Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2016

Nhật ký quân ngũ (8)

NHẬT KÝ QUÂN NGŨ (8)

Kiều Vĩnh Lộc, CCB C2, D74, F304B, QKVB - CCB D3, E4, F5, QK7

*******

alt

Xem: >>(1)>>(2)>>(3)>>(4); >>(5); >>(6); >>(7); >>(8)>>(9)>>(10); >>(11); >>(12); >>(13); >>(14); >>(15)>>(16); >>(17)

***********

... (tiếp theo)

01/02/73

Hôm nay đơn vị nghỉ ăn Tết "Quý Sửu" trên một quả núi thuộc tỉnh Khăm Muộn của Lào(thuộc trạm 6).
Khu vực này khá đẹp, lắm cây to, có nhiều bãi đá bằng. Dưới sườn núi có con suối lớn nước chảy mạnh, xanh trong.

Tiêu chuẩn Tết mỗi người được một nửa cái bánh chưng (nhân đậu nành), 3 cái kẹo, 9 điếu thuốc. Cả tiểu đội được cấp 3 lạng thịt. Có vậy thôi mà người ta còn nói là khá đấy! Nhớ lại năm ngoái vợ chồng mình ăn Tết ở cơ quan gói đến 15 chiếc bánh chưng, lại còn làm bao bánh rán, bánh dợm, chè, thuốc, bánh, mứt, kẹo đầy đủ. Đời lính chiến thật là thiếu thốn vất vả.
Nằm võng trên vùng rừng núi này, nghĩ lại những ngày qua, năm qua mà người cứ thẫn thờ. Đêm qua nằm mơ thấy đang cùng vợ và hai con ngồi quanh nồi bánh đun sôi sùng sục. Hình ảnh vợ con gia đình thôi thúc, nỗi nhớ nhung day dứt trong lòng. Nay là 29 Tết rồi. Hiển ơi! Em đã về với các con, với thầy u chuẩn bị cho Tết Quý Sửu này chưa? Giờ đây anh đang nhớ tới em và hai con da diết. Ở chốn rừng xanh này anh chỉ còn thấy em và hai con gái yêu thương trong những giấc mơ.

03/02/73

Đón giao thừa tại điểm đầu tỉnh Xa-va-na-khet. Số phận hình như báo cho mình một điều chẳng lành. Một cơn sốt kéo dài từ 8 giờ sáng đến giờ chưa dứt hẳn (đơn vị vẫn hành quân đâu có nằm lại được, vai vẫn khoác ba-lô, tay cầm gậy mà chân thì run lẩy bẩy. Vẫn leo núi đến thắt ruột, mồ hôi ướt đầm đìa, hễ cứ dừng lại là lại rét run lên. Suốt cả ngày chỉ ăn một ca cháo).
Khi tiếng pháo đón giao thừa đang ròn rã trong khắp miền đất nước (ở đây người ta bắn súng đón giao thừa) thì cơn sốt đang hoành hành mình ở điểm cao nhất, cả người rung lên, răng va vào nhau cầm cập, đầu óc choáng váng... Nằm mơ màng nghe bác Tôn chúc Tết (qua đài thu thanh của tiểu đoàn). Thằng Cường phần vì nhớ nhà, phần vì thương mình nó cứ ôm chặt người mình mà khóc thút thít. Mình thương thằng Cường quá. Mình cũng ôm chặt nó vào lòng.
Sáng nay mồng một Tết, bữa cỗ đầu xuân của bọn mình là món cơm nguội của thứ gạo sấy với ruốc khô (nghĩ tới món này mà thật ớn, từ T5 họ cấp cho loại gạo sấy cho vào nồi tha hồ mà ninh cũng không nát, thành cơm rồi ăn sao nó đắng, nó nhạt. Rồi vì tình hình máy bay địch nên cấm lửa do vậy phải nấu cơm từ chiều hôm trước, để hôm sau ăn thì nó cứng quá rồi. Loại gạo này không thể nào nắm thành nắm được).
Tiếp theo đó, hành động đầu xuân là phải đi một đoạn đường (từ trạm 7 đến trạm 8) dài hơn 6 tiếng, trong đó phải vượt qua một dốc núi cao leo hơn 1g30' mới tới đỉnh.

04/02/73

Trên đường từ trạm 8 đến trạm 9 gặp một đoàn thương binh ở khu 5 ra, hỏi thăm được biết tin tức về chú Tuyên (hiện ông làm Tỉnh đội phó tỉnh Thừa Thiên).
Mình đã dứt cơn sốt nhưng người thì mệt rã rời. Bãi khách trạm 9 này nằm cheo leo trên một sườn núi cao. Xuống suối lấy nước lên nấu ăn thật là vất vả.

05/02/73

Từ trạm 9 đi thẳng tới trạm 11 (lẽ ra thì nghỉ lại ở trạm 10 để lấy thêm gạo nhưng vì đi không bám sát đội hình nên cả đại đội bị lạc, cứ theo đường mòn mà đi, gần tới trạm 11 thì liên lạc tiểu đoàn chạy tới yêu cầu đội hình đi quay trở lại trạm 10).
Thật là khổ, đã 4 giờ 30' chiều rồi mà quay lại hơn 10 km đường rừng thì đâu có kịp. Chi bộ đã họp quyết định cho quân về nghỉ tại trạm 11, mai cho người về T10 lấy gạo. Đại đội trưởng Hoạt đã không làm đầy đủ chức trách của mình (anh ấy sẽ phải chịu trách nhiệm trước tiểu đoàn về việc này).

07/02/73

Được nghỉ lại ở trạm này 2 ngày nhưng phải chuyển chỗ ở đến ba lần. Tình hình địch ở đây rất căng thẳng. Máy bay OV-10 bay suốt ngày đêm. Hôm qua trạm lại mới bắt được 2 tên phỉ Phu-ma. Dân thì giác ngộ chưa cao (họ vừa bắn chết một đ/c cán bộ trạm 11 này hơn một tuần sau mới tìm thấy xác).
Từ đây lệnh cấm nằm võng, phải đào hầm ngủ được phát ra. Dân Lào còn lạc hậu lắm, suốt vùng Khăm-Muộn đến Sa-va-na-khet họ ở rải rác trên các sườn núi. Sản phẩm của họ có ít rau cải và củ sắn đem ra đổi quần áo hay bán cho bộ đội.
Thiếu úy Hoạt (Trạm trưởng T11) ở Trần Phú (Quốc Oai). Anh nhập ngũ và đi B cùng với Lan, Nông, Hiện. Anh đã kể lại cho mình nghe trận chiến đấu cuối cùng của Lan (lúc đó Lan là Trung đội phó pháo phòng không) chỉ huy một trận đánh trả máy bay Mỹ ở Căm-pu-chia chiều 30 Tết 68.
Hôm nay Lan không còn nữa! Đã 8 năm nay không được gặp Lan và mãi mãi không bao giờ gặp Lan được nữa.
Lan ơi! Mình sẽ làm tiếp nhiệm vụ mà Lan đang làm dở. Lấy chiến công của Lan để cổ vũ, để mãi mãi noi theo.

08/02/73

Hôm nay tới trạm 12 tương đối sớm.
Quân lính khá mệt mỏi vì nay trời nắng gắt quá (ở đất Ai-Lao này khí hậu thật khắc nghiệt, mới đầu mùa xuân mà ngày thì nắng rát mặt, đêm nằm trên núi lại lạnh thấu xương, sáng sớm đi từ đỉnh núi xuống hơi đất bốc lên nóng hầm hập).
Chi bộ họp từ 2 giờ đến 4 giờ 30' chiều để kiểm điểm công tác lãnh đạo hành quân trong 10 ngày qua và ra nghị quyết lãnh đạo trong thời gian tới. Tình hình chung của đơn vị đã tạm ổn định (vấn đề tổ chức kỷ luật lỏng lẻo đã được khắc phục một bước lớn).
Thật đúng như các ông chỉ huy nói: "Không có ai dạy nghiêm bằng thằng Mỹ". Vào đây máy bay Mỹ hoạt động suốt ngày đêm, mấy vùng chung quanh đã bị chúng ném bom, ở đâu hễ cứ để hở tý lửa ban đêm, tý khói ban ngày là được ăn bom ngay. Do đó nên lính cũng hoảng. Không dám đi bừa vào rừng sợ dẫm phải bom bi, bom lá nổ chậm hoặc sợ gặp phỉ.
5 giờ chiều họp với BCH liên chi và các bí thư, phó bí thư các chi đoàn để triển khai nghị quyết của chi bộ.

09/02/73

Bắt đầu chuyển sang đi đêm, quãng đường từ T12 sang T13 không xa lắm nhưng đi đêm thật là khó khăn.

alt

10/02/73

Tình hình càng trở nên nghiêm trọng, bom Mỹ đã rải khắp các tuyến đường. Xuất phát từ trạm 13 lúc 2 giờ sáng luồn rừng mà đi, khi leo dốc, khi lội suối hay vượt sông bằng cầu ngầm. Trời tối đen như mực. Nếu không có những miếng lân tinh gắn trên mũ và ba-lô của người đi trước thì không biết đâu mà mò.
Cạnh đường tuyến 24 đây đó còn những quả bom khoan, bom bi mới ném xuống hôm qua chưa kịp nổ.
Sáng nay đi qua một khu rừng thật đẹp, mặt đất khá bằng, nhiều cây cổ thụ to ba bốn người ôm cao ngất, những khóm trúc xanh xanh bên bờ suối nhỏ. Ở đây nhiều chim, lắm sóc. Nhiều tiếng chim kêu thật đáng yêu "cố lên, cố lên", "hết dốc, hết dốc", "khó khăn, khắc phục". Mà cũng có con chim tinh quái còn trêu lính "còn khổ, còn khổ". Đời lính lắm cái cực thật mà lại là cái vui nhất.
Đêm nay trời đẹp lắm. Muôn triệu vì sao lấp lánh, mảnh trăng mùng tám lơ lửng giữa nền trời cao xanh thẳm. Mắc võng trên rừng Trường Sơn, nằm ngắm trăng mà lòng chạnh nhớ đến quê nhà.

"Trăng xuân vằng vặc sáng
Nhớ người thương yêu xa
Ngắm trăng, sao ngắm mãi
Không thấy người trong trăng"

11/02/73

Về tới bãi phụ trạm 32 mới 10 giờ 30'. Được nghỉ lại một ngày. 14 giờ phụ trách trung đội đi lấy gạo (vẫn phải ăn gạo sấy).

12/02/73

Chuyển sang bãi chính trạm 32. Bãi này nhỏ, mình phải đào thêm hầm nằm. Không hiểu sao chân lại bị nẻ miếng to quá! Chiều nay, Chính trị viên tiểu đoàn xuống nói chuyện thời sự với đại đội.

13/02/73

Hôm nay phải vượt qua 3 đường tuyến 24, 28A và đường 9 (đường 9 rộng lắm, mặt đường đổ nhựa). Báo thức từ 1 giờ sáng, 2 giờ bắt đầu xuất phát. Trung đội nay đi thứ hai, đại đội đi đầu đội hình của tiểu đoàn. Chặng đầu đi một mạch 3 tiếng rưỡi, đường hôm nay khó đi quá, có nhiều cây to đổ ngang đường, có cây phải chui ở dưới, có cây lại phải trèo qua để đi. Nhiều đoạn đường có độ nghiêng rất lớn, vừa dốc lại vừa nghiêng. Đi không thận trọng là bị tụt ngay xuống vực sâu bên cạnh.
Người hôm nay không được khỏe. Đêm qua lại lên cơn sốt. Lúc xuống dốc đá cao phải chạy, trời tối đen như mực, được người đi trước báo có đá bên phải, mình vừa kịp tránh thì cả người lao luôn vào một cây to cụt ở bên trái đường. Thế là cả người và súng với ba-lô lao xuống. May thay có mấy rễ từ một cây to rủ xuống ngăn mình lại. Nếu không thì thế là hết! Bây giờ người đau ê ẩm, đầu choáng váng. Lúc vượt sông Xê-mơ-liêng chân còn run lẩy bẩy. Dòng nước xiết cứ như muốn cuốn mình đi. Bây giờ đây nghĩ lại mà kinh khủng thật!

14/02/73

Đêm qua tiểu đoàn trú quân trong một con suối đã cạn (cách sông Xê-mơ-liêng 4km). Lòng suối rộng, có nhiều bãi đá phẳng lỳ.
Người vẫn chưa khỏe. Suốt đêm qua lại lên cơn sốt (lúc nóng, lúc lại rét run lên, nước mũi chảy ròng ròng). Đêm qua toàn mơ mộng vẩn vơ. Thần chết hình như đã muốn kéo đến. Phải chăng bãi đá trong lòng con suối cạn này là nơi an nghỉ cuối cùng của mình ư ?!
Không! Đừng có hòng. Tối qua ta đã cố nuốt trôi ca cơm gạo sấy thì ta còn đủ sức để hành quân.
3 giờ 15' báo thức. 3 giờ 30' bắt đầu ngược suối đá đi. Trời tối đen, chân run lẩy bẩy. Mặc nó, tay nắm chắc gậy, ta vẫn cứ đi. Hôm nay phải vượt một dốc núi dài, qua hết hơn 2 tiếng.
Đến trạm 35 lúc 1 giờ 30' chiều, người đã dứt cơn sốt nhưng chân tay thì rã rời. Tình hình địch ở đây căng lắm, có khả năng quân Phu-ma đổ bộ nên tiểu đoàn đã tổ chức một trung đội trực chiến.
Chiều qua B5 mất 3 chiến sỹ không rõ lạc đường hay bị phỉ thịt rồi! (Tân, Thịnh, Cục đây mà! Không bị phỉ "thịt" mà chỉ "lạc đường", hôm sau đã quay lại đơn vị, vậy mà đến nay, sau hơn 40 năm, anh Lộc mới biết - LSV).

15/02/73

Từ trạm 35 đi lúc 5 giờ. Hôm nay phải vượt qua một núi đá cao.
7 giờ đến chân núi được nghỉ lại ăn cơm rồi bắt đầu leo núi. Từ lưng chừng núi nhìn ra xa thấy toàn cảnh núi non trùng điệp. Màu sắc của núi rừng dưới ánh mặt trời buổi sáng trông mới tuyệt làm sao. Trên trời, những chiếc L-19 và OV-10 vẫn vè vè bay lượn, toàn thân chúng rực lên một màu hồng khiêu khích. Thế mà lên tới đỉnh núi sương mù dày đặc, gió thổi mạnh làm rơi những giọt sương đọng trên lá cây kêu lộp bộp. Không khí nặng nề quá (hơi khó thở).
Một đường xe được mở rộng chạy qua đỉnh núi này. Sức mạnh của chiến tranh nhân dân là ở đây. Sức mạnh vô địch là ở chỗ này. Nghe nói đường xe được mở ra từ hơn sáu năm nay. Từ hậu phương lớn XHCN, những đoàn xe nối tiếp nhau mang nhân tài, vật lực vượt qua những đỉnh núi như thế này đi dọc suốt Trường Sơn này để mang tới chiến trường đánh Mỹ.
"Đảng đã cho ta một linh hồn và một trái tim. Biết đi tới và làm nên thắng trận".

... (còn nữa)

Kiều Vĩnh Lộc - (LSV g/th)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét