Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2016

Miếu thờ liệt sỹ giữa Đồng Tháp Mười (PVT s/t)

Đá Biên & e207

Miếu thờ liệt sĩ giữa Đồng Tháp Mười
Phạm Văn Thông (s/t) - LSV (g/th)

(GD&TĐ) - Hơn 20 năm qua, giữa Đồng Tháp Mười có đôi vợ chồng nông dân tự lập miếu thờ và tổ chức giỗ liệt sĩ hằng năm. Đó là vợ chồng anh Nguyễn Văn Tờ (Tư Tờ), ở ấp Đá Biên, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An. Giữa cánh đồng mênh mông, người nông dân lập miếu với mong muốn hương khói sẽ làm ấm lòng những anh hùng liệt sĩ thuộc Trung đoàn 207 đã ngã xuống trong một trận đánh ác liệt vào năm 1973.

Lập miếu giữa đồng

Ấp Đá Biên thuộc vùng biên giới giáp Campuchia, là địa thế chiến lược nên trong kháng chiến chống Mỹ đã từng diễn ra nhiều trận chiến ác liệt. Đặc biệt là trận đánh vào tháng 10 năm 1973 của Trung đoàn 207 (thuộc Quân khu 8 cũ). 


Anh Tư Tờ bên miếu

Theo lời Thượng tá Vũ Trung Kiên - Phó Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung Đoàn 207 kể lại, ngày 3 tháng 10 năm 1973, nhằm ngày mùng 8 tháng 9 âm lịch, Trung đoàn 207, thuộc quân chủ lực Quân khu 8, hành quân từ Campuchia hướng về Kiến Tường (nay thuộc tỉnh Long An). Rạch Đá Biên là nơi trú ém quân tạm thời của Trung đoàn để đêm sau hành quân tiếp tục. Một trận đánh ngoài dự kiến đã xảy ra, do sau khi phát hiện bộ đội ta, địch huy động máy bay lên thẳng, xe lội nước M113, liên tục bắn phá vào khu vực ém quân của Trung đoàn. Các chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu, tiêu diệt và làm bị thương hàng trăm tên địch, bắn cháy một máy bay lên thẳng, đổi lại nhiều cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn đã ngã xuống và mãi mãi yên nghỉ tại mảnh đất Đồng Tháp Mười thân thương này…

Được nghe về trận đánh hào hùng trên nên khi vừa vào khẩn hoang năm 1990, vợ chồng anh Tư Tờ đã chọn gò đất cao gần nhà để lập miếu thờ liệt sĩ. “Đầu tiên, miếu chỉ có 4 cây tràm làm cột, lợp mái lá bên trên, phía trong để lư hương hằng ngày nhang khói”, anh Tư Tờ kể lại. Từ đó, miếu lấy tên là Miếu Bắc Bỏ, theo tên một con rạch chảy ngang đây.

Do bà con đến hương khói ngày càng đông nên anh Tư Tờ mở rộng diện tích ra chừng chục mét vuông. Mùa lũ nước dâng cao, vợ chồng anh phải vay mượn tiền, mua tôn về lợp mái và làm bệ thờ bằng xi măng cho đến ngày hôm nay.

Hơn 20 năm giỗ liệt sĩ 

Anh Tư Tờ kể lại: “Mỗi năm đến ngày mùng 8 tháng 9 âm lịch, gia đình tôi tổ chức giỗ chiến sĩ. Nhà nghèo, có gì cúng nấy, có khi con cá, con tôm bắt được, hay nhà mình ăn gì thì cúng món nấy. Những năm nước ngập sâu, nền miếu bị ngập phải để mâm cơm trên mũi xuồng, đốt nhang cúng vái. Mỗi ngày bơi xuồng ra miếu thắp nhang, nước ngập không có chỗ cắm nên đành cắm nhang lên thân cây tràm gần đó...”. 

Thương các anh xa quê giữa chốn đồng không mông quạnh lạnh lẽo, thấy anh Tư Tờ lập miếu, thờ cúng, nhang khói và làm đám giỗ hằng năm, người dân nơi đây cũng ủng hộ nhiệt tình, ai đi làm đồng hay bơi xuồng ngang miếu cũng ghé lại thắp nén nhang và hằng năm không ai bảo ai, tề tựu về nhà anh Tư Tờ để tổ chức giỗ chiến sĩ. Bà con trong xóm dù công việc bận mấy cũng chạy lại phụ giúp, người đem con cá, người đem bó rau, người góp con gà, con vịt và xúm lại nấu nướng. Chị Mai Thị Tiếp, vợ anh Tư Tờ cho biết: “Liệt sĩ đa phần là người quê ở miền Bắc, không có thân nhân tại địa phương. Ngày giỗ mọi người cùng nhau làm các món ăn, đặc biệt là các món của miền Bắc và bánh chưng… Mọi thứ được chuẩn bị trong nhà sau đó đưa lên mâm để đem ra miếu”. 


Đồng đội, người dân đến nhà anh Tư Tờ trong ngày giỗ liệt sĩ

 Bà con đến với đám giỗ chiến sĩ mỗi năm tăng lên dần, có khi đến hàng trăm người. Năm vừa rồi hơn 300 người ở địa phương, cả thân nhân liệt sĩ từ các tỉnh phía Bắc vào. Họ thắp hương cho người thân và ở lại chơi với gia đình anh chị Tư mấy ngày liền. 

Nhân rộng một tấm lòng

Ngôi miếu hiện tại có diện tích khoảng 16m2, mái lợp tôn, cột vẫn còn làm bằng cây tràm. Giữa miếu là bệ thờ xây bằng gạch có đặt lư hương được gia đình anh Tư Tờ thắp hương hằng ngày. Bên dưới bệ thờ có khắc dòng chữ “Hy sinh gì (vì) Tổ quốc”. Chúng tôi thấy là lạ, hỏi anh Tư thì anh cho biết dòng chữ này do người hàng xóm biết chữ khắc trong ngày xây bệ thờ, nhưng do trình độ anh này mới hết lớp 1 nên trong mấy chữ ấy có chữ sai chính tả, Vì thành Gì. Nét chữ tuy đơn sơ nhưng chúng tôi cảm nhận được trong ấy chứa đựng biết bao nghĩa tình của người dân nơi đây khi cái nghèo, cái khó vẫn còn đó. Thượng tá Vũ Trung Kiên - Phó ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 207, xúc động cho biết: “Đây cũng chính là quê hương thứ 2 mà cũng là quê hương trên đất mẹ Việt Nam. Các đồng chí không được trở về nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng các đồng chí được nhân dân rạch Đá Biên coi như người thân yêu ruột thịt… Lúc nào cũng có nén nhang, bát cơm, chén rượu để làm ấm lòng những người con đã hy sinh vì Tổ quốc…”. 

Công tác tìm và quy tập hài cốt được thực hiện trong suốt thời gian qua, sau khi hòa bình lập lại. Năm 1992, người dân và chính quyền địa phương tổ chức tìm được khoảng 80 hài cốt liệt sĩ, đem về nghĩa trang liệt sĩ huyện Tân Thạnh và huyện Mộc Hóa, còn lại hơn 200 liệt sĩ vẫn chưa tìm được hài cốt. “Số liệt sĩ vô danh và chưa tìm được hài cốt hơn phân nửa, các anh vẫn còn nằm đâu đó trên vùng đất này. Mấy chục năm rồi, đồng nước ngập sâu vào mùa lũ hằng năm, đất nhiễm phèn nặng nên giờ chắc cũng chẳng còn xương thịt gì sót lại!…”, anh Tư Tờ trầm ngâm nói. 

Suốt 20 năm qua, đám giỗ liệt sĩ được tổ chức đều đặn tại ấp Đá Biên này và nhà anh Tư Tờ là nơi hàng trăm người dân tề tựu về. Câu chuyện anh Tư Tờ thờ liệt sĩ được Ban Liên lạc Bạn chiến đấu Cựu chiến binh Trung đoàn 207 biết được. Qua đó, thân nhân liệt sĩ từ các tỉnh phía Bắc cũng được thông tin về nơi thân nhân đã chiến đấu, hy sinh nên đã vào tận nơi để hương khói cho người thân. Sau mấy mươi năm mới tìm được hài cốt, biết được nơi người thân từng chiến đấu, hy sinh và được người dân hương khói nên các thân nhân liệt sĩ cũng được an ủi phần nào. Có thân nhân liệt sĩ vừa nghe tin liền vượt hàng ngàn cây số vào tận nhà anh Tư Tờ và đem di ảnh người thân vào gửi anh thờ tại miếu. 

Đáp lại tình cảm và mong muốn của người dân, đồng đội và thân nhân các chiến sĩ, Ban Liên lạc Bạn chiến đấu Cựu chiến binh Trung đoàn 207, chính quyền địa phương quyết định xây dựng trên nền cũ miếu Bắc Bỏ nhà bia ghi tên liệt sĩ Trung đoàn 207. Những ngày tháng 3, khi vụ lúa Đông Xuân vừa mới thu hoạch xong, khu tưởng niệm các liệt sĩ cũng được khởi công xây dựng trên phần đất diện tích 5000 m2 do anh Tư Tờ tự nguyện hiến tặng. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào tháng 7 năm nay với tổng kinh phí khoảng 5 tỉ đồng. 

Trung tá Phan Xuân Thi - Trưởng ban liên lạc Trung đoàn 207 cho biết: “Năm 2011 trong chuyến cùng người thân liệt sĩ tìm hài cốt, khi đến khu vực cầu 79, ấp 5, xã Tân Lập, huyện Thạnh Hóa thì tôi được người dân cho biết trong kia có Miếu Bắc Bỏ thờ những chiến sĩ quê miền Bắc hy sinh năm 1973. Vừa nghe xong, tôi đã nhận ra ngay đây là chiến trường ngày xưa diễn ra trận chiến ác liệt của Trung đoàn”.

PV
Phạm Văn Thông (s/t)

LSV (g/th)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét