Thứ Tư, 29 tháng 6, 2016

Những ngày đầu làm lính (3/4)

NHỮNG NGÀY ĐẦU LÀM LÍNH (3)

Trích từ "Ký ức một thời hoa lửa"
của Lê Xuân Tường, CSV K14XD - CCB D60, F304B, QK.Việt Bắc
*********

... (tiếp theo)

Anh Ba (giáo viên khoa thông gió) có lẽ là người lớn tuổi nhất trong số các anh cùng nhập ngũ với chúng tôi. Năm ấy anh đã 32 tuổi tức là ở cái giới hạn của tuổi nhập ngũ. Anh đã có gia đình với 2 cháu nhỏ. Nghe anh em các khóa trước là học sinh của anh nói về căn bệnh thấp khớp kinh niên của anh, mỗi khi bước vào mùa đông là đầu gối anh sưng tấy lên và chỉ có ngồi 1 chỗ. Thế mà không hiểu sao khi ở huấn luyện cứ quần quật suốt ngày hết lăn lê bò toài lại hành quân rèn, ngày chủ nhật là đi lấy củi, lấy gạo, đi xin tre... Nhiều lúc chúng tôi còn
thấy mệt mỏi đau nhừ cả người nhưng anh vẫn cố gắng rất nhiều. Tôi thường hỏi han anh có đau chân không để báo cho đơn vị nhưng anh trả lời: "Tớ vẫn chịu được, chân không hề sưng". Quả thực cũng không hiểu nữa, có lẽ cường độ lao động như vậy lại là 1 sự rèn luyện để xua đi mọi bệnh tật. Những buổi chiều khi chúng tôi ra dệ đồi hóng mát và hát hò thì anh ở trong nhà viết lách thư từ gì đó cho vợ con. Những người đã có gia đình bao giờ cũng thế, họ luôn để một khoảng lặng cho những người thân yêu của mình mà những thằng trẻ trai như tôi chưa thể hiểu được. Chục năm sau khi làm chuyên gia giáo dục tại Kampuchia tôi mới thấm thía sự xa cách vợ con nhất là khi chia tay đứa con đầu lòng mới có mấy ngày tuổi để khi trở về cháu đã hơn 2 tuổi miệng bi bô gọi: "Bố ơi!" nhưng dứt khoát không theo ...

Khi chúng tôi lên đường đi B, anh Ba nằm trong số anh em được về BTL thông tin. Sau này được biết anh về e134 thông tin đóng ở khu vực Láng. Một số anh em khác sau khi huấn luyện xong thông tin đã được tăng cường cho QK5 và Trung ương Cục tại B2.

Còn 2 anh Oanh và Được ở cùng tôi cho tới khi đến Bãi Hà mới chia tay nhau. Anh Oanh quê ở Phủ Lý xã Châu Khê hay Châu Sơn gì đó đã lâu nên cũng bị lãng quên. Anh học K12C, người đen, nhỏ thó, ít nói nhưng lại hay tâm sự chuyện riêng tư với tôi. Người yêu anh cùng làng đang học trung cấp bưu điện tên là Tuyến. Hai anh chị dự định đến cuối năm sẽ tổ chức, nhưng mọi việc đã phải gác lại. Cùng 1 tổ 3 người, đi đâu tôi và anh cũng đi với nhau suốt cả lúc huấn luyện cho tới khi hành quân vào Nam. Anh Oanh là người rất chịu khó và khéo tay nên những lúc phải làm những dụng cụ như đẽo lựu đạn, làm học cụ để huấn luyện...hay lúc bó củi rồi xâu vào đòn để gánh về đều có bàn tay anh giúp tôi. Tôi là 1 thằng rất vụng về, ăn no vác nặng nên rất lúng túng khi phải làm những gì đòi hỏi phải khéo léo may mà có anh. Khi ở nhà tuy là dân thành phố nhưng cả ngõ Tức Mạc của tôi đều phải dùng nước máy công cộng vì hồi ấy rất hiếm nhà có vòi nước riêng, chính vì thế ngay từ khi học lớp 5 tôi đã phải gánh nước về để nhà dùng. Những năm chiến tranh đi sơ tán ở nông thôn tôi cũng phải gánh nước cho cả nhà nên chuyện gánh nặng với tôi không là gì. Tôi gánh được cả 2 vai và giở vai rất điệu nghệ mà không phải trai thành phố nào cũng làm được. Sau này khi đi gặt giúp dân ở QT tôi chỉ nhận chân gánh lúa từ đồng về làng vì tập mãi mà không biết bó lúa hay đập lúa không biết hất sau khi đập xong. Các bạn thấy thế nào, cái thằng như tôi như thế đấy.

Chặng hành quân vào Nam, tôi sợ nhất là đến phiên thổi cơm vì biết mình vụng về, may mà có anh Oanh và Tú cùng tổ. Tôi bao giờ cũng làm chân đi lấy nước và dọn dẹp. Tú thổi cơm khéo lắm, chưa bao giờ bị cơm sống hay khê ngay cả khi trời mưa.

Tôi và anh Oanh chia tay nhau ở Bãi Hà, anh về d17 công binh của sư đoàn. Có lần anh về cánh đông công tác có tìm đến tôi nhưng lần ấy tôi đang ở miền Tây khai thác gỗ.

Năm 1977 khi tôi đi thực tập ở Thanh Liêm, Hà Nam tôi đã lần tìm đến làng anh. Cái làng ấy nằm ven dòng sông Đáy, quãng này dòng sông tương đối rộng, nước trong xanh với những rặng tre hai bên bờ rất đẹp. Không may cho tôi hôm ấy nhà anh không có ai ở nhà. Hỏi thăm hàng xóm thì biết vợ chồng anh đang làm việc ở Hải Phòng. Bạn bè có dịp ra HP cũng kể cho tôi anh công tác ở Sở XD Hải Phòng.

***
Anh Được hơn tôi 5 tuổi, anh thuộc lứa thanh niên Hà Nội tham gia phong trào "3 sẵn sàng" năm 1965. Anh đã cùng nhiều thanh niên HN ngày ấy lên Tây Bắc để xây dựng kinh tế theo tiếng gọi của Tổ quốc đi bất cứ nơi đâu khi Tổ Quốc cần. Sau 3 năm công tác tại các lâm trường Tây Bắc anh được cử về đi học tại ĐHXD khoa cầu đường K13.

Anh với tôi gắn bó với nhau khi anh làm a phó huấn luyện của tôi. Nếu như thoạt đầu ai nhìn thấy anh đều cho rằng đây là 1 công tử thị thành với nước da trắng, cái răng khểnh rất có duyên, nói năng nhỏ nhẹ đầy tính thuyết phục thì ngược lại anh lại là 1 con người đầy nghị lực đã được tôi rèn trong những năm công tác trên miền Tây. Ngày ấy Tây Bắc là những gì gian khổ với rừng thiêng nước độc, bản làng heo hút đi bộ hàng ngày đường mới có thôn bản, từ Hà Nội đi ô-tô hàng lên trên đó mất mấy ngày đường với những "con đường đau khổ" cheo leo một bên vách núi dựng đứng một bên là "vực sâu thăm thẳm" . Ấy thế, ngày ấy đã có một lứa trai thanh, nữ tú Hà Nội đã có mặt ở miền Tây xa xôi và làm nên biết bao điều kỳ tích. Anh Được là trong số những con người ấy.

Nhập ngũ được hôm trước, hôm sau trong buổi sinh hoạt đầu tiên để tự giới thiệu về nhau thì tôi với anh nhà lại rất gần nhau: anh ở 23 ngõ Nam Ngư còn tôi ở ngõ Tức Mạc (ngày ấy ở cùng một tiểu khu Hàng Cỏ, thuộc khu Hoàn Kiếm bây giờ gọi là phường Cửa Nam thuộc quận Hoàn Kiếm) cách nhau chừng 200 mét. Nhà anh ngay cạnh nhà ông cậu tôi ở nhà 25. Ông cậu tôi là Hồ Hải Thụy hồi ấy là giảng viên khoa ngữ văn ĐHTH.

Hai anh em tôi khi huấn luyện có 2 cái giống nhau là không biết bơi và ném lựu đạn không bao giờ đạt được vạch 20 mét. Trưa nào tôi cũng bị anh bắt ra sau nhà để tập ném lựu đạn, còn buổi chiều thì xuống hồ tập bơi. Khi kiểm tra ném lựu đạn thật cả 2 anh em giống nhau ở chỗ điểm rơi của lựu đạn dưới vạch mốc nhưng lại lăn lên đúng vạch thì nổ - thế là đạt yêu cầu. Chúng tôi bảo nhau còn hơn mấy thằng ở b khác không ném mà lăng ngang rơi vào BCH khiến các vị chỉ huy phải lao ra ngoài, may không ai bị sao. Mấy cậu đó may là thuộc thành phần cơ bản nếu như chúng tôi thì có lẽ sẽ mệt đấy, biết đâu mang cái tiếng ám sát cán bộ vì mình thuộc diện "tạch tè sè" mà !

Mẹ anh Được mất sớm, ông bố ở vậy nuôi 3 người con. Người anh cả công tác ở xa, còn cậu em còn đang đi học. Chính hoàn cảnh đó lại từng trải trong quá trình công tác ở Tây Bắc nên đã rèn cho anh bản lĩnh đầy tự tin. Tôi thường tâm sự với anh về người mẹ của mình và nhất là kể lại cho anh những món ăn mà khi ở nhà mẹ thường hay làm. Anh nói với tôi: "Tới ngày trở về hai anh em sẽ đi bộ khắp các phố phường Hà Nội để bõ những ngày xa cách và thế nào anh cũng sẽ qua nhà em nói với bác gái cho anh được ăn món ốc nhồi hấp lá gừng, anh chưa bao giờ được ăn món này...". (Tôi viết đến đây từ đáy lòng lại trào lên cảm xúc về một người đồng đội, về một người anh đã mãi mãi đi xa).

Anh chưa bao giờ tâm sự với tôi về người bạn gái học cùng lớp nhưng tôi biết qua những anh em học cùng lớp với anh. Người bạn gái này tên là O., khi chuẩn bị đi B hình như O. có lên thăm anh, tôi chỉ biết loáng thoáng như vậy.

Đơn vị đi B, anh Được làm a trưởng, anh Oanh làm a phó. A trưởng khung là Sơn ở lại tiếp tục huấn luyện đợt quân mới. B trưởng Viên lên c phó, Trình ba toác từ d69 về làm b trưởng, Sĩ a trưởng a 2 lên làm b phó của b tôi. Những cán bộ khung này sẽ đưa chúng tôi vào Nam.

Chúng tôi đi B vào một ngày cuối tháng 7/1972 (có lẽ là ngày 27/7 thì phải). Chặng đường hành quân đi B tôi sẽ nói đến trong phần đầu của "Ngược dòng ký ức". Anh Được, anh Oanh chia tay tôi ở Bãi Hà. Anh Oanh về d17 công binh của f325, anh Được cùng 9 người nữa về c17 công binh/e95/f325. Chúng tôi về e101/f325 ở cánh Đông Quảng Trị.

Anh Được hy sinh ngày 18/1/1973 chỉ trước khi HĐ Paris có hiệu lực có 10 ngày. Lê Cường và anh em c17 có kể lại hôm đó anh Được cùng 3 người khác (2 bộ binh, 1 trinh sát) sang đồi Chè bên Tích Tường để tìm vị trí phóng bom thì bị lộ, cả 4 người hy sinh. Sau khi ký HĐ hai bên có tiếp xúc với nhau và lính địch cho biết có 4 xác quân ta để lại trong đó có 1 người trắng trẻo và có răng khểnh - đó là anh Được (*). Sau khi vết thương bình phục, tôi trở lại đơn vị và nhận được tin anh hy sinh qua thư của bố tôi. Mãi đến khi trở về trường học gặp lại anh em bên c17/e95 mới biết đầy đủ tình tiết những anh em hy sinh bên đó. Nhóm SV ĐHXD có 10 người về c17/e95 thì 3 hy sinh đó là anh Được, Huỳnh và Sản ở K14X. K13C về đấy có 3 là Được, Huỳnh và Lê Cường thì chỉ còn Cường trở về. 40 SV ĐHXD về e95 chia cho 4 đại đội trực thuộc là c17 công binh, c18 thông tin, c20 trinh sát và c25 vận tải, mỗi đại đội 10 người.

Sản hy sinh khi vượt sông sang bên bờ Tích Tường - Như Lệ. Cách đây mấy năm chúng tôi tìm thấy mộ của Sản ở NTLS Hải Phú và gia đình đã đưa Sản về Quế Võ, Bắc Ninh.

Khi phường Cửa Nam khánh thành bia tưởng niệm các LS của phường tại chùa Chân Tiên (phố Lê Duẩn), bố tôi lúc đó là chủ tịch mặt trận tổ quốc phường Cửa Nam không thấy tên anh Được nằm trong danh sách các LS đã bảo tôi: "Con và các bạn đi tìm gia đình anh Được giờ ở đâu để hỏi xem nơi ở mới người ta có đưa tên anh vào bia LS không?". Còn mẹ tôi trong lòng bà vẫn là hình ảnh anh Được và Cao Minh Sơn vào cái ngày chúng tôi đi B, bà chỉ dặn tôi mỗi lần đi Quảng Trị: "Nhớ tìm anh Được và thằng bé xinh trai ở Hải Phòng về".

********************

(*) Dịp 27/7/2012 anh em chúng tôi tổ chức trở về QT, tình cờ chúng tôi gặp Bùi Xuân Thái, nguyên SV ĐH Mỏ - Địa chất và là cùng đại đội với anh Được và Lê Cường, hiện đang sinh sống tại Biên Hòa. Chính Thái là người được mấy người lính VNCH chỉ cho xác anh Được và 1 người nữa ngay ngày đầu tiên ngừng bắn 28/1/1973. Vị trí nơi anh Được nằm cách đường ven sông chừng 7 chục mét. Vị trí này từ năm 2006 chúng tôi đã qua lại nhiều lần. Khả năng sau này nhân dân phát hiện ra hài cốt nên đã quy tập vào NTLS vì chắc chắn xác không chôn mà chỉ vùi bên bờ vườn sắn.

Ảnh 1: Bùi Xuân Thái mặc áo trứng (chắc là áo trắng!LSV) đứng hàng đầu.

Ảnh 2: Di ảnh của anh Được trong đợt tìm kiếm đầu tháng 8/2006. Vị trí này cách chỗ anh Được hy sinh có vài chục mét.

Ảnh 3: Đây là nơi xuồng cao su của c17/e95 cập bến tại khe Như Lệ, giờ là 1 vườn táu rất đẹp nằm sát đường ven sông Thạch Hãn, từ chỗ này tới chỗ anh Được nằm chừng 100 mét.
... (còn nữa)
LSV giới thiệu


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét