Anh, sao mà thương nhau đến thế! âu cũng là qui luật “Sinh – Trụ – Diệt” của tạo hóa. Hãy vì một thế giới hòa bình, không có chiến tranh, với một đạo lý: “Người với người sống để yêu nhau”

Trước đó ngày 8/4, anh Phạm văn Thông cùng với Trịnh Hiền Lương giảng viên HVKT quân sự -BQP và các đồng đội E207 đang sống tại Hà nội cũng đã đến thăm gia đình LS Nguyễn Văn Tế, LS Nguyễn Mạnh Sơn.

Các CCB  e24 và e207 cũng đi thăm các đồng đội ở Hải dương,  Hải phòng, thăm một số di tích lịch sử tại các địa phương trên.

Hải Dương, ngày 18/04/2013
Vũ Chí Nghiêm CCB C25 – E207

LSV (g/th)


Bố LS Nguyễn Trọng Bằng (94 tuổi) và Vũ Chí Nghiêm, chính trị viên trưởng C25 đặc công E207'


Bố LS Bằng (người thứ hai từ phải qua) trong bữa cơm thân mật



Từ phải qua: Vũ chí Nghiêm, Pham văn Thông, Bố LS Bằng, và Nguyễn Trung Chinh


Từ phải qua: Pham Văn Thông CCB 207, Bố LS Bằng, Nguyễn Trung Ching và Mạc Trung Tuyến


Bố LS Bằng cùng các CCB và đại gia đình



Nghĩa trang xã Đông kỳ, huyện Tứ Kỳ, T.Hải dương, nơi yên nghỉ của LS Phạm văn Hừu đại đội phó C25 đặc công-E207




Thăm gia đình LS Nguyễn Mạnh Sơn



Gặp mặt các đồng đội tại Lan Chín Hà Nội


Thăm và làm việc với trung tâm "NHẮN TÌM ĐỒNG ĐỘI - MARIN"


Viếng CCB Nguyễn Quang Hòa, ở quận Hồng  Bàng - Hải phòng, Bác sỹ, nguyên trợ lý QY E24 - QK 8 từ trần ngày 29/3/2013


Hai Cháu con anh Hòa, trước bàn thờ cha


Viếng thăm di tích Côn Sơn Kiếp bạc, nơi thờ người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi


Di tích bãi cọc, trên sông Bạch Đằng, nơi Hưng Đạo Vương đã nhấn chìm toàn bộ thủy quân của giặc Nguyên Mông


Dấu tích bãi cọc


TRƯỚC ĐỀN THỜ "VUA BÀ", NGƯỜI BÁN HÀNG NƯỚC ĐÃ CHỈ GIÚP TRẦN HƯNG ĐẠO
VỀ QUY LUẬT THỦY TRIỀU CỦA BẠCH ĐẰNG GIANG, GÓP PHẦN NHẤN CHÌM QUÂN NGUYÊN...

LSV (g/th)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét