Thứ Tư, 11 tháng 5, 2016

Một mùa thu tôi trở lại ... (HL)

Đá Biên & e207

MỘT MÙA THU TÔI TRỞ LẠI…

   

 Di ảnh Võ Đại Tướng trên bàn thờ

Thương yêu gửi về Bắc Bỏ Đá Biên! Thương yêu gửi về E207!
Thương yêu gửi về những người anh mà tôi yêu quý!
(Đá Biên đêm 11 tháng Mười năm 2013)

      Một năm dài đã trôi qua. Từ mùa Thu năm trước đến mùa Thu năm nay. Biết bao đổi thay của một cuộc đời. Biết bao đổi thay của những số phận…. Nhưng trong tôi vẫn là những cảm xúc thiêng liêng khi chuẩn bị hành trang trở về với 207, trở về với Bắc Bỏ Đá Biên…
http://www.vnweblogs.com/js/tinymce/plugins/more/img/trans.gif  Sáng sớm ngày 11 tháng Mười, tôi cùng con gái nhỏ đi chọn những chùm hoa Sữa đẹp nhất ở ven phố Mỹ Đình để mang vào Long An cúng Giỗ các Anh - Những người trai tuổi mười tám đôi mươi đã cùng ngã xuống trong một trận diệt thù để giải phóng non sông!
   Năm nay ngày Giỗ 40 năm các Anh hùng Liệt sĩ ở Bắc Bỏ, Đá Biên theo dương lịch lại sớm hơn năm trước, nên hoa Sữa vừa đúng độ vào mùa, bạt ngàn tươi xanh …Cả nhà cùng sắp xếp và gói những chùm hoa. Rắc những giọt nước mát lạnh thêm một lần nữa vào giỏ hoa thơm ngát, tôi lại một mình Nam tiến.
   Thời tiết không thuận hòa với cánh bay Vietjet , cả khi đi lẫn khi về, chuyến bay nào cũng như “cánh võng chao nghiêng” do thời tiết xấu khiến tôi luôn luôn cầu nguyện Đức Phật và các Liệt sĩ linh thiêng hãy giúp tôi vượt qua thử thách...

 (Không gian bao la nửa tối nửa sáng chiều 11)

Tôi mường tượng rằng dưới cánh bay kia, trong những vầng mây ấy, có biết bao anh linh Liệt sĩ vẫn dõi theo … Vội lén mở Iphone ghi lại một thoáng hình hài…
 Hạ cánh an toàn ở Tân Sơn Nhất lúc 16h ngày 11 tháng Mười, anh Thông đặc công 207 đã đón đợi tôi để cùng về Đá Biên. Đường về Miền Tây bỗng bạt ngàn mưa gió… Trên con đường mù mịt mưa giăng giăng, tôi hỏi anh Thông: Bây giờ em mới biết những trận mưa xối xả Miền Tây, ngày ấy các anh đi chiến đấu, gian khổ biết chừng nào? Vẫn cười tươi và nắm chắc vôlăng, anh lính đặc công 207 trả lời: "Ôi trời, ngày ấy bọn anh hồn nhiên lắm, chả nghĩ đến khổ là gì cả, ngày ngủ vùi, đêm đi đánh giặc, về tới căn cứ lúc nào là lăn ra ngủ, đôi khi mệt quá ngủ quên trong hàng rào đồn giặc… chả hiểu sao qua hết chiến tranh vẫn sống sót trở về! Để bây giờ lái xe đưa em gái trung đoàn về dự lễ giỗ đồng đội, mà cũng phải có thằng còn sống để hương khói cho thằng ngã xuống chứ..."


(Người lính đặc công năm ấy… bây giờ, lúc 17h ngày 11)

Nghe câu trả lời vẫn hồn nhiên đầu trách niệm như thuở nào mười tám đôi mươi, tôi bỗng thấy nghẹn lòng, thương các anh, thương những người ngã xuống!
 Lênh đênh mãi trong mưa, trong gió, trong sóng nước, rồi cũng vào tới Khu tưởng niệm các Liệt sĩ của Trung đoàn 207, khi trời đã tối mò. Dù không được nghỉ một chút nào từ sáng sớm, nhưng lòng tôi phơi phới một niềm vui. Vui như một người con đi xa nay đã trở về trong vòng tay ấm áp của người thân. Cảm giác ấm lòng ấy thật khó diễn đạt bằng lời. Vừa bước chân vào sân chính, anh em chúng tôi gặp ngay chú Dương Đức Quảng, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến và anh Trần Nhương, vừa từ Hà Nội vào trước tôi vài tiếng, gương mặt ai cũng ngời ngợi niềm thân thương. Thế mới biết, đâu chỉ một mình tôi cảm thấy ấm lòng khi trở lại Đá Biên. Nhìn những người chú, người anh tuy tuổi đã cao, vẫn lặn lội đêm tối tìm về Tri ân Liệt sĩ, tôi quả nhiên không dám len lỏi một chút tự kiêu về chính mình….
Trong sân nhà Tư Tờ, đoàn các anh LÍNH SINH VIÊN do anh Bá Sỹ và anh Trọng Tình làm “thủ lĩnh”, anh Mạnh Bình và đoàn CCB E24 Anh hùng cũng đã có mặt tự bao giờ.
    Tôi dường như cảm nhận thật rõ rệt sự hiện diện của nhưng linh hồn Liệt sĩ đang hân hoan trong ánh điện rực sáng một vùng sông nước thăm thẳm, trong tiếng nói cười rộn rã của các cô, các chị, các chiến sỹ thuộc huyện đội  - và công an Thạnh Hóa, các em thanh niên tình nguyện, các cháu trong đội quân hậu cần thức xuyên đêm để chuẩn bị cho ngày mai đón khách.
      Sáng ngày 12 tháng Mười là ngày Giỗ chính thức. Mọi nghi thức Giỗ các Anh được địa phương và đồng đội cùng bà con cô bác trong vùng tổ chức rất trang nghiêm, cùng với những nghẹn ngào quanh làn khói nhang trước di ảnh Võ Đại Tướng của Nhân dân, chúng tôi xúc động bảo với nhau rằng: Từ nay các Anh đã có thêm sự dìu dắt của Võ Đại tướng nữa... hãy tăng thêm sức mạnh cùng Dân tộc bảo vệ bờ cõi!
   Về dự lễ Giỗ lần này, tôi chính thức gặp mặt chú Tư Kiên, mặc dù hơn 2 năm qua “chú cháu” vẫn thường thư từ trao đổi… (Trong BLL E207, chỉ còn chú Tư là tôi chưa được gặp). Trên sân Khu tưởng niệm, từ xa tôi đã nhìn thấy chú ấy đang đi cùng chú Ba Thi, nhưng chú lại chưa nhìn thấy tôi, tôi cứ lặng im đứng đó, rồi bỗng nhiên, chẳng hiểu sao, cái cảm giác ngày xưa còn bé ra cổng đón Bố từ đơn vị về bỗng tràn về xâm chiếm… mặc dù gọi là chú, nhưng “các chú ấy” chỉ hơn tuổi anh trai tôi một chút xíu mà thôi, và tôi chỉ bằng tuổi một cô em gái, nhưng có thể những tình cảm thân thương mà các chú các anh dành cho tôi và gia đình rất đỗi sẻ chia, đùm bọc nên tôi chẳng thể nào xóa mờ cảm giác ấy!
   Rồi một cô bé rất xinh chạy đến ôm lấy tôi, và hỏi: Cô có phải cô HL không? Hóa ra là Thảo Linh… cháu gái của Liệt sĩ, cùng chồng đến dự đám Giỗ, hỏi ra mới biết 2 vợ chồng đi từ sáng sớm tinh mơ để kịp về Khu tưởng niệm. Chúng tôi ríu rít một hồi như người quen thân lâu ngày gặp lại.
  Cuộc đời có những niềm hạnh phúc tưởng chừng như giản đơn nhưng không phải ai cũng dễ tìm được!
   Trên con đường về với 207, tôi đã được rất nhiều! Tôi có thêm biết bao người anh thân thương, biết thêm những người chú nhân hậu và kiên cường, được sống trong những tình thương yêu trong lành nhất!
   Chiều 12, từ biệt Khu tưởng niệm, từ biệt Bắc Bỏ Đá Biên, từ biệt anh linh những người trai trung dũng năm xưa, tôi theo anh Thông cùng vợ chồng Phương Thảo, và đoàn LSV, E 24, về thăm Mỹ Tho, rồi từ đó về lại TP HCM, và ra Bắc. Rất nhiều cảm xúc để rồi không biết bắt đầu từ đâu! Chỉ biết rằng mùa Thu sau tôi sẽ trở lại!
  “ Vội vã trở về, vội vã ra đi”… Lời một bài hát cứ ám ảnh tôi, khi trên tay tôi ôm một gói quà toàn thuốc rất to, nhận từ anh Thông, do một bác xe “ôm” mang đến, trước khi tôi rời khách sạn ra sân bay…. Tưởng chẳng có gì ăn nhập giữa âm nhạc với những viên thuốc lấp lánh được gắn liền với những căn bệnh…

Hà Nội, ngày 30 tháng Mười năm 2013
Hiền Lương

***

PS: Một số ảnh admin minh họa thêm


Thượng tá Hiền Lương trên thuyền vào khu tưởng niệm

Thượng tá Hiền Lương - (áo đỏ)


Từ phải qua: Vũ Trung  Kiên CCB E207, Thảo Linh (cháu ruột của LS Hồ văn Ba ), Hiền Lương (thượng tá, tiến sỹ giảng viên học viện khoa học kỹ thuật quân sự), cuối cùng là con gái của nhà sử học tên là "Lính binh nhì F308" tác giả của bài văn bia đã khắc lên bia đá khu tưởng niệm các LS trung đoàn 207).

LSV (g/th)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét