Thứ Ba, 2 tháng 8, 2016

Nhật ký quân ngũ (9)

NHẬT KÝ QUÂN NGŨ (9)

Kiều Vĩnh Lộc, CCB C2, D74, F304B, QKVB - CCB D3, E4, F5, QK7

*******

alt

Xem: >>(1)>>(2)>>(3)>>(4); >>(5); >>(6); >>(7); >>(8)>>(9)>>(10); >>(11); >>(12); >>(13); >>(14); >>(15)>>(16); >>(17)

***********

... (tiếp theo)

16/02/73

Nghỉ định kỳ tại trạm 36.
Sáng nay đi lấy thêm 7 ngày gạo nữa (nhưng ác nỗi gạo thì mục cả mà không được thêm một hột muối nào nữa!).
Chiều sinh hoạt đại đội. Tối họp chi bộ, có đ/c Đại đội trưởng mới được bổ sung trong binh trạm này (tiểu đoàn được tăng cường thêm một DV và DT).
Gần đây có một bản dân Lào. Họ đem rau, rượu và gạo nếp ra đổi. Mình đổi cái quần lót mới được một quả bí nhỏ (thèm rau xanh quá trời, đã một tháng nay toàn ăn ruốc không, rất xót ruột).

17/02/73

Đến trạm 40 lúc 13 giờ (thực ra phải đi quá trạm 40 hơn một tiếng, vì tình hình địch căng thẳng nên không vào bãi chính của trạm được).
Trên chặng đường đi hôm nay có qua một con suối lớn và vượt sông Xê-lông-non. Ôi! Khúc sông này mới tuyệt làm sao! Nước trong xanh, trôi nhè nhẹ, chỗ vượt qua là một lèn đá lớn chắn ngang sông. Cái lèn đá có từ bao giờ và con sông Xê-lông-non này có từ bao giờ không ai biết, mà chỉ thấy nước chảy đá mòn. Dòng nước đã khắc lèn đá này thành những mô hình kỳ diệu. Đây những lỗ xoáy hình trôn ốc rộng đủ một người chui qua. Kia con chim, con nhím, con hươu với dáng đứng tìm bạn. Và đây nữa, đôi tình nhân đang ôm ấp bên bờ, ngắm dòng nước xanh trôi nhè nhẹ. Nước từ trên nguồn chảy về chui qua những hang động dưới lèn đá, lách qua những kẽ đá và tung bọt trắng xóa ở phía bên kia. Giữa lèn đá có một vực sâu. Bên bờ vực có hình dáng một nàng thiếu phụ đứng chải tóc, một chàng trai đang câu cá, hai con ếch đang tình tự... Và biết bao nhiêu nữa cái đáng nhìn, đáng ngắm rất nên thơ.
Chỗ ở hôm nay rất hiếm nước. Cả nước ăn và rửa chỉ có một vũng nước tù đen xịt. Gần đây có một bản lớn dân Vân Kiều từ Quảng Trị chạy nạn chất độc hóa học sang hồi đầu năm 1967. Họ nói chuyện và sinh hoạt khá hơn dân Lào Xủng.

18/02/73

Đã hai chục ngày rồi gối đất, nằm sương, vượt rừng, leo núi, ăn uống thiếu thốn, đêm ít ngủ (tính ra mỗi đêm chỉ ngủ được chừng 3-4 tiếng, có khi còn kém hơn). Sức khỏe giảm sút trầm trọng.
Tới trạm 41 từ 12 giờ. Mắc võng nằm nghỉ tới 4 giờ chiều mà người chưa hết mỏi. Tính ra còn hơn 70 ngày đi trên rừng núi nữa. Eo ôi!
Mỗi ngày, mỗi giờ sống ở đây, mỗi khi leo núi, vượt rừng, lội suối mà không xác định trách nhiệm, không củng cố tinh thần, ý chí, quyết tâm thì thật khó mà có thể leo lên được.
Hiển em thương yêu!
Nhớ em và hai con vô cùng. Ở chốn rừng xanh này đàn muỗi rừng không thể kéo anh về với thần chết. Dốc cao rừng rậm không thể làm cản bước anh đi. Anh sẽ đến miền Nam(nơi chiến trường đang chờ đợi). Từ đó anh sẽ báo về cho em những tin vui mới.

19/02/73

Đây là trạm 42. Thế là bọn mình đã sang địa phận tỉnh Sa-ra-van 3 ngày đường rồi. Ở đây gần hai cao điểm của địch (cao điểm Pua-linh-lin cách trạm 4 km hiện đang có 1 tiểu đoàn quân Phu-ma và tiểu đoàn đã bố trí phương án tác chiến). Sáng nay gửi thư về cho Hiển.

20/02/73

Xuất phát từ T.42 lúc 4 giờ sáng. Dạo này là tuần trăng cuối tháng nên đi đêm cũng đỡ vất vả. Đến T.43a vừa đúng 4 giờ chiều. Ở đây khốn khổ nhất là nước. Phải đi hơn một tiếng mới khiêng được nước về ăn.
Gần đây có nhiều bản dân Lào. Dân ở Sa-ra-van giác ngộ hơn ở Sa-van-na-khet.

alt

22/02/73

Đến T.43b từ 2 giờ chiều qua.
Nay được nghỉ một ngày (được cấp thêm gạo và muối, nhưng gạo thì mục quá!).
Sáng dậy sớm đi tắm giặt.
8 giờ về họp quân chính ở tiểu đoàn. Được nghe tin thời sự mới. Lào đã ký Hiệp định đình chiến, Quốc hội khóa 4 họp kỳ III. Kế hoạch xây dựng lại Thủ đô, vấn đề trao đổi tù binh... Thật như nuốt lấy từng lời. Ở đây ngoài tin do tiểu đoàn phổ biến ra không còn biết gì hơn nữa.
Tình hình có nhiều sáng sủa. Đất nước thay đổi từng ngày. Mình mong làm sao cho đi nhanh hết dãy Trường Sơn này để đến miền Nam. Để về miền Bắc. Sao lòng mình xao xuyến quá. Nghĩ về quá khứ, nghĩ đến tương lai, đến vợ con, tiền đồ, nhiệm vụ,... Bao suy nghĩ dày vò quá lắm, càng vào trong càng gặp nhiều thương binh ở trong ra, thấy họ mà thương quá. Phần lớn là bị thương tật (mất mắt, mất tay, sọ não...) người thì bị sốt rét hoành hành thật thảm hại. Họ nói sốt rét là nghĩa vụ của quân giải phóng. Mình lo không biết có chịu đựng nổi không. Người dạo này yếu lắm rồi. Ăn uống quá thiếu thốn. Đêm nằm hầm không ngủ được.
Không hiểu rồi sẽ ra sao đây!

24/02/73

Hôm qua đi suốt 14 tiếng đồng hồ. Từ T.43b lúc 4 giờ sáng đến trạm 44 không được nghỉ lại vì bãi khách mới bị ném bom. Cấp trên quyết định vượt trạm, đi liền đến 6 giờ chiều thì dừng lại trú quân bên một con suối lớn.
Trời hôm nay nắng quá, quân lính rã rời cả, cơm nắm ăn bữa chiều đều bị thiu hết, nước trong bi-đông không còn một giọt, bọn chúng lao đi tìm cây chuối rừng ăn cho đỡ khát(có păng-tô-xit nhưng không có nước nên cũng đành chịu). Suốt đêm qua không ngủ được. Đầu choáng váng, người đau ê ẩm, đang lo bị thần kinh tọa. Chân trái mấy bữa nay cứ đau nhức từ hông xuống.
Sáng nay hành quân đi tiếp từ 7 giờ đến trạm 51 lúc 11 giờ.
Càng vào trong này càng cảm thấy nhiều đường tuyến. Những con đường rộng 8 thước nằm ngay trên đỉnh Trường Sơn. Ngoài ra còn những đường ống dẫn dầu nữa. Những đường ống này bắt nguồn từ miền Bắc XHCN sang Tây Lào rồi dọc theo dải Trường Sơn(khi nằm dưới suối, khi tận đỉnh đèo) để tỏa ra khắp chiến trường Đông Dương. Thật là vĩ đại!

25/02/73

Đoạn đường từ T.51 đến T.52 không xa và đường cũng dễ đi. Đến T.52 mới 10 giờ. Chiều nay mình cho tiểu đội sinh hoạt văn nghệ nhẹ. Cậu Tân (ở A5 chuyển sang A4 từ trạm 36) cũng hoạt động rất tốt. Không có gì vui sướng hơn là được sống trong một tập thể đoàn kết, có tình đồng đội thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, thằng Cường nó còn nhỏ tuổi mà thật là khá.

26/02/73

Dốc núi 1.200 bậc ám ảnh bọn mình từ lâu nay đã đến. Ngắm mỏm núi cao trước mặt mà bàng hoàng kinh khủng. Từ xa nhìn không rõ đỉnh núi vì mây mù che khuất (ở Lào vào mùa khô này chỉ những đỉnh núi thật cao mới có sương mù). Đến chân núi nghỉ 30' rồi bắt đầu leo. Lúc thì bám đá mà leo, khi thì ôm rễ cây mà kéo, ... càng lên càng thấy cao, nhiều đoạn dốc dựng đứng. Khi leo lên nếu không bám chặt thì cái ba-lô nặng sau lưng sẽ kéo anh lộn cổ ngay xuống chứ không thương tiếc gì. Anh nào anh ấy mồ hôi đầm đìa, càng lên cao đầu càng váng. Thế mà phải xô nhau mà leo, vì nếu không leo nhanh, đeo ba-lô nặng đứng ở độ dốc này thì tai họa sẽ đến với anh ngay.
Rồi mà ta cũng lên tới đỉnh núi (hết 3 giờ 20').
Từ đỉnh núi cao này, tầm mắt phóng xa tới tận chân trời. Nếu ở độ cao này trên đất nước mình ắt sẽ được ngắm cảnh biển Đông đang cuộn sóng, ngắm những cánh đồng bát ngát màu xanh, những dòng sông, những phố phường, làng xóm,... Còn ở đây chỉ có núi rừng trùng điệp. Đất Ai-lao này có đến 80% diện tích là rừng núi.
Hôm nay đi cùng một đoàn dân chính, họ là CBCNV các ngành nội thương, tài chính, y tế,... vào Nam công tác. Họ đi thoải mái, chế độ đầy đủ. Nghĩ lại trước đây mình cũng như họ, cũng là CBCNV nhà nước. Bây giờ cũng vào Nam làm nhiệm vụ thế mà họ thế, mà mình thì vất vả, thiếu thốn đủ thứ.
Nghe nói tình hình miền Nam mà lòng phấn chấn. Mình hiểu đi làm cách mạng đâu phải là để đòi hỏi hưởng thụ, để mà so tính thiệt hơn (trước đây cha mình đi hoạt động còn thiếu thốn hơn nhiều). Bây giờ tuy đôi lúc nghĩ thế đấy (bởi vì thực tế mà) nhưng mà có phải vì nghĩ thế mà mình thoái thác nhiệm vụ đâu.

27/02/73

Hôm nay đi 5 tiếng, đến trạm 55 lúc 12 giờ. Chỗ ở hôm nay tạm được, gần suối, sẵn củi. Ngày mai được nghỉ. Gạo hết rồi mà chưa có lệnh đi lấy. Chiều nay đơn vị đã phải ăn cháo. Tắm giặt rồi cùng Phối, Kim sang chơi bên chỗ Nông ở B8.

28/02/73

Tình hình gạo vẫn chưa có gì sáng sủa, ngày thứ hai đã phải ăn cháo. Đây là trạm tiếp giáp giữa hai binh trạm nên gạo thường xuyên bị kẹt. Nghe nói năm ngoái cũng vào dịp này 15 đoàn phải nằm lại 7 ngày chờ gạo, mỗi ngày chỉ được 1 lạng nấu cháo. Sáng nay sinh hoạt tiểu đội và trung đội. Chiều sinh hoạt tiểu đoàn. Tiểu đội 4 của mình được tuyên dương trước tiểu đoàn về việc hoàn thành tốt nhiệm vụ hành quân trong 1 tháng qua.

01/03/73

Chiều nay đã có lệnh đi lấy gạo. 10 tấn gạo mới chuyển về cấp cho 8.000 quân. Chờ đợi ở đây cũng chẳng được là bao.
Tối nay hội ý các tổ trưởng rút kinh nghiệm thời gian qua và phổ biến kế hoạch hành quân ngày mai.

02/03/73

Binh trạm này có 6 cung - 5 trạm (55, 56, 60, 61, 62, 63). Đ/c Nghệ, Đại trưởng mới của binh trạm này thay thế đ/c CT của binh trạm trước. Đi từ 5 giờ 30' đến T.56 lúc 11 giờ. Nay được trạm cho một ít rau củ cải. Trên phổ biến đoạn đường mai phải đi đến T.60 khoảng 5 tiếng.

03/03/73

Đây là tỉnh thứ tư của Lào mà chúng mình hành quân qua (tỉnh Tà-fẹc-noọc).
Sáng nay đi qua cao điểm Tào-oọc (đó là một đỉnh núi đá cao, dài. Đầu núi phía Đông là một khối đá khổng lồ đứng cao sừng sững. Trên điểm cao đó một lá cờ của mặt trận Lào yêu nước tung bay phần phật. Đây thuộc vùng Pha-thét Lào kiểm soát, mốc tính từ ngày ký Hiệp định Viên-chăn 1973).
Hành quân đi theo hướng Đông-Nam. Cách đây 30 km về phía tay trái là đất nước Việt Nam mình (đoạn này ngang với tỉnh Quảng Nam). Đến T.60 này lúc 10g30'. Bãi khách hôm nay trống trải quá, không có chỗ mắc võng nghỉ trưa.
Càng vào sâu theo hướng Đông-Nam này khí hậu càng nóng. Bây giờ mới là cuối tháng Giêng (nay là 29 thì phải). Vậy mà trời nắng rát như tháng 5, tháng 6 bên mình. Người lúc nào cũng đầm đìa mồ hội. Mặt trời đã rang khô đất, đốt cháy không khí làm cho cơ thể con người luôn ngột ngạt.
Tình hình địch ở đây cũng căng lắm (chủ yếu là địch ở dưới đất). Từ tên trạm trưởng đến địa điểm các bãi khách chúng đều biết cả. Không chú ý để dấu vết có quân đóng là được ăn bom ngay. Mà ở đây toàn đá nên không thể đào hầm được. Ngày mai vượt sông Nậm Bạc bằng thuyền, đi từ 2g30' sáng. Cậu Hà lại bị sốt rét, đang lên cơn. Phải tổ chức mang vác cho nó. Tội cho nó quá, nếu bị ác tính thì không biết mệnh hệ nào.

04/03/73

Sông Nậm Bạc có hình dáng như sông Cầu bên mình. Có đoạn lòng sông co lại, nước dồn qua các lèn đá đổ xuống ầm ầm. Đoạn thì lòng sông rộng, mặt sông phẳng, nước êm trôi nhè nhẹ, hai bên bờ có những cồn cát nhỏ. Qua sông lúc 3 giờ sáng bằng ba thuyền lớn do trạm giao liên chở. Bên này bờ sông là khu rừng cây săng-lẻ và le. Suốt dọc khu rừng này (chừng 11 km) mới bị đốt cháy. Dọc hai bên đường còn những cây khô đang cháy dở. Hơn 3 tiếng đồng hồ đi dọc theo khu rừng cháy này người như muốn chết ngạt.
Chỗ trú quân hôm nay cũng ở trên một khu rừng tre mới bị đốt cháy. Dưới đất còn đầy than, tro của lá, cây rừng. Mắc võng qua hai thân cây cháy dở nằm mà không tài nào ngủ được. Nóng rực người. Mặt trời đốt nóng bỏng chiếc vỏ chăn phủ ở trên.
Cơn sốt của cậu Hà đã giảm từ chập tối. Sáng nay dìu đi được (mình lo nó không đi được mà phải cáng trong đêm thì gay go lắm). Chiều nay cậu ta đã ăn được cơm. Mai tin rằng nó đi tốt.

... (còn nữa)

Kiều Vĩnh Lộc - (LSV g/th)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét