Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2016

Mênh mang sông nước, mênh mang tình… (HV)

Đá Biên & e207

Mênh mang sông nước, mênh mang tình…
Hà Vân - Nguồn: trannhuong.com


Chuyến đi về miền sông nước Long An như một cuộc hành trình ngập tràn niềm vui và đầy ắp ân tình đối với những người làm báo. Xuân, thắp nén nhang cho người đã ngã xuống vì độc lập, con nước Vàm Cỏ Tây với chuyến xuồng đưa những vị khách đến Ấp Đá Biên, Thạnh Phước, Thạnh Hóa, Long An…cứ dập dềnh trong trí nhớ của tôi. Những bông hoa súng rực đỏ, những bông điền điển vàng rọi và một công trình khang trang đẹp đẽ mang tên “Khu tưởng niệm các liệt sỹ Trung đoàn 207” do Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) tài trợ vẫn là những gì đẹp nhất sau chuyến công tác ý nghĩa này.

http://linhsinhvien.vnweblogs.com/js/tinymce/plugins/more/img/trans.gif
Xuân này Anh đã có “chốn đi về” bình yên…

Về vùng đất được vẽ như một mỏ vẹt trên bản đồ đất nước mà những gì của chiến tranh dường như vẫn còn đâu đó. Rừng tràm bạt ngàn hôm nay, giúp người dân làm kinh tế, nâng cao đời sống…Năm xưa, cũng rừng tràm này, có những người lính đã nằm xuống sau một trận càn, quyết liệt chống trả với kẻ thù. Hàng trăm chiến sĩ của Trung đoàn 207 đã ngã xuống và mãi mãi yên nghỉ tại mảnh đất Đồng Tháp Mười mênh mông sông nước … Họ đều là những trí thức trẻ tuổi, vừa tốt nghiệp Đại học Bách Khoa, Đại học Xây dựng, gác bút để cầm súng chiến đấu bảo vệ quê hương. Sông nước mênh mông, ngút ngát chẳng thấy đường chân trời không cản được bước chân những người lính đi tìm đồng đội, cũng không cản được những tấm lòng hảo tâm, chia sẻ của thế hệ hôm nay với những người đã hy sinh vì Tổ quốc. Chúng tôi đến, trời vừa tối, cũng là lúc bắt đầu cuộc hành trình đi đến miếu thờ, thắp hương tưởng niệm, thắp nến tri ân và chuyển “nhà mới” cho các liệt sỹ. 

Chiếc xuồng tiến thẳng từ UBND xã Thạnh Phước vào khu Ấp Đá Biên dễ chừng hàng tiếng đồng hồ. Trời tối om, sông vào mùa nước nổi, chiếc xuồng thỉnh thoảng duyềnh lên như vướng “ổ gà” trên cạn … cảm giác lạnh cả sống lưng. Nhà văn Trương Nguyên Việt vừa đặt chân lên bờ đã nhắc nhở: "Từ từ hãy tác nghiệp nhé, phải thắp hương cho các anh trước, cầu khấn gì thì cứ xin, các anh linh thiêng lắm đấy".

Chúng tôi nghe theo, cùng nhau tiến đến khu miếu thờ cũ, nơi mà gần 40 năm nay, các liệt sỹ được người nông dân tốt bụng Tư Tờ thờ cúng. Căn miếu đơn sơ, chỉ có duy nhất một tấm bia và một vài bức ảnh thờ … Gió lùa mạnh, nhìn những lớp mái che cảm giác sắp bị lật tung … mà xót xa. Tư Tờ mắt đỏ hoe bảo: "Nghèo quá, không có tiền nên chỉ xây được ngôi nhà cho các anh tạm bợ thế. Bà con trong Ấp vẫn đều đặn sắm lễ cúng vào ngày giỗ các anh nhưng bao năm nay cứ nghĩ tội các anh vì nằm đây lạnh lẽo. May quá có được sự hỗ trợ, bây giờ các liệt sỹ đã có nhà mới ấm áp, to đẹp rồi…bà con chúng tôi lấy làm biết ơn lắm lắm". Sự xúc động hiện rõ trên gương mặt người đàn ông ấy, niềm vui cũng thực sự như tràn về trong những cuộc trò chuyện giữa người già, người trẻ nơi đây. 

Quả thực, cách đó vài trăm mét là một khu tưởng niệm khang trang trên diện tích gần 5.000 m2, chúng tôi cũng sững người, ai nấy đều mừng vui. Trước khi đến đây, nhà báo Dương Đức Quảng cũng đã kể về công trình này mà vẫn thấy bất ngờ vì nó đẹp và hoành tráng ngoài sức tưởng tượng. Xung quanh là mênh mông sông nước, thỉnh thoảng có những bông hoa súng rực nở ven bờ, rừng tràm um tùm vẽ thành con đường dẫn vào khu tưởng niệm. Cứ hình dung công trình ấy tọa lạc trên một khu đất cao chẳng khác nào một hòn đảo nổi … “Có quyền mơ ước lắm chứ, một khu du lịch tâm linh trong tương lai như một chốn về nguồn của nhân dân cả nước…” – tôi thầm nghĩ. Còn nhà thơ Trần Nhương thì reo lên: Xuân này, các anh đã có “chốn đi về” bình yên!

Chân tình gửi trọn miền sông nước

Với 9 tỷ đồng trong đó Vietinbank đóng góp 5 tỷ, công trình này được xây dựng khang trang và khánh thành vào đúng ngày giỗ lần thứ 39 của các liệt sĩ, thỏa lòng mong đợi của thân nhân các gia đình liệt sỹ và bà con, đồng đội của các anh, làm ấm lòng các anh còn nằm lại trên mảnh đất Đá Biên nghĩa tình này. 5 tỷ đồng quả thực chỉ là con số nhỏ trong tổng số tiền hơn 1.500 tỷ đồng mấy năm qua mà Vietinbank tài trợ và làm từ thiện trên khắp vùng miền của Tổ quốc. Thế nhưng, công trình này mang một ý nghĩa đặc biệt hơn, bởi đây là công trình đầu tiên mà ngân hàng này đồng hành từ khâu ý tưởng, thiết kế đến hoàn thiện. Trong ngày khánh thành Chủ tịch HĐQT VietinBank Phạm Huy Hùng đã quá xúc động đến mức bài phát biểu bị gián đoạn, mọi người lặng đi trước sự nghẹn ngào của vị doanh nhân này. Thật khó hình dung, một vị thủ lĩnh, người Hà Nội, với gương mặt không dễ gần, thậm chí lúc nào cũng đăm đăm lại dễ rơi nước mắt đến vậy. Nhưng quả thực, sự chân thành của anh đã khiến tất cả những người ngồi bên dưới, từ đại biểu đến người dân đều cảm động, rất nhiều người đã khóc theo… 

- Sao Vietinbank biết đến một nơi heo hút, xa xôi này vậy?– tôi hỏi nhà báo Dương Đức Quảng- Trưởng ban Thông tin Tuyên truyền của Vietinbank, người đề xuất xây dựng công trình.

- Có lẽ là cơ duyên. Từ bài viết nhan đề “Ngôi miếu thờ những thành hoàng làng đội mũ cối” của nhà văn Vũ Ngọc Tiến, tôi thực sự cảm động trước tấm lòng và nguyện vọng của bà con ấp Đá Biên - những người đã lập nên ngôi miếu đơn sơ và anh em đồng đội của các chiến sĩ Trung đoàn 207 đã ngã xuống nơi đây. Trong cảm xúc ấy, ngay lập tức tôi viết thư tay gửi TS.Phạm Huy Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT VietinBank đề nghị VietinBank tài trợ xây dựng công trình này. 

Rồi ông xúc động chia sẻ: “Mình là nhà báo có nhiều năm sống chết với người lính trên chiến trường, nên hiểu hơn ai hết những năm tháng chiến tranh. Những liệt sỹ nơi đây tuổi mười tám đôi mươi, có khác gì mình ngày xưa đâu. Cứ nghĩ đến đồng đội hy sinh bao giờ mình cũng tự nhủ như một câu thơ mình đã viết: “Soi vào mắt đồng đội để thấy mình hôm nay…” 

Chuyến công tác gồm một số Tổng biên tập và những nhà báo lâu năm trong nghề, có tôi là phóng viên trẻ nhất được ưu ái đi tác nghiệp. Nhưng quả thực chưa có chuyến công tác nào không khí nghề nghiệp lại rộn ràng như thế. Chưa về Hà Nội mà bài vở, tin tức về chuyến đi đã được đăng tải hầu hết trên các báo, đủ thấy tấm lòng người làm báo hướng về những liệt sỹ vùng đất này như thế nào. Chuẩn bị lên đường về Tp. Hồ Chí Minh, Trung tướng Hữu Ước – Tổng biên tập báo Công an Nhân dân đã đề nghị NSNA Vũ Huyến gửi ngay về Toà soạn những bức ảnh đẹp nhất và đăng luôn số báo trong ngày. Nhà báo, đại tá Hà Mạnh Tường – Phó Tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân thì tranh thủ ngồi viết rồi gửi về tòa soạn đăng báo điện tử…Đại tá Trần Nhung – Tổng biên tập báo Cựu Chiến binh ghé vào Văn phòng đại diện của Báo ở thành phố Hồ Chí Minh để gửi bài. Nhà báo Trần Lan Anh – Tổng biên tập Thời báo Ngân hàng cũng ở lại Sài Gòn hoàn thành ngay bài viết. Nhà báo Trần Nhương đã đưa tin tức, bài vở lên trang web của mình ngay trong đêm đặt chân tới ấp Đá Biên. Nhà văn Trương Nguyên Việt thì điện thoại liên tục về một số tòa soạn báo “giữ đất” đăng bài và thậm chí còn ấp ủ cho in một tập sách về sự kiện. Sau này ấp ủ ấy thành hiện thực với tập sách Màu hoa đỏ do Nhà xuất bản Lao động ấn hành tháng 11-2012, gồm các bài viết của 14 tác giả về công trình nghĩa tình này, đầy đặn 180 trang.  

Chuyến đi thật nhiều cảm xúc. Là một người trẻ sống trong thời bình, được đến với Đá Biên, tôi dâng trào niềm biết ơn vô hạn tới những người đã ngã xuống. Mùa Xuân mới đang về, trong những câu chuyện vui vẻ của ngày Tết, mong rằng thế hệ hôm nay vẫn dành một góc nhỏ để nhắc về quá khứ, về chiến tranh, những người lính hy sinh vì độc lập dân tộc
… Mừng thay, Tết này, nơi vùng đất Đá Biên mênh mông song nước hôm nay, các anh đã có được một ngôi nhà đón Xuân khang trang, đẹp đẽ…

HÀ VÂN

******

Được nhìn lại nơi mình đã chiến đấu bên bao đồng đội từ mọi miền đất nước, bao đồng đội đã hóa thân thành cát bụi nơi đây, bưng biền đồng tháp xưa với cỏ dại, nước phèn hoang vu thủ đô của muỗi. Đã bao năm họ không có gia đình, người thân thăm viếng vỗ về. Họ vẫn còn thơ dại với tuổi 18 đôi mươi. Và cái buồn nhất là sự lãng quên của người ăn trái ngọt hôm nay. Các bạn tôi ơi, bây giờ đã có gia đình, bè bạn hãy yên lòng nhé. Từ trái tim chân chất đôn hậu của bà con Đá Biên nay mọi miền Tổ quốc đã biết về các bạn, dành cho các bạn sự thương yêu cùng sự tri ân đấy. Cái giá trị đích thực của máu xương cho cuộc sống tuy đến muộn màng. Tôi kính trọng bà con ở Đá Biên và vợ chồng bác Tư Tờ cùng lời chúc tốt đẹp tới mọi người luôn dành tình cảm nghĩ về các đồng đội đã hy sinh.
 
Bởi tuổi trẻ chúng tôi ngày đó:

Đã nguyện lòng trai với nước non
Ra đi giết giặc tấm lòng son
Nước mắt dẫu rơi đời chiến sĩ 
Vẹn nguyên lời hứa buổi ra đi.

 
Một người bạn, đồng đội cùng thời ccbz10 qk8.

LSV (g/th)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét