Thứ Năm, 23 tháng 6, 2016

Đêm cuối năm (HTT)

Đá Biên & e207
ĐÊM CUỐI NĂM
Truyện ngắn: Hồ Tĩnh Tâm


          Tôi và em chia tay đơn vị bộ đội ra về vào lúc bảy giờ rưởi tối. Đoàn nghệ sĩ cùng đi với chúng tôi đã ra đi trước đó khoảng nửa tiếng. Chúng tôi ở lại mấy chục phút để chụp hình lưu niệm với các chiến sĩ trẻ C2bb, bởi ở C bộ binh này có một người lính trẻ là cháu ruột một người bạn của tôi. Tôi muốn chụp vài tấm hình anh lính họ Hồ này để bạn tôi được nhìn thấy cháu mình rất đep trai trong bộ quân phục của lính. Quá mãi mê chụp hình với những người lính, nên chúng tôi trở thành người ra về
sau cùng. Chặng đường chỉ khoảng trên dưới năm chục cây số, nhưng không may cho chúng tôi là ra khỏi doanh trại hơn cây số thì đèn pha bị mất điện, mà trời cuối năm thì tối hù tối hịt, cứ như bưng lấy mắt. Ngồi phía sau tôi không nhìn thấy gì, cứ tưởng như mình sắp vấp vào một cái gì đấy, hoặc có thể lao xuống ruộng, xuống mương bất cứ lúc nào, bởi vậy tôi nói, hay là mình quay lại doanh trại, nhờ anh em quân giới kiểm tra giùm hệ thống điện; nhưng em lại nói, em bật xi nhan, cứ chạy tà tà rồi cũng ra được quốc lộ, thầy cứ yên tâm, mắt em sáng lắm.

          Tình thế buộc phải vậy, chứ tôi yên tâm thế nào được. Lộ 108 là hương lộ, chạy băng qua cánh dồng trống rộng ngút ngát, lâu lâu mới có một cụm dân cư thơ thớt vài ngôi nhà, thuộc vùng đất trầm thủy miệt Tầm Vu, để có con đường, nhà nước phải dùng xáng cạp móc đất thành con kinh lớn mà làm đường, lỡ rớt xuống kinh thì chỉ còn có nước ngồi chờ tới sáng, năn nỉ nhờ người ta vớt giùm. Nghĩ vậy, nên ngồi sau em tôi cứ lo thon thót, và không hiểu làm sao em thấy đường mà chạy, bởi màn đêm đen đặc tới mức có thể cắt ra thành từng miếng. Lại thêm đêm 30 là đêm trừ tịch, nhà nhà đều sum vầy chờ đón giao thừa, đường phố còn vắng người, huống nữa là đường nông thôn, lại là đường nông thôn thuộc vùng sâu heo hút, chỉ mới được khai phá từ khi D bộ binh của tỉnh đến đóng chốt. Bây giờ mà xe chết máy thì hai thầy trò không biết làm sao. Tôi vừa mổ thoát vị năm đĩa đệm, hãy còn phải đeo đai thắt lưng, còn em thì nhỏ thó như con chim sẻ, nặng chưa tới bốn chục kí, nếu phải đẩy xe thì chắc tới sáng mới ra tới quốc lộ. Nếu phải nằm ụ, ngồi chết dí bên vệ đường, chắc chắn hai thầy trò sẽ thành mồi cho muỗi cỏ đen đặc ở vùng đất hoang này. Nghĩ vì thói ham chụp hình của mình mà lụy khổ tới em, tôi cứ thấy áy náy thế nào. Nếu chúng tôi ra về cùng lúc với đoàn, anh em sẽ pha đèn cho chúng tôi thấy đường mà chạy, giờ thì đành đương đầu ra chịu trận, chấp nhận chạy như rùa bò trong màn đêm đen đặc.

          Được cái đêm trừ tịch yên ả, thanh vắng tới chạnh lòng. Bầu trời không có lấy một vì sao, hơi lạnh phả xuống từng chặp như mơn man da thịt. Hương đồng thoang thoảng mùi khoai lang đang độ đơm hoa chiu chít. Buổi trưa lúc trên đường vào Tầm Vu, ngây ngất trước vẻ đẹp của hoa khoai lang phơn phớt tím, tôi và em đã dừng lại chụp được không biết bao nhiêu là ảnh. Bây giờ, dù chạy mò mò trong màn đêm đen đặc, tôi vẫn hình dung ra được vẻ đẹp bình dị của những ruộng khoai lang ngút ngát. Mà khi khoai lang đã đơm hoa, thì cả vùng đồng nhìn ngút tầm mắt cũng tịnh không thấy một bóng người, tất cả toát lên vẽ đẹp song sóng của những vồng khoai chạy thẳng vun vút như kẻ chỉ. Cả cánh đồng tím ngát một màu hoa, xốn xang tới rạo rực. Em nói với tôi, dân Tầm Vu đang giàu lên mỗi năm nhờ khoai lang tím Nhật Bản, nhà cửa còn to đẹp hơn cả nhà dân thành phố. Con đường này em rành lắm, bởi mỗi tháng, chí ít em cũng một lần đi Tân Thành thăm người chị họ, em có thể cảm hương đồng mà biết được đoạn đường nào có cua quẹo, đoạn đường nào chạy cặp sát với dòng kinh, đoạn đường nào sắp có cầu, sắp có nhà dân trước mặt. Thế nhưng sự giật nảy của những ổ gà trên mặt đường thì không thể nào tránh khỏi, khiến tôi liên tục bị ập mạnh vào lưng em, giúp tôi cảm được đến tận cùng sự mỏng mảnh của em, và hương thơm dìu dịu từ da thịt em; cái mùi từng “giết” nửa thế giới này kể từ khi trái đất sinh ra con người. Tôi biết đó là mùi của hương thơm dẫn dụ đặc trưng của tuổi thiếu nữ, mà ở tuổi chúng tôi, những người đàn bà phải dùng nước hoa để thắp dậy.

          Đến khi bị sụp xuống một ổ gà lớn, khiến chiếc xe loạng choạng xuýt ngã, em mới dừng lại hỏi tôi, thầy có ngửi thấy mùi gì không, mùi hoa ô môi đấy, hoa ô môi nở báo xuân về; nhanh thật, sáng mai đã là mùng một Tết Nhâm Thìn rồi, Tết năm tuổi của thầy phải không. Thấy em vui nên tôi nói đùa, rằng tôi chỉ thấy mùi bông bưởi toát ra từ làn áo mỏng của em. Không ngờ em lại nói, thầy dí dỏm thật, vườn nhà em trồng tới mấy cây bưởi, bưởi hồng đào đang mùa chín mọng, đẹp và thơm ngon lắm, để hôm nào em tặng thầy một cặp. Ồ một cặp bưởi hồng đào. Sao lại không tặng hôm nay để tôi chưng Tết nhỉ.

          Đang lúc hai thầy trò dừng lại thì từ xa có ánh đèn pha honda chiếu tới, bởi vậy tôi bảo em dựng xe để tôi hút điếu thuốc, vì từ khi hay thức khuya ngồi viết, tôi ghiền thuốc khá nặng. Lúc tôi đang châm thuốc thì chiếc honda cũng vừa chạy tới. Người đàn ông chạy xe dừng lại hỏi chúng tôi, rằng xe bị chết máy phải không, có cần giúp đỡ gì không. Nghe tôi trả lời xe chỉ bị mất đèn, người đàn ông đột ngột hỏi, có phải anh là Quân E207 không, Quân từng là A trưởng thông tin vô tuyến điện D1 E207. Nghe hỏi tôi giật cả mình, vì tôi đúng là Quân vô tuyến điện E207. Bởi vậy tôi trả lời, tôi đúng là Quân vô tuyến điện E207.

          Người đàn ông nghe tôi nói xong liền lật đật xuống xe, ôm chầm lấy tôi mà nói.

          - Tao là Cường, lính hỏa lực trung đoàn, là người cùng với mày sống sót sau trận rừng tràm ở Thạnh Hóa Long An nè. Trận đó tháng 10 năm 1973, nước ngập linh láng, tụi sư 7 vừa dội bom vừa bắn pháo, vừa xút rốc kết, trung đoàn chết hơn hai trăm thằng, phải liều mạng mở đường máu, mạnh ai nấy thoát ra ngoài. Mày còn nhớ không?

          Sao lại không. Trên báo điện tử của Hội cựu chiến binh E207, bạn tôi vừa làm cả một phóng sự truyền hình về miếu Bắc Bỏ, nhắc lại trận rừng tràm Thạnh Hóa Long An, ai xem xong cũng khóc. Hơn hai trăm người hy sinh, ai cũng là sinh viên đại học, trong đó có cả thầy giáo môn toán tập hợp của tôi. Bởi vậy tôi kéo xoay Cường lại phía ánh đèn để nhìn cho rõ gương mặt, rồi nói.

          - Trời đất! Mấy chục năm rồi! Mày không nhắc, chắc tao không nhận ra mày. Ba mấy năm rồi. Giờ này tụi nó vẫn còn chen chúc trong cái miếu Bắc Bỏ ọp ẹp của vợ chồng Tư Tờ tạo dựng. Xương cốt gom được có mấy bộ còn nguyên vẹn, còn thì toàn là lượm lặt từng mẩu xương đem về. Tội lắm mầy ơi!

          Cường há hốc miệng hỏi tôi:

          - Sao lại miếu Bắc Bỏ?! Bộ hết tên đặt rồi à?!…

          Biết nói sao bây giờ. Vợ chồng Tư Tờ bởi nghèo rớt nên mới đùm dúm kéo nhau vào đồng phèn Thạnh Hóa, cặm sào bên rìa rừng tràm sinh sống. Đêm nào vợ chồng nằm ngủ cũng nghe oan hồn anh em E207 than bị bỏ lạnh giữa đồng nước. Nhiều đêm mưa gió, hương hồn anh em còn hiện lên, đi lại lảng vảng ngoài bìa rừng tràm, than oán bị đồng đội bỏ quên, phải sống đói khát ngoi ngóp giữa đồng nước. Rồi thì đứa con gái lớn tự nhiên đổ bệnh ngơ ngẩn như người mất hồn, suốt ngày toàn lảm nhảm, rằng bị lạnh, rằng nhớ nhà mà không biết đường về. Biết là con gái bị âm hồn anh em chết trận nhập vào, vợ chồng Tư Tờ mới đem bán chỉ vàng duy nhất, dành dụm được từ mấy năm trời đem bán, mua được ít gạch, ít xi măng với mấy miếng tôn về lập cái miếu nhỏ thờ cúng. Miếu lập xong, tự nhiên đứa con gái hết bệnh, ngày nào cũng bơi xuồng vào trong đồng, bẻ hoa sen đem về cúng trong miếu. Thấy vợ chồng Tư Tờ ngày nào cũng nhang đèn hương khói thành kính trong miếu, bà con quanh vùng rừng tràm Thạnh Hóa mới gọi ngôi miếu nhỏ nhà Tư Tờ là miếu Bắc Bỏ, để ghi nhớ công ơn anh em bộ đội Miền bắc hy sinh ở đây, rồi hàng năm, cứ đến ngày ba tháng mười, bà con quanh vùng lại tự giác góp tiền, góp của, làm đám giỗ lớn tri ân công đức của anh em.

          Chuyện dài, nên tôi chỉ nói với Cường rằng:

          - Có được cái miếu nhỏ do vợ chồng Tư Tờ lập là quý lắm rồi, chứ không không thì chẳng còn ai nhớ tới anh em mình. Nay Ban liên lạc cựu chiến binh trung đoàn đang đứng ra vận động quyên góp xây miếu thờ, nhưng vẫn chưa đâu vào đâu. Cánh lính E207 còn sống sót sau chiến tranh, hầu hết đều nghèo rớt vì thương tật và bệnh hoạn. Vợ chồng Tư Tờ nghèo vậy, còn hiến đất xây miếu thờ đó ông.

          Cường cum tay đấm mạnh vào lưng tôi.

          - Mẹ khỉ! Thế chứ nhà nước không biết nhúc nhích gì à? Ai chết cho tụi nó sống làm quan! Thôi, cha con mầy về đón giao thừa với tao. Chuyện đâu còn đó. Để rồi tao biểu tụi nó bắc thang lên hỏi ông trời thử coi.

          Nghe Cường nói tôi phì cười.

          - Học trò tôi đấy. Coi trẻ vậy chứ đã hơn mười năm phiên dịch tiếng Anh rồi đấy. Nhà thơ tương lai của tôi đấy.

          Nói với Cường xong, tôi xoay sang hỏi em có thể ở lại được không. Em cười, nói với tôi, rằng đi với tôi thì không chuyện gì là không thể xãy ra, chẳng lẽ em lại từ chối không cho tôi gặp đồng đội. Vậy là chúng tôi theo Cường về nhà.

          Ngôi nhà nằm thèo lãnh trên một gò đất lớn, mọc đầy những cây me keo cổ thụ, mà sáng ngày tôi nhận thấy toàn là me keo cổ thụ mốc thếch, đầy hang bọng, lúc nhúc tắc kè ở trong. Cường trồng me keo để nuôi tắc kè, nuôi để ăn thịt và ngâm rượu, chứ không phải để bán. Hèn chi đã ngoài sáu mươi mà Cường chắc lùi lụi, cưới được cô vợ nhỏ hơn anh ta hơn hai mươi tuổi. Cô này là vợ bé, còn vợ lớn đã mất vì bệnh hơn mười năm. Trái với Cường, vợ anh ta lại lầm tưởng tới tai hại, khi tôi nghe chị ta khen tôi có cô vợ vừa trẻ vừa đẹp. Lúc đó tôi đã cười mà nói rằng, tôi đâu có đắt duyên như Cường mà cưới được vợ trẻ. Em nghe vậy thì lên tiếng, chị không biết đấy thôi, thầy em đào hoa lắm, thơ nhạc thứ gì cũng biết.

Cường phá ra cười, nói với vợ.

- Thằng này hồi chiến tranh, lần nào nó bị thương là mấy cô y tá chết mê chết mệt. Dân Nghệ mà bày đặt học đàn ghi ta phím lỏm. Cũng may hắn chỉ biết đàn, chứ hắn mà biết ca cổ, chắc hắn đã bị quân pháp điệu cổ ra Tòa, vì tội làm đàn bà con gái xiêu lòng.

Kể ra thì Cường nhớ dai thật. Chuyện tôi học đàn phím lỏm mà hắn cũng biết, cũng nhớ. Hồi đó tiểu đoàn về đóng quân ở Vàm Đất Sét, bị pháo bầy dập một trận thừa chết thiếu sống. Tôi bị mảnh pháo chém rách toạc một miếng mông, bị hơi pháo thổi rách giác mạc cả hai mắt, nên phải nằm khan cả gần tháng trời. Ở không buồn chán, tôi đeo anh Thử y sĩ, học được mấy ngón đàn vọng cổ. Đến khi cùng Cường lên cứ trung đoàn nhận đạn cối 82 và đạn DKZ, dọc đường gặp một trạm giao liên, chúng tôi ghé lại xin nước uống. Thấy trong lán có cây đàn ghi ta phím lỏm, tôi ngứa nghề dạo một bản oán. Mấy cô giao liên nghe tiếng đàn liền xúm cả lại, đòi tôi đàn cho mấy cô ca chơi, bởi mấy cô nói là thèm ca cổ nhạc muốn chết. Vậy là dù đàn dở ẹc, tôi vẫn phải đàn. Mà lính tráng, hễ sa vào đàn hát là quên béng cả thời khắc. Khi chợt nhớ ra công việc thì đã xế chiều, đã thấy mấy cô dọn ra một bữa cơm với nhóc nhách lươn um lá nhàu, cá lóc nương trui, cá trê vàng kho tiêu, và cả một nồi rắn ri voi hầm sả, cùng bốn chai Anit vuông. Mấy cô nói là hôm nay đãi lính E207, vì đã nhổ được chốt Gãy Kinh Nhứt, khai thông tuyến giao liên về chi khu Ngã Sáu. Trận tao ngộ với cánh giao liên trên bờ kinh ấy, chỉ có hai chúng tôi với năm cô gái, vậy mà cũng thắng trận tưng bừng với bốn chai Anit, và thêm gần ba lít rượu đế Cái Bè chánh hiệu. Say nghiêng say ngửa cả đám.

Còn đêm nay, đêm cuối năm giữa cánh đồng khoai lang tím, chúng tôi có bốn người, làm nên hai cặp đôi cọc cạch tuổi tác, mà ấm áp như hai gia đình thức đón giao thừa, với ê hề mồi màng và rượu ngâm tắc kè đặc sánh. Chúng tôi uống rượu, chúng tôi trò chuyện, chúng tôi hát, và chúng tôi đọc thơ. Tôi không ngờ là vợ Cường ca vọng cổ rất hay. Còn Cường thì khỏi nói, bởi anh vốn là cây văn nghệ số một của tiểu đoàn. Khi biết bút danh của tôi, cả hai vợ chồng Cường đều nói, họ đọc khá nhiều bài viết và truyện ngắn của tôi, nhưng đâu có biết tác giả là tôi; nay biết rồi, Cường nhất quyết bắt tôi phải viết thật nhiều về lính E207, để bạn bè đọc mà nhận ra nhau, tìm thăm nhau. Như Cường, ra quân với quân hàm đại tá, là lui về Kinh 7 Lấp Vò sống làm ruộng với vợ. Vợ mất để lại cho anh hai đứa con. Khi các con thành gia thất thì anh đi bước nữa, và chuyển về miệt đồng Tầm Vu trồng khoai lang. Từ khi khoai lang tím giống Nhật xuất khẩu được ra nước ngoài, tiền bạc vô ào ào như nước, chẳng riêng gì nhà anh, mà cả bàn dân thiên hạ vùng Tầm Vu đều giàu lên vùn vụt, ai cũng thành tỉ phú nhờ khoai lang tím. Cường chém gió nói với tôi, rằng từ đây cứ đến với vợ chồng anh, muốn bia có bia, muốn rượu Tây có rượu Tây, chỉ sợ mấy thứ đó không nhằm nhò gì với rượu nếp Sơn Đông ngâm tắc kè, uống vào cứ sung sùng sục, trẻ lại rừng rực như lửa. Em nghe vậy thì cười mà nói, chú Cường cứ ép thầy con uống rượu tắc kè, chú không sợ thầy con bị đi tù vì rượu tắc kè à. Cường phì cười, vỗ vai tôi nói, cô bé này lém thiệt, tui với ông bằng tuổi, nó gọi ông bằng thầy xưng em, còn tui nó gọi chú xưng con, mà ràng ràng vợ tui chỉ hơn cổ có mấy tuổi; với nữa ở đây có bốn người, ông bị đi tù vì ai chứ. Em cũng bật cười, ôm ngang lưng vợ Cường, nghênh mặt lên nhìn Cường mà nói, vậy thì chú  cho con xưng em. Đêm nay em xung phong ngủ với chị Ba, để tha hồ cho thầy em uống rượu tắc kè thoải mái. Cường phản pháo cái rụp, ngủ là thế nào, giao thừa phải thức sáng đêm, chơi xả láng cho hai thầy trò hết biết đường về luôn, ở đây ăn Tết với vợ chồng tụi này, lâu lắm mới gặp được lính E207, phải uống cả phần của tụi nó đã nằm xuống trên các nẻo đường, đặng tụi nó cũng ấm áp phần nào giữa đồng nước Tháp Mười.

Tất nhiên là phải thức. Bởi tôi chợt nhớ ra rằng, có một giao thừa, tôi với thầy giáo dạy toán tập hợp của tôi, cùng thức trắng với nhau trong cái lán nhỏ bên bờ sông Trăng biên giới. Đêm ấy hai thầy trò chỉ có một chai Anit vuông, với cái bình toong pha trà Củ Măng đặc quẹo. Nỗi nhớ nhà cắn đốt trong tim như lửa. Thầy nói với tôi về tập hợp của vũ trụ, của thế giới, của làng quê nhỏ bé của thầy bên bến đò Mo Vịnh, huyện Thanh Chương. Mùa xuân quê thầy là mùa tắc chín đỏ cành. Tết đến, dù ai nghèo đến mấy cũng đánh đụng mổ lợn, để con cái được ăn thịt, được no ba ngày Tết, vậy mà nhà thầy, trưa mùng một Tết, vẫn chỉ có quả tro muối, nhút muối từ xơ mít, với con gà luộc, nghe mùi thịt lợn kho bay ra từ nhà hàng xóm, thèm tới ứa nước miếng. Lúc đó thầy tôi còn nhỏ, thầy ngây thơ hỏi mẹ, mẹ ơi, sao nhà ai cũng đánh đụng mổ lợn, mà nhà ta không đánh đụng hả mẹ. Thầy kể, lúc đó mẹ thầy đã khóc, đã nói với thầy rằng, nhà ta nghèo, có được đồng nào cha mẹ cũng phải dành dụm để các con ăn học. Nghe mẹ nói xong, thầy lại nói, nhưng mà mẹ ơi, con không biết thịt lợn nó ngon ra răng, nhà ta nuôi lợn mà chúng con nỏ biết thịt lợn nó ngon ra răng. Kể đến đó, thầy tôi ứa nước mắt, hai tròng mắt đỏ hoe, khiến tôi cũng cay cay nơi sống mũi, cứ muốn òa ra mà khóc, vì tôi cũng nhớ mẹ tôi, nhớ các em tôi tới cồn cào gan ruột. Thầy rót cho tôi một nắp bình toong rượu kể tiếp.  Hồi đó thầy đâu có biết, cả đời mẹ thầy, từ lúc sinh ra, đến lúc lớn lên, đi lấy chồng, rồi đẻ ra sáu chị em thầy, mẹ chưa hề được ăn một miếng thịt lợn trong đời, dù rằng trưa mùng một Tết năm ấy, khi cả nhà thầy đang ăn cơm, thì ông Cả Khứu người cùng làng, chống gậy tìm đến, đem biếu bố mẹ thầy một đòn chả lụa, một cân thịt nạc, nói, ông nhón ra chút đỉnh đem biếu để các cháu có thịt lợn ăn ngày Tết. Lúc đó ông Cả Khứu xoa đầu thầy nói, nhà hai bác các cháu đều ngoan, mà thằng Huy, tức là thầy tôi, lại học giỏi nhất trường, tôi xem tướng nó sẽ thành giáo sư đấy. Của  ít lòng nhiều, mong hai bác nhận cho. Số chả lụa và cân thịt lợn ấy, cha mẹ thầy dành hết cho sáu chị em thầy, chứ không hề đụng đũa lấy một miếng. Vậy rồi thầy tôi được sang Liên Xô học toán tại trường đại học tổng hợp Lô Mô Nô Xốp. Khi thầy lấy được bằng phó tiến sĩ về nước, thì xãy ra chiến tranh Mĩ ném bom Miền Bắc, thầy được điều vào viện toán, chuyên nghiên cứu toán ứng dụng cho khoa học quân sự, không có lấy một chút thời gian về thăm nhà, mua cho cha mẹ vài cân thịt lợn báo hiếu. Đến năm 1971, thầy được điều về dạy toán ở Khoa Trắc đạc Bản đồ, trường đại học Mỏ – Địa chất. Bước sang năm 1972, chiến tranh leo lên đỉnh điểm sự ác liệt, sinh viên rất nhiều trường đại học ở Miền Bắc được động viên ra chiến trường. Từ Phổ Yên, Thái Nguyên, thầy cùng sinh viên chúng tôi lên đường, đi thẳng vào chiến trường B2 Nam Bộ. Và vào đêm giao thừa năm 1973 ấy, tôi với thầy đã uống rượu với nhau lặng lẽ để đón năm mới. Vậy mà chỉ ba tháng sau, tại rừng tràm Thạnh Hóa Long An, thầy tôi đã vĩnh viễn ra đi.

Sáng hôm ấy, khi cả trung đoàn đã hành quân ròng rả suốt đêm từ sông Trăng biên giới về đến rạch Đá Biên, chúng tôi được lệnh dừng lại trú chân trong rừng tràm ngập nước. Có lẽ do một số tân binh chủ quan phơi quần áo trên đọt tràm, nên bị máy bay L19 phát hiện, gọi trực thăng và phản lực F4 đến dội bom và bắn phá ngay từ lúc mới hừng đông. Cả trung đoàn dầm chân dưới nước ngập đến ngực chịu trận. Rồi bộ binh sư 7 kéo đến cùng xe lội nước M113, và cả chiến xa M48. Chúng tôi lâm vào thế kẹt, bị bao vây bốn phía, nhưng vẫn đánh trả quyết liệt, bắn hạ một chiếc trực thăng. Lúc đó tôi sát cánh bên thầy, nên lúc thầy trúng đạn, tôi thấy máu thầy xối ra từ đâu đó, đỏ bầm cả một vạt nước, vậy mà thầy vẫn gượng gác súng trên nhánh tràm bắn xả về phía kẻ thù. Thế rồi tôi thấy thầy từ từ chìm xuống, khẩu AK vẫn gác trên nhánh tràm. Nước mắt tôi ứa ra, nhưng tôi cũng không thể làm gì hơn được cho thầy. Và cho đến tận bây giờ, chúng tôi, những đứa may mắn sống sót, dù có tài thánh đến đâu cũng không thể biết thầy đang nằm ở đâu giữa cánh đồng ngập nước.

Hai người phụ nữ nghe chúng tôi nhắc lại chuyện cũ xui rủi, đầy bi hùng ở Đá Biên, cứ ôm lấy nhau mà khóc. Họ khóc và thức cùng chúng tôi cho đến tận bình minh.

Đêm cuối năm Canh Dần của tôi đã trôi qua như thế.

          Và năm mới Nhâm Thìn đã đến, cùng với vầng mặt trời đỏ rực, đang từ từ dâng lên trên đồng đất Tầm Vu, tím ngần màu hoa khoai lang tím.

HTT
LSV (g/th)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét