Thứ Hai, 25 tháng 7, 2016

Nhật ký quân ngũ (7)

NHẬT KÝ QUÂN NGŨ (7)

Kiều Vĩnh Lộc, CCB C2, D74, F304B, QKVB - CCB D3, E4, F5, QK7

*******

alt

Xem: >>(1)>>(2)>>(3)>>(4); >>(5); >>(6); >>(7); >>(8)>>(9)>>(10); >>(11); >>(12); >>(13); >>(14); >>(15)>>(16); >>(17)

***********

... (tiếp theo)

ĐƯỜNG RA TRẬN

16/01/73

10 giờ 30' hôm nay, trên một đồi thông thuộc huyện Đồng Hỷ, Bắc Thái, Bộ tư lệnh Sư đoàn 304B làm lễ xuất quân và giao nhiệm vụ hành quân chiến đấu cho tiểu đoàn 74.
Thượng tá Tạ Doãn Địch - Tư lệnh, Trung tá tham mưu trưởng và các thiếu tá trưởng phòng chính trị, hậu cần, cùng các cán bộ trong cơ quan sư đoàn tham dự buổi lễ.

Phó tư lệnh sư đoàn lên giao nhiệm vụ và trao cờ cho đơn vị. Lá cờ giải phóng tung bay trước gió. Đó là sứ mệnh lịch sử mà Đảng và nhân dân trao cho chúng tôi - "những chiến sỹ quân giải phóng". Kêu gọi chúng tôi phải đạp bằng mọi sóng gió chông gai, vượt qua mọi hiểm nguy, ác liệt. Đánh tan mọi kẻ thù của giai cấp và dân tộc.
Cắm lá cờ giải phóng tung bay trên khắp miền Tổ quốc. Trung úy Tiểu đoàn phó Hoan thay mặt đơn vị lên nhận cờ và đọc 10 lời thề của QĐNDVN.
Từ nay mình đã trở thành "anh giải phóng quân". Đứng trong đội ngũ mà lòng mình rạo rực. Các thủ trưởng sư đoàn đi bắt tay hết mọi người đứng ở hàng đầu.
Sau đó đội tuyên văn của sư đoàn có biểu diễn chào mừng.

17/01/73

Bốn giờ sáng, đoàn tàu đưa đơn vị mình đi từ ga Lương Sơn (Bắc Thái) về đến ga Yên Viên lúc 10 giờ. Xuống đi bộ qua cầu phao về đến ga Hàng Cỏ lên tàu đi tiếp về trú quân tại một xã cách ga Thường Tín 3 km.
Suốt đêm qua chờ tàu ở ga Lương Sơn, thời tiết thật khắc nghiệt làm sao. Từ 6 giờ tối đến 4 giờ sáng hôm sau, chốc chốc lại có một trận mưa nặng hạt, gió mùa Đông Bắc rít từng cơn, giữa đồi trống, từng tốp nằm lăn ra cỏ ngủ. Trời mưa làm ướt hết cả quần áo, chịu đựng dưới trời mưa rét này thật là căng.
Ở ga Hàng Cỏ trưa nay, cảnh tiễn đưa (kẻ ở người đi) diễn ra thật là lưu luyến. Nào bố, mẹ, vợ, người yêu, anh, chị, bạn bè... Sự xúc động, bùi ngùi trong lúc chia tay làm sao tránh khỏi. Tàu từ từ chuyển bánh, người tung khăn, vẫy nón, ... Chúng mình cũng vẫy tay chào Hà Nội, chào tạm biệt những người thân ở lại, chúng tôi đi chiến đấu. Hẹn ngày hoàn thành nhiệm vụ chúng tôi sẽ trở về.

alt

Hiển em!
Giờ này em đang ở đâu? Các con ở đâu? Suốt chặng đường từ Yên Viên về đến Hà Nội anh cứ hy vọng là sẽ gặp được em mà có thấy em đâu!
Ở lại anh đi Hiển nhé. Anh mong em và các con luôn khỏe, em công tác phấn đấu tốt, các con mau khôn lớn. Chuẩn bị đón một xuân mới đầy phấn khởi và tin tưởng.
Hẹn ngày hoàn thành nhiệm vụ trở về với em và hai con .... không xa. Hôn em và hai con nhiều nhiều!

18/01/73

Có lệnh của BCH tiểu đoàn. Mình phải về tới Hà Nội trước 2 giờ sáng cùng thượng sỹ Ma Văn Pìn làm một số công tác. Cầm giấy công lệnh và giấy giới thiệu ở tiểu đoàn đi ra vừa đúng 12 giờ khuya. Ra đến ga Thường Tín may mắn nhờ công an hỏi cho đi nhờ một xe vận tải (mặc dù phải cùng với một đàn lợn ngồi ở thùng xe nhưng vẫn cứ hơn là phải đi bộ 22 km).
Đến 8 giờ sáng, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, như có linh tính báo trước, lẽ ra mình ra ga Hàng Cỏ để về Thường Tín thì chân mình lại đi về phía Phạm Ngũ Lão(cơ quan TCĐC). Và ở đây thật không ngờ và cũng không có gì hơn, mình được gặp vợ mình, Hiển về Tổng cục công tác.
Ba giờ chiều, đơn vị bắt đầu lên đường bằng chuyến tàu hỏa tốc hành từ ga Thường Tín.
Chia tay Hiển ngay trên sân ga. Nước mắt Hiển rơi nhiều. Biết rằng em đã cố kìm lại để cho khỏi nấc lên thành tiếng!!!

19/01/73

Hôm nay mãi 2 giờ sáng mới về đến ga Ninh Bình. Trời mưa rét quá. Vào trú quân ở một làng cách ga chừng 5 km.
14 giờ đi ô tô về Thanh Hóa. Đây là lần đầu tiên mình đi vào phía Nam này. Qua thấy những công trình văn hóa trên dãy núi vôi Ninh Bình thật là vĩ đại.
18 giờ dừng nghỉ lại tại một xã thuộc ngoại thị xã Thanh Hóa (cách thị xã 3 km). Quân về tập trung ở đây cũng khá đông.

alt

21/01/73

Hôm nay là ngày thứ hai nghỉ lại trên quê hương Nam Ngạn - Hàm Rồng. Sáng đi lĩnh thêm quân trang, chiều nghỉ tắm giặt. Tối nay sinh hoạt chi bộ để thông qua nghị quyết lãnh đạo hành quân và xét hồ sơ xin vào đảng của Tư (y tá) và Quyết (BP - B6).
Quang cảnh vùng ngoại vi thị xã Thanh Hóa này thật là tươi đẹp. Những hàng dừa cao, tỏa bóng mát xuống dọc hai bên đường suốt đôi bờ con sông đào chảy qua làng xóm.
Dân ở đây không giàu lắm, còn nhiều nhà tre lợp rạ nhưng lòng dân thì thật là đáng quý. Mình cùng tổ 1 ở trong một gia đình liệt sỹ (anh con trai độc nhất của bà chủ tên là Sinh, hy sinh cách đây một năm). Hiện tại có 3 mẹ con chị công nhân cơ khí ở thị xã Thanh Hóa sơ tán vào (tên là Ý, CN tiện HTX cơ khí Thành Công). Họ đối xử với chúng mình rất thông cảm nhiệt tình. Thấy mẹ con họ sống, mình càng nhớ vợ và hai con da diết.

22/01/73

Tập trung từ 8 giờ sáng mà mãi 2 giờ chiều mới có ô tô đến.
Hôm nay đi khá vất vả. Mỗi trung đội ngồi gọn vào một xe, chật ních. Đường xóc và bụi quá (đường đang sửa lại). Ông xế này thuộc loại ẩu lắm, xe chở người mà phóng bạt mạng. Gặp nhiều đoàn xe chở thương binh từ B5 ra.
11 giờ khuya mới tới Vinh, nghỉ lại trong một xã cách Vinh 4 km. Người mệt dừ. Từ đầu đến thân phủ dầy một lớp bụi.

24/01/73

8 giờ sáng 23/01 bắt đầu đi tiếp mãi tới 1 giờ sáng nay  mới tới nơi trú quân thuộc huyện Quảng Liêm, Quảng Bình (chắc là xã Quảng Liêm, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình - LSV).
Thế là mình đã đi xa Hà Nội hơn 500 km. Ở Vinh gặp anh Tĩnh (nhà bác Thịnh), đến Kỳ Anh, Hà Tĩnh lại gặp thằng Thản (thằng cha này đã chuyển sang lính lái xe, nó lái trong đoàn xe đưa chúng mình từ Thanh Hóa, thế mà đến Kỳ Anh dừng lại nghỉ ăn cơm mới biết). Gặp mình nó mừng quá, nó bắt mình ăn sữa, cạo râu, hai đứa nói chuyện với nhau được 30' thì ô tô đi.
Đoạn đường từ Thanh Hóa đến Quảng Bình quân đi đông như trẩy hội. Đúng thật là "Mùa ra trận"... "Các binh đoàn kéo nhau ra tiền tuyến". Hàng đoàn ô tô có đến hàng trăm chiếc. Đoàn nọ nối tiếp đoàn kia: bộ binh, pháo binh, tên lửa, thiết giáp, v.v...
Đi trong đêm đèn chiếu sáng 3-4 km đường. Qua đèo Ngang quang cảnh mới thật là tuyệt diệu. Gió từ biển thổi vào mát rượi. Ô tô đi hàng trên hàng dưới, đèn sáng lấp lánh. Từ xa trông lại người ta có cảm tưởng như đèn điện sáng trên những dãy nhà tầng cao vời vợi.
9 giờ sáng nay qua sông Lam bằng phà ghép. Quân bộ, quân xe dồn lại thành từng đoàn dài để quay phim. Nước sông Lam xanh trong, trôi nhè nhẹ. Con người trên mảnh đất này cũng thật đẹp và anh hùng biết bao. "Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục... Nước non là nghĩa là tình ai ơi"!

25/01/73

Nghỉ lại ở Quảng Liêm 1 ngày, lấy thêm gạo và thực phẩm.
Dân ở đây khá vất vả, đời sống của họ thật là thiếu thốn. Ở nơi này đã 8 năm nay đọ sức với kẻ thù. Bom Mỹ đã chất chồng lên nhau trên mảnh đất khô cằn này.
Trong thiếu thốn, ác liệt nên tình cảm của họ cũng có những khía cạnh biểu hiện khác. Nhiều gia đình đối với bộ đội không khá lắm. Có gì bán thì bán với giá cắt cổ, ngoài ra còn lợi dụng kiếm chắc của bộ đội nữa. Tụi mình ở lại đây một ngày họ tính mỗi đứa 1 hào tiền củi, trong khi đó những hòm gỗ mang về làm củi thì họ lại xin để dùng.
Lính thường hát trêu:

"Mẹ đón quân ta về nhà nghỉ lại.
Cầm tay con mẹ hỏi mì chính con đâu.
Quần áo Tô Châu cho cha một bộ.
Có giầy cao cổ cho bọ một đôi.
Nếu cứ lôi thôi mẹ đòi tiền củi"...

26/01/73

Lẽ ra thì không đến nỗi.
Một giờ sáng nay có lệnh tập trung, sau 30' lại có lệnh hoãn nhưng lệnh hoãn thì không chuyền tới nơi. Thế là mình cho quân ra tập trung từ 1giờ 20', chờ mãi không thấy ai, đi cũng dở mà ở không xong. Toàn tiểu đội trải ni-lông xuống 1 con mương cạn, đưa ngủ, đứa tán chuyện dưới sương sớm cho tới 6 giờ sáng đại đội mới ra tập trung. Bụng đói mà không dám nấu cơm ăn vì chưa có lệnh.
Hôm nay toàn tiểu đoàn đi xà-lan ngược sông Gianh. 4 giờ chiều tới một khu rừng thuộc huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Thật là khốn khổ, từ sáng đến giờ chưa được miếng cơm nào mà lại đi lạc đường, ông giao liên mới chưa quen đường nên cứ bắt con cháu lội ngược suối lên gần tới đỉnh núi, sau lại phải quay lại.
Mãi 5 giờ 30' chiều mới được nhóm lửa nấu bữa ăn đầu tiên trong ngày. Bụng đói người mệt, bọn chúng thi nhau chửi giao liên. Chỗ ở hôm nay cũng không ra sao cả, toàn cứt là cứt, chỗ lấy nước ăn cũng có cứt, cứt ở chỗ bếp, cứt ở chỗ mắc võng, ngồi họp cũng có cứt thối um. Mẹ kiếp, cái đoàn nào đến đây trước mà ỉa bậy thế. Hôm nay đúng là ra ngõ gặp gái!

27/01/73

Bắt đầu hành quân bộ. Từ đây (Cự Nẫm - Bố Trạch) là trạm 1, trạm đầu tiên của đường dây 559, ngày hành quân bộ đầu tiên này khá căng. Mỗi người mang trên vai gần tới 30 kg. Từ trạm 1 đến trạm 2, đoàn đi đường rừng mới phát. Phải leo qua mấy dốc khá cao. Thằng Cường bị nhọt ở lưng nên anh em trong tiểu đội phân chia mang hành lý cho nó.
Tới trạm 2 đã 1 giờ chiều. Trạm này mới bị ném bom. Nghe phổ biến quanh đây còn bom nổ chậm.

28/01/73

Dọc đường từ trạm 2 đến trạm 3 nghe đài loan tin chiến thắng vĩ đại: Tại Pa-ri, Hiệp định đình chiến lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết. Chính phủ ta ra tuyên bố về thắng lợi to lớn này và quyết định treo cờ trong cả nước từ 28/1 đến 4/2 để chào mừng chiến thắng lịch sử của dân tộc.
Từ khu rừng miền Trung của Tổ quốc, rao rực niềm vui phấn khởi, chúng mình rảo bước đi lên, bước những bước mạnh hơn hòa chung vào niềm vui của đồng bào cả nước trước thắng lợi vĩ đại này mà ta đã giành được qua 1/4 thế kỷ đấu tranh anh dũng.
Theo Hiệp định đó, toàn lãnh thổ Việt Nam sẽ ngưng tiếng súng sau 24 tiếng đồng hồ (kể từ ngày ký). Thế đấy. Mà chúng mình vẫn cứ đi. Nhiều nhiệm vụ mới đang chờ đợi. Cuộc đấu tranh để giải phóng dân tộc còn vô cùng phức tạp, gian nan, có thể vẫn còn phải đổ máu.
Hôm nay chúng mình hành quân đi với một niềm vui lớn trong lòng.

29/01/73

Mấy bữa nay trời mưa quá, đường lầy lội thật khó đi.
Xuất phát từ trạm 3 lúc 6 giờ 30' đến 4 giờ 30' chiều thì tới trạm 4. Sau khi lội qua một con suối lớn thì dừng lại nghỉ trên một quả đồi nhỏ mới bị ném bom. Đây đó mùi khét của thuốc bom, mùi tanh của thịt người, mùi thối của cứt và các vật thể khác chết lâu ngày, tất cả quyện lại thành một mùi vị thật là kinh khủng. Mình cùng Cường mắc võng qua hai cây đổ bên cạnh một hố bom.

30/01/73

Trời vẫn mưa rả rích. Đường càng khó đi hơn. Nay đi qua ngôi mộ của 12 cô gái(12 đ/c nữ TNXP ở trong một hang đá bị bom Mỹ ném sập cuối tháng 12 vừa qua).
Tới trạm 5 là 3 giờ chiều. Trạm 5 ở trong một khu vực có nhiều nứa và vắt (vắt nhiều lắm).

31/01/73

Đây là biên giới Việt - Lào (cách Lào chừng độ 3 km) nhưng cũng đã có một số bản Lào Xủng ở rải rác dưới chân núi.
Từ đây (trạm 5) các đ/c cấp trưởng từ B trưởng đến Tiểu đoàn trưởng có lệnh trở lại.
Tối nay chi bộ họp để ổn định lại tổ chức và chia tay đ/c Ngữ (CVT và BT Chi bộ).
Chi ủy mới có 2 đ/c: Mai (Bí thư), Kim (Phó BT). Chi ủy cử mình phụ trách Đoàn thanh niên, trực tiếp làm Bí thư liên chi, Nông (Phó BT). Tình hình đơn vị gần đây có nhiều hiện tượng chấp hành quy định đường dây không nghiêm: chiến sỹ bắn súng loạn xạ, có anh đã bỏ mất cả lựu đạn. Tình trạng này không sớm khắc phục sẽ gây nên những chuyện rắc rối (đoàn Nam Hà vừa rồi, lính bắn chơi đã bắn chết 2 chiến sỹ cùng đơn vị đang leo núi hái rau rừng. Một cậu khác nghịch lựu đạn làm nổ chết 5 người và 6 bị thương). Chi bộ đã ra nghị quyết lãnh đạo vấn đề này.

... (còn nữa)

Kiều Vĩnh Lộc - (LSV g/th)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét