Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2016

MMTHM_(12)_Vĩnh biệt thầy K.

Đá Biên & e207

VĨNH BIỆT THẦY K. 
Thơ: Hồ Tĩnh Tâm  - Trình bày: NSƯT. Hồng Vân



VĨNH BIỆT THẦY K.
Thơ Hồ Tĩnh Tâm

Trận đánh kết thúc rồi. Thầy ơi tỉnh dậy
Nắng Tháp Mười rực rỡ lắm thầy ơi!
Tất cả chúng em đến bên thầy đông đúc
Nước mắt nhòa đồng đội sát bên nhau.
Thầy ngã xuống, máu tuôn như chớp đạn cầu vồng
Tay vẫn cầm chắc súng
Mắt mở trừng trừng không chịu nhắm
Chân đạp rào gai- tư thế xung phong.
Không có trống trường chúng em bắn rền loạt súng
Cho cả trường ta ngoài kia nghe.
Đã đến giờ xuất quân,
        chúng em trồng cho thầy cây trâm bầu bên nấm mộ
Để bóng mát thầy mãi mãi vươn che.

Đồn Cái Xơ- Hồng Ngự
Tháng 5 năm 1974

Ghi chú:
Tháng 5 năm 74, tiểu đoàn tôi được lệnh vượt sông Trăng biên giới (Sroaivieng – Đồng Tháp), tiến đánh đồn Cái Xơ. Sau một đêm ròng rả hành quân vượt đồng, đêm thứ hai chúng tôi nổ súng, diệt gọn đồn trong vòng 15 phút. Sau đó chúng tôi triển khai đội hình chuẩn bị chống địch phản xung phong tái chiếm. Bấy giờ trung đoàn 10, sư 7 quân lực Sài Gòn, được coi là một trung đoàn mạnh, có lối đánh gần giống với lối đánh của bộ đội đặc công ta, vì chỉ huy là một sĩ  quan của ta chiêu hồi.

Suốt ba ngày liền, chúng tôi trầm dưới công sự, gồng mình chịu đựng hỏa lực của phi pháo, máy bay và thiết giáp. Chiều thứ tư, khoảng gần 16g00, để chống cơn buồn ngủ díp mắt, tôi lên sóng dò tìm sóng PRC25 của đối phương (việc này bị cấm trong chiến tranh). Tôi nhanh chóng tìm được tần số của một số máy trên trực thăng đang liên lạc với thiết giáp mặt đất. Nhờ vậy, tôi biết được bộ binh địch đã luồn dưới hỏa lực 12ly7, vượt sông Tân Thành, đánh úp trận địa phòng ngự của ta ở hướng C2, đồng thời M41 của chúng cũng vượt sông tập kích trận địa chống tăng của tiểu đoàn. Lý do là do tôi nghe tụi thiết giáp gọi trực thăng như sau: “Julu gọi Hùng Cường! Đã vượt con trăn xanh, chà xát mấy ụ nấm mối, thu được một số củi mục”. Chúng gọi đi gọi lại như vậy rất nhiều lần, nên tôi đoán trận địa hỏa lực của ta bị tấn công, có khả năng bị tiêu diệt. Hơn nữa, theo quy ước bảo đảm lên sóng 15 phút một lần, các máy của C2 và B hỏa lực hoàn toàn mất sóng. Cả hai trận địa này, sau đó,  đều không liên lạc được cả bằng vô tuyến điện và hữu tuyến điện về ban chỉ huy tiểu đoàn, nơi tôi đang trực máy chính.

Tình thế buộc tôi phải báo cáo với tiểu đoàn trưởng Tư Hùng. Do nguồn tin chính xác, tiểu đoàn kịp thời đối phó, nên tránh được tổn thất tiếp theo; cũng chính vì vậy mà tôi chỉ bị nhắc nhở chứ không bị kỷ luật.

16g20, nhờ chi viện của ĐKB và cối 120 ly, chúng tôi phản xung phong, giành lại được trận địa. Chiến đoàn 56 thiết giáp Sài Gòn rút lui chiến lược. Tụi trung đoàn 10 cũng buộc phải rút lui chiến thuật.

Đêm đó, tôi đeo máy theo chính trị viên tiểu đoàn Nguyễn Văn Thái- quê Thanh Hóa- đi chuyển giao tử sĩ cho dân công bên bờ sông Tân Thành, nhận ra xác thầy Phùng Văn Khâm bị xích sắt xe tăng nghiền nát. Sáng hôm sau tôi viết và chép bài thơ này vào nhật ký. Nhưng thật ra, thầy Khâm chỉ là giáo viên cấp 2, không hề dạy tôi một giờ nào. Hoàn toàn là do tôi xúc động mà viết.

Tiểu đoàn tôi tên phiên hiệu là D1, thuộc trung đoàn độc lập 207 của QK 8. Nguyên là một tiểu đoàn của Đoàn 568 QK Tả Ngạn vào bổ sung- lúc đó đang đứng chân tại Sroaivieng. Lúc còn ở Mai Sưu- Lục Ngạn (vùng Đông Bắc), đây là một tiểu đoàn mạnh, gồm sinh viên và giáo viên của ba trường đại học (Mỏ – Địa chất, Thể dục – Thể Thao, Nông nghiệp I), được huy động nhập ngũ tháng 5 năm 1972, được huấn luyện rất kỹ cả đánh công kiên trong thành phố, diệt tăng bằng lựu đạn, leo tường nhà cao tầng, luồn cống, cũng như đánh giáp lá cà bằng tay không, lưỡi lê và dao găm… Nhưng khi vào đến Bù Đốp- miền Đông Nam Bộ thì tiểu đoàn bị chia đôi, một nửa ở lại, một nửa xuống B2; tôi thuộc diện ở lại miền Đông. Nhưng do tôi làm đơn xin được xuống B2 cho biết Nam Bộ, mà tôi được điều về D1, E207, QK8.

Trong số những giáo viên nhập ngũ cùng đợt với tôi, có cả thầy Nguyễn Tấn Hưng và thầy Bùi Duy Ly, là giáo viên Khoa Bóng đá Trường đại học thể dục thể thao Từ Sơn. Nay cả hai đều công tác ở Liên đoàn bóng đá Việt Nam.

Đến 30 tháng 4 năm 75, theo sổ quân lực mà tôi biết, do tôi từng phụ trách, quân số cũ của tiểu đoàn từ đoàn 568 chuyển vào, chỉ còn lại khoảng hơn 1/3. Trận đánh phòng ngự tại sông Tân Thành là một trong những trận có tử sĩ  nhiều nhất (gần 20 người trong một trận). Sau này, khi chúng tôi trụ chống càn ở bờ bao Mỹ Hòa ròng rả một tháng trời, thương vong phải chuyển đi là 37 người, nhưng số hy sinh cũng không tới 10 người. Vì vậy, đây là một dấu ấn rất đậm nét trong đời binh nghiệp của tôi. Đặc biệt là cái chết của thầy Phùng Văn Khâm và các chiến sĩ hỏa lực bị xích xe tăng nghiền trộn với bùn đất chiến hào.

HTT Tháng 3 năm 2009
LSV (g/th)

***

Bấm chuột phải vào tên bài, chuột trái vào "Mở liên kết trong tab mới":

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét