Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2016

Những ngày đầu làm lính (4/4)

NHỮNG NGÀY ĐẦU LÀM LÍNH (4)

Trích từ "Ký ức một thời hoa lửa"
của Lê Xuân Tường, CSV K14XD - CCB D60, F304B, QK.Việt Bắc
*********

... (tiếp theo và hết)

Ở 38 ngõ Nam Ngư là nhà anh Nguyễn Bảo Lâm K13X, anh ở c1/d1/e101/f325 và đã hy sinh ngày 16/9/1972 tại An Tiêm (xã Triệu Thành, Triệu Phong). Anh cũng như các anh em hy sinh tại đây sau khi được người dân phát hiện và được quy tập về NTLS nhưng không có tên trên bia mộ. Sau này Ninh Viết Lập - đồng đội và là bạn học cùng lớp - đã quay trở lại NTLS Triệu Thành, với cách cắm trứng như cách làm ở 1 số vùng đi tìm mộ bị mất, Lập đã xác định được ngôi mộ của anh Lâm. Sau đó gia đình đã đưa anh Lâm về nằm tại NTLS Tây Tựu, Hà Nội.

Qua 1 người em của anh Lâm lại là bạn của em trai anh Được, chúng tôi liên lạc được với anh Thực - em trai út của anh Được. Anh Thực cho biết khi ông cụ thân sinh mất trong số giấy tờ để lại không hề tìm thấy những giấy tờ chứng nhận liệt sĩ của anh Được...

Anh Được như tôi nói ở trên có người yêu tên là O. học cùng lớp. Trước khi đi B, O. đã lên thăm anh và họ đã dâng hiến cho nhau...O.mang trong mình giọt máu của anh Được, nhưng sau khi anh Được hy sinh một thời gian O.lấy chồng cũng là bộ đội. Khi O. mắc trọng bệnh, bạn bè học với nhau có đến thăm và biết O. có 2 con gái mà cháu lớn sinh năm 1973. O. không qua khỏi, sau khi sang cát cho O., người chồng đưa vợ và 2 đứa con về quê.



Sau khi biết câu chuyện này, chúng tôi giao cho H."phệ" là người học cùng O. (H. cũng ở c17 và học K14 hầm) phải tìm cách bắt liên lạc những bạn bè cũ để hỏi cho ra quê của người chồng của O. Biết đâu đấy đứa con gái lớn của O. lại là giọt máu của anh Được thì sao? Nếu đúng vậy thì đồng đội phải có trách nhiệm với cháu và nhất là phải trả lại thân phận cho cháu.

Gặp anh Thực, chúng tôi cũng kể lại câu chuyện trên cho Thực được biết. Anh Thực cho biết thời gian anh Được đi B và sau này O. có hay đến nhà. Sau đó rồi không thấy đến có thể đã đi lấy chồng...Còn chuyện kia thì cũng không biết....



Anh Thực là phó giám đốc nhà máy cơ khí Nam Hồng bên Đông Anh, công việc của một PGĐ kỹ thuật của nhà máy cũng rất bận cho mãi tới đầu tháng 8/2006 anh mới thu xếp cùng chúng tôi vào Quảng Trị. Chuyến đi này chúng tôi không hy vọng tìm được thông tin vể mộ anh Được nhưng việc đưa em trai anh Được trở lại khu vực anh đã hy sinh biết đâu đấy lại có những thông tin mới về anh qua con đường tâm linh.



Đoàn chúng tôi gồm có anh Thực, Lê Cường, Hùng côn và tôi đi tầu đêm vào Đông Hà. Đến nhà khách của Thành cổ mấy anh em ở Quảng Trị như Khư, Bình K8 đã đợi sẵn ở đấy và cả Chiến đang làm công trình ở Đà Nẵng cũng đã ra để cùng đi. Chúng tôi đi bằng xe máy dọc sông qua Tích Tường đến Như Lệ, đây chính là dải đất hẹp nằm bờ Nam Thạch Hãn nơi những trận huyết chiến không kém phần ác liệt của e95 sau khi rút khỏi Thành cổ. Cường dẫn chúng tôi lần theo bờ sông nơi có con lạch đối diện với bến Thượng Phước mà c17 phải đưa xuồng cao-su qua sông, rồi đến chân đồi Chè.



Tại đây sau giải phóng địa phương đã quy tập được rất nhiều anh em mình đã hy sinh đưa vào NTLS Hải Phú, khả năng anh Được nằm trong số đó. Chúng tôi cũng hỏi thông tin về những anh em mình hy sinh mà địch đã gom lại để chôn nhưng không một ai biết chuyện này, có thể thời gian đã quá lâu...Ở c17 với nhau nhưng anh Được lại ở b chiến đấu với nhiệm vụ đi phóng bom, cài mìn, còn Cường lại ở b bảo đảm chuyên chở xuồng qua lại sông, nên cụ thể nơi anh Được hy sinh chỗ nào cũng không rõ. Nhưng chắc chắc chắn không thể ở sâu được vì quân ta chỉ bám trụ ven bờ sông mà thôi.



Sau một ngày kiếm tìm tại Tích Tường-Như Lệ không có kết quả, chúng tôi về thị xã để nghỉ ngơi để hôm sau vào NTLS Hải Phú. Đây là 1 NTLS cấp xã nhưng có tới hơn 3000 mộ LS, hầu hết là chưa biết tên, của đủ các đơn vị tham chiến tại Quảng Trị. Tại đây Cường tìm thấy mộ của Chuyên, người bị thương nặng cùng chiếc xuồng cao-su với Huỳnh nhưng ra tới viện thì hy sinh. Sau đó 1 tháng chúng tôi có đưa gia đình vào để đưa Chuyên về quê. Hôm ấy lại đúng vào ngày 16/9 - ngày mất Thành cổ.



Tại NTLS huyện Hải Lăng, chúng tôi gặp vợ chồng ông bà quản trang. Ông vốn là cán bộ phòng Nông nghiệp và PTNT của huyện khi về hưu đã xin ra làm quản trang. Tại đây anh Thực cắm trứng ở đài chính thì trứng đậu, niềm hy vọng nhen nhóm trong mấy anh em chúng tôi, nhưng khi cắm trứng ở 1 số mộ khác lại cũng đậu. Không hiểu ra sao, ông quản trang khẳng định mấy ngôi mộ đó quy tập từ xã Hải Trường về chứ không phải từ Hải Lệ.



Việc đi tìm anh Được không thành công nhưng chúng tôi xác định đây mới là lần đầu và anh Thực đã được chúng tôi đưa đi thăm rất nhiều NTLS từ Hải Phú vào Hải Lăng, về Hải Thượng xuống Triệu Phong, ra Cửa Việt đến Ái Tử...biết đến một vùng đất thẫm đẫm máu xương của biết bao chiến sĩ trong đó có anh trai mình.



Sau chuyến đi đó anh Thực có hẹn chúng tôi đến năm tới sẽ lại đi tiếp, nhưng không ngờ rằng đây chính là lần duy nhất và cũng là lần cuối cùng anh Thực đi với chúng tôi. Một tai nạn khủng khiếp đã xẩy ra ngay cổng nhà máy cơ khí Nam Hồng - nơi anh công tác - khi một chiếc xe chở phôi thép đâm vào anh. Mọi dự định của anh đành phải dừng lại. Thật là đau xót quá anh Thực ơi.

Đấy, câu chuyện về những ngày đầu làm lính với những người anh là như thế đấy. Các anh mỗi người một vẻ, dù chỉ ở bên nhau với quãng thời gian rất ngắn nhưng những việc làm, suy nghĩ, hành động của các anh đã ít nhiều ảnh hưởng đến suy nghĩ và cách hành xử của tôi. Tôi cho rằng có được ngày hôm nay là vì có ngày hôm qua mà ở đó chúng tôi đã sống, chiến đấu và trưởng thành bên nhau với tình người bất diệt.

Hà Nội tháng 11/2010
LÊ XUÂN TƯỜNG (Trích từ "Ký ức một thời hoa lửa")
Một số hình ảnh họp mặt của CCB D60, F304B, QKVB

LSV giới thiệu



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét