Thứ Hai, 27 tháng 6, 2016

Những ngày đầu làm lính (2/4)

NHỮNG NGÀY ĐẦU LÀM LÍNH (2)

Trích từ "Ký ức một thời hoa lửa"
của Lê Xuân Tường, CSV K14XD - CCB D60, F304B, QK.Việt Bắc
*********

... (tiếp theo)

Sáng hôm sau cả đơn vị bắt tay vào đào giao thông hào phòng khi bị ném bom, 1 số được cử làm sạp ngủ. Tôi và một số người được cử đi đào công sự. Đất đồi rắn đanh chỉ có xẻng con bộ binh nên việc đào hào rất vất vả. Chưa bao giờ phải như thế này, hai bàn tay phỏng rộp tứa máu. Những anh em xuất phát từ nhà nông với công việc này không quá khó khăn với họ, còn những người như tôi quả là vượt quá khả năng của mình. Hết cán bộ c rồi b nhìn chúng tôi chỉ biết lắc đầu...
3 ngày thì đoạn hào nông choèn đến đầu gối rồi cũng xong nếu như không có sự trợ giúp của anh em khác. Sạp ngủ cũng xong, rồi được phát tiếp quân trang: mũ cối TQ, ba-lô TQ (chính là cái ba-lô hiện nay tôi còn giữ), 1 bộ quần áo bằng vải Hung nặng chịch, hai người 1 cái chiếu.

Đầu tiên tôi nằm cạnh Khoa râu, người nó lông lá phát khiếp, khi ngủ lông chân nó cọ xát vào người tôi không thể chịu được. Đùn đẩy mãi tôi được nằm chung màn với anh Tuệ. Vì sạp không đủ cho mỗi người 1 chiếu nên phải ngủ ghép. Cạnh tôi là anh Được nằm chung màn với thằng Khoa râu.

Đơn vị đóng quân ngay bên một hồ nước, chiều nào lính tráng cũng thì thụp tắm giặt ở hồ nước này. Doanh trại cách mấy xóm nhà dân chừng 3-400 mét. Buổi trưa hay sau giờ sinh hoạt buổi tối chúng tôi thường trốn trại vào trong dân làm điếu thuốc hay ấm trà.

Lần trở lại sau này như đã nói ở trên, xe chúng tôi phải đỗ ở vạt đồi bạch đàn ngày xưa nơi tập bắn súng và làm bếp Hoàng Cầm vì không đi tiếp được. Chúng tôi dừng chân đầu xóm bên hồ. Cái hồ ngày xưa trong mắt chúng tôi hồi ấy trông khá lớn giờ hình như nhỏ lại và được trồng rất nhiều sen. Mấy cụ già thấy chúng tôi chỉ chỉ trỏ trỏ hỏi:
- Các chú có phải là bộ đội ông Bát không?
- Sao cụ lại biết?
- Ở cái xóm heo hút này nếu như có người lạ vào đây chỉ có bộ đội ngày xưa vào thăm cảnh cũ thôi.

Cụ chỉ cho tôi khu đất doanh trại cũ ngày xưa, các đơn vị trước đó đều đóng trong nhà dân đến đợt chúng tôi thì ra ở doanh trại. Chính tay cụ và 1 số người trong xóm đã dựng lên những doanh trại này.

Ông Bát là chính trị viên tiểu đoàn chúng tôi, còn ông Trần Ba người miền Nam là tiểu đoàn trưởng.

Khung huấn luyện của chúng tôi thuộc f304B của QK Việt Bắc, mỗi đợt 15 tiểu đoàn. Trước đó khung d của tôi là d45 đi đợt 12/1971 gồm các trường Bưu điện truyền thanh, tài chính, sư phạm 2, sư phạm Việt Bắc...Đến đợt chúng tôi khung d45 lấy tên là d60.

Những gì của cuộc đời 1 tân binh chắc mọi người đã trải qua và thấu hiểu. Cái đáng nhớ nhất là việc rèn các chế độ nội vụ: mọi sự phải thật nghiêm túc, bài bản thống nhất từ những việc nhỏ nhất. Đây là điều khó thích ứng nhất vì chúng ta đã quen tự do rồi.

Tôi là 1 thằng hay cãi và nhiều khi phản ứng bột phát nên hay để lại cho cán bộ khung những ấn tượng không hay. Ví dụ đi lấy củi về tiểu đội nào xếp riêng tiểu đội ấy để đánh giá nhận xét. Tôi thường chọn 1 cây tương đối để vác cho dễ, về nhà để bên cạnh những bó củi bó gọn ghẽ rất chuyên nghiệp, củi của mình bị phê bình vì không được như người khác, nhất là câu cửa miệng của cán bộ khung: "Người khác làm được tại sao đ/c làm không làm được như họ". Tôi phản ứng: "Bảo đi lấy củi miễn là có củi về đun là được, các ông có quy định phải như thế nào không?" Đại loại những chuyện va vấp như vậy. Những lúc như thế, anh Tuệ lại rỉ rả với tôi: "Em không hề sai, nhưng họ cũng có lý của họ vì thứ nhất họ có quyền nói và thứ hai họ còn bị cấp trên hạch nữa. Cần kiên nhẫn một chút và cái quan trọng nhất là làm gì cũng phải lưu ý đừng để người ta có cớ bắt bẻ mình..."

Anh Tuệ có dáng người cao rất thể thao nhà ở Giáp Lục, Thanh Trì, Hà Nội. Anh hay kể chuyện về bà mẹ - một bà giáo trường làng - mặc dù các con đã khôn lớn nhưng bà luôn luôn theo dõi từng bước đi của các con. Tôi đã được anh Tuệ đọc cho nghe những đoạn thư bà gửi cho anh. Những dòng thư rất nồng ấm của một người mẹ vẫn coi con trai đã lớn như những đứa học trò nhỏ của mình. Mà quả thực dưới con mắt của các bà mẹ thì chúng ta chỉ luôn luôn là những đứa trẻ to đầu như chưa biết khôn.

Anh Tuệ rất lo cho tôi và anh Được không biết bơi, nên ngày nào anh cũng bắt chúng tôi tập bơi. Nhưng có lẽ khoản này tôi lại là một kẻ vừa ngu vừa dốt, học mãi chỉ học được mỗi một kiểu bơi của họ nhà "cẩu" mà thôi.

Đây chính là cái ba-lô được cấp phát từ hồi nhập ngũ và nó theo tôi suốt 3 năm chiến trận và bây giờ cùng các kỷ vật khác đang nghỉ hưu cũng như ông chủ của nó.
Vào những lúc nhàn rỗi sau bữa cơm chiều hoặc trước giờ đi ngủ, mấy anh em tôi thêm cả anh Châu thường ra vệ đồi nhìn xuống hồ nước hát những bài ca quen thuộc của thời SV. Anh Châu là người Hải Phòng học lớp 12 Cảng, trước đây là công nhân được đi học, khi đi bộ đội anh mang theo cây ghi-ta. Anh chơi đàn hay lắm lại thêm giọng ca của anh Tuệ làm cho những phút mệt nhọc sau một ngày tập luyện vất vả dường như tan biến đi. Dần dần cứ những lúc rỗi rãi không cứ mấy người chúng tôi mà nhiều anh em ở các b khác cũng tụ lại đàn hát. Chắc các bạn biết ngày ấy lứa SV các trường kỹ thuật như BK, XD, GT... rất tài hoa nhất là các khoản hát hò và cả cưa gái thì cũng giỏi giang lắm. Trong số những con người ấy có B (*). mà có cô bạn gái dám ngăn tầu lại là 1 tay ắc-cóoc có hạng của trường ĐHXD, anh Châu là 1 trong những cây ghi-ta cự phách ở trường, rồi một loạt những giọng ca nổi tiếng của trường như MC, PC, Th... của trường nữa. Chả thế 1 lần đoàn tuyên văn của sư đoàn về biểu diễn cho tiểu đoàn các tiết mục của đoàn đã bị mờ nhạt trước những tiết mục của các tân binh là các SV. Về sau này khi ông Th. về c17/e95/f325, sau HĐ Paris được kéo lên Ban tuyên huấn của sư đoàn 325 phụ trách đội văn nghệ khá nổi tiếng ở khu vực Quảng Trị, tiết mục nổi danh của đoàn tuyên văn f325 hồi ấy là tổ khúc "Đêm Trường Sơn nhớ Bác" do ông Thu dàn dựng .

Phong trào hát hò của lính tráng đã làm cho c bộ phải bố trí 1 buổi truyền thanh vào buổi tối trước khi đi ngủ bằng cái đài Lido. Sau bản tin mà nhạc hiệu là bản nhạc "Quê em miền trung du" là chương trình ca nhạc thôi thì đủ các bài hát của thời SV, nhất là những bài ca của những người lính Xô-viết trong những năm chiến tranh vệ quốc vĩ đại như "Kachiusa", "Thời thanh niên sôi nổi", "Cuộc sống ơi ta mến yêu người", "Tình Bạn", "Giờ này anh ở đâu"...đã được hát lên và những bài hát đó đã cùng chúng tôi ra trận.

Anh Tuệ có một bài tủ là "Qui sera! Sera" và 1 trích đoạn trong vở nhạc kich Masa, mỗi khi anh hát với giọng buồn buồn đầy tâm trạng tôi cũng chắc anh có một tâm sự nào đó... Với tôi anh coi như 1 đứa em ngang ngạnh. Anh hay kể cho tôi 1 số câu chuyện bằng những câu dẫn chứng mang tính triết lý đại loại như: "Nếu như không tránh được những cuộc chiến đấu thì hãy chiến thắng bằng bất kỳ giá nào..." hoặc là "Trên những nẻo đường cuộc sống hành lý cần mang theo lòng kiên nhẫn và tính chịu đựng...”.

Anh Châu lại là một con người rất nghệ sĩ với vẻ mặt lãng tử cùng hàng râu mép lởm chởm. Cái đàn ghi-ta không lúc nào rời anh ngay cả lúc hành quân rèn với tảng đất nặng gần bốn chục cân trên lưng. Phải nói rằng tiếng đàn của anh rất điêu luyện nhưng giọng hát của anh lại ngược lại rất khê nồng. Anh nổi tiếng đại đội vì một lần được cử đi khiêng máy chiếu phim, anh lên thẳng c bộ để mượn dây để khiêng máy. Ông c phó quát:
- Tại sao anh lại hỏi tôi, phải khắc phục chứ.
- Khắc phục là như thế nào khác gì anh bắt chúng tôi giơ nắm đấm xông lên lô cốt địch đang nã đạn...Tại sao khi nhập ngũ các anh không phổ biến mang theo dây để khiêng máy...

Đến nước này thì c phó phải chịu chỉ còn cách bắt anh Châu đứng nghiêm giữa sân cả buổi chiều vì không tuân lệnh lại còn cãi.

Sống với nhau chừng gần 1 tháng thì anh Tuệ và anh Châu cùng một số anh em khác được về Bộ tư lệnh hải quân. Trước khi đi anh Tuệ dặn dò tôi rất nhiều và có lẽ sau này ít nhiều tôi cũng có ảnh hưởng bởi cách sống của anh. Anh Tuệ không còn nữa, sau chiến tranh tôi có tìm anh nhưng được biết quãng năm 1976, 1977 gì đó anh từ Hải Phòng phi xe máy về Hà Nội vì ngày hôm sau là ngày anh cưới vợ, đến cầu Lai Vu, đường xấu, đêm tối, trời lại rét anh đã ngã xuống 1 hố sâu trên đường và anh đã ra đi mãi mãi. Còn anh Châu tôi cũng bặt tin cho đến bây giờ.
***
(*) B. sau này về công tác tại UBND TP Hà Nội. Anh đã ra đi vì bạo bệnh cách đây nửa năm. Thương tiếc một con người tài hoa với biệt danh "B.accord".
... (còn nữa)
LSV giới thiệu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét