Thứ Tư, 8 tháng 6, 2016

Cảm xúc đầu năm (VTK)

Đá Biên & e207

CẢM XÚC ĐẦU NĂM CÙNG ĐỒNG ĐỘI VỀ KHU TƯỞNG NIỆM LIỆT SỸ E207 (VTK)
Vũ Trung Kiên, CCB e207, Qk8

Sáng ngày 5/1/2013, đồng chí Phạm Văn Thông điện thoại cho tôi: “Anh tranh thủ lên, ngày mai Ban liên lạc tổ chức đi thắp hương cho anh em tại Khu tưởng niệm liệt sỹ E207 ở rạch Đá Biên”. Mặc dù còn đang bận rất nhiều công việc, tôi vẫn tranh thủ về ngay Sài Gòn vì trong tâm niệm ngày 22/10/2012, ngày giỗ liệt sỹ lần 39 mình không về được, vậy là bây giờ có cơ hội để mình đến thắp nhang làm lễ dâng hương cho đồng đội, các liệt sỹ…

5h sáng ngày 6/1/2013, đ/c Thông đã đến rước tôi tại nhà riêng ở quận Tân Phú, anh Tư Dẫu bị bệnh, còn đ/c Thi bận đi đám tang.

Thấy xe còn rộng 2 chúng tôi liền tạt vào nhà đại tá Minh, trưởng ban liên lạc cựu chiến binh sinh viên của bộ đội biên phòng tại quận 6 thành phố HCM. Anh và chị chất lên xe chúng tôi đủ các thứ hoa tươi, bánh chưng, giò chả, rượu, thuốc lá…, đây là lễ vật mà anh chị gửi vào dâng lên các liệt sỹ…

Khoảng 7h30 sáng, chúng tôi đã có mặt ở cầu 79 và chỉ ít phút sau đã có thêm 2 xe 7 chỗ của đoàn Cựu Chiến Binh Sư đoàn 9.

Cũng vào lúc này đ/c Thông nhận dược điện thoại của anh Nguyên Long, nguyên phó giám đốc đài truyền hình VTV thông báo có mấy xe 16 chỗ ngồi của đài truyền hình đưa Chi đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh VTV và rất nhiều thành viên của đài truyền hình đang trên đường xuống Đá Biên.

Đại tá Minh còn thông báo cho chúng tôi, cũng còn mấy xe nữa của Cựu Chiến Binh Sinh Viên bộ đội Biên Phòng, có người từ Ninh Thuận, có người từ Vũng Tàu, có người từ Đà Lạt và đại đa số ở thành phố HCM cũng đang trên đường xuống Đá Biên. Vậy là lúc đầu, tôi, đ/c Thông, anh Minh dự kiến chỉ khoảng 30 người, giờ này số lượng đã tăng lên  hơn 50 người. Phạm Văn Thông tức tốc điện cho anh Tư Tờ báo thêm cơm. Sau đó chúng tôi thuê vỏ lãi đưa mọi người vào khu tưởng niệm.

Vào đến nơi, chúng tôi thật bất ngờ gặp anh Hồ Hoàng Khôn cùng các đ/c thành viên UBND huyện Thạnh Hóa, các đ/c cựu chiến binh của huyện Thạnh Hóa tỉnh Long An đã có mặt ở đây từ lúc nào.

Khu tưởng niệm hôm nay đã hoành tráng hơn rất nhiều so với ngày 27/7/2012 khi chúng tôi tổ chức khánh thành nhà bia Liệt Sỹ.

Mặt sân được lát gạch rộng thênh thang, cây cối xung quanh bắt đầu đâm chồi nảy lộc, trên bàn thờ lúc nào cũng nghi ngút khói hương.


Các CCB lính sinh viên


  Hàng trên cùng từ trái qua phải: Trần Văn, Hồ Hoàng Khôn, Nguyễn Văn Tòng  và các CCB sư đoàn 9


Hàng trên cùng các cháu thanh niên thuộc chi đoàn Đài truyền hình Việt Nam

Trong đoàn Hội cựu chiến binh của Sư đoàn 9, còn có cả 3 đ/c nữ cựu chiến binh của Tổng cục Chính trị là chị Thắm, Lan, Vân và đại tá Nguyễn Văn Tòng, nguyên chính ủy Sư đoàn 9, 85 năm tuổi đời, 65 năm tuổi Đảng, người đã được đoàn làm phim nước ngoài với bộ phim Cuộc chiến tranh Việt Nam nhìn từ hai phía, rất mến mộ và đã đến thăm anh Tòng rất nhiều lần.

Chính đại tá Tòng đã chỉ huy đơn vị đánh thắng trận tại “Bình Giã” tiêu diệt gọn 2 tiểu đoàn Mỹ vào năm 1964 và cũng chính anh chỉ huy đơn vị đánh tiêu diệt quân địch ở trận đánh “Đồng Xoài”, hai trận đánh nổi tiếng đã đi vào lịch sử.

Anh Tòng gọi cháu Diễm con của anh Tư Tờ đến trước nhà văn bia và nói với cháu Diễm: “Ông rất quý trọng con khi được xem những hình ảnh con đi hái sen ngày ngày dâng lên liệt sỹ tại Đá Biên này, ông có 2 món quà tặng con: đây là cái phong bì, số tiền này ông viết báo mà người ta trả tiền nhuận bút. Ở trong này ông chưa mở ra, nhưng chắc chắn phải từ 1 triệu trở lên, ông tặng con hết… Và đây là chiếc khăn rằn dệt bằng len ngày xưa các chiến sỹ của đội quân Bà Định vẫn quấn chiếc khăn này”.

Tôi thấy nước mắt cháu Diễm rưng rưng, cả anh Tư Tờ và mọi người cũng ngấn lệ. Một nghĩa cử cao đẹp của người lính già, thưởng và răn dạy cho các con cháu, đặc biệt đối với người phụ nữ Việt Nam.

Trong đoàn Cựu chiến binh Sư đoàn 9 còn có anh Trần Văn là lính Sư đoàn 9, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An. Anh kể với chúng tôi:

“Thời kỳ tiến quân vào Đồng Tháp 10, theo chỉ đạo của Trung ương mà trực tiếp là anh Đỗ Mười và anh Võ Văn Kiệt lãnh đạo tỉnh Long An lúc đó có 5 người:

                1. Trần Văn – Phó chủ tịch
                2. Trần Nhóm – Phó chủ tịch
                3. Trần Ngàn – Phó chủ tịch
                4. Trần Nghi – Phó chủ tịch
                5. anh Tư Thân – Chủ tịch

Lúc đó vất vả và khó khăn nhiều lắm. Anh Tư Thân nguyên là người lính nên khi trở về lãnh đạo làm kinh tế tác phong của anh vẫn như người lính, có những đêm vào lúc 12h khuya anh giật mình nghĩ được được một sáng kiến gì đó là anh “xốc” tất cả mọi người cùng thức dậy và lại lao vào công việc ngay, vì vậy nhân dân Long An mới có câu thơ:

“Trần Văn, Trần Nhóm, Trần Ngàn, Trần Nghi
Bốn Trần nhập lại thành là Trần Thân”

Nhờ vậy vùng Đồng Tháp Mười Long An từ đất phèn hoang hóa nay đã trở thành những cánh đồng lúa màu mỡ, sản lượng lúa từ 4 trăm ngàn tấn/năm đến nay đã lên 2 triệu 6 tấn/ năm. Một công lao to lớn của những ông “Trần” vất vả gian lao mà nhân dân Long An rất yêu mến, quý trọng, đã tặng danh hiệu “Trần Thân” chứ thực ra anh Tư Thân không phải họ “Trần”.

Đúng 10h30 chúng tôi tổ chức làm lễ dâng hương. Trên bàn thờ có rất nhiều lễ vật và 3 vòng hoa của cựu chiến binh Lính Sinh Viên Bộ đội Biên phòng, cựu chiến binh Sư đoàn 9, Đài truyền hình Việt Nam VTV. Ba tiếng chuông ngân lên như lời mời hương hồn các anh thức dậy để chứng giám cho lòng thành của gần trăm con người. Đại tá Minh bùi ngùi đọc bài văn tế trong không gian nghi ngút khói hương và những dòng nước mắt của mọi người, đặc biệt của các cháu thanh niên thuộc Chi đoàn Đài truyền hình VTV.

BÀI VĂN TẾ ĐỌC TRONG LÚC LÀM LỄ DÂNG HƯƠNG

Kính thưa hương hồn các anh hùng liệt sỹ trung đoàn 207!

Kính thưa hương hồn các liệt sỹ nguyên là sinh viên các trường đại học Hà Nội đã hy sinh tại đây trong cuộc chiến đấu ngày 3/10/1973.

Hôm nay anh em chúng tôi cũng nguyên là sinh viên các trường Đại học trên miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa, nhập ngũ năm 71, 72 tề tựu về đây thắp nén tâm hương để tưởng nhớ đến những chiến công oanh liệt, những trận chiến đấu kiên cường và sự hy sinh anh dũng của tất cả các anh.

Kính thưa hương hồn các anh hùng liệt sỹ!

Kính thưa các vị khách quý!

Thưa các đồng chí và các bạn!

Vào những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã tiến dần đến ngày toàn thắng thì trên các chiến trường càng cực kỳ khốc liệt, toàn quân, toàn dân ta đã coi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là nhiệm vụ hàng đầu, cả miền Bắc đã giành tất cả nhân tài, vật lực cho sự nghiệp giải phóng miền Nam. Thanh niên miền Bắc xã hội chủ nghĩa nô nức lên đường nhập ngũ đánh giặc lập công. Trong đó có hàng vạn sinh viên các trường đại học đã nghe theo tiếng gọi của non sông xếp bút nghiên lên đường đánh giặc cứu nước. Các anh đã để lại phía sau cha mẹ kính yêu, mái trường thân thương và thầy cô bè bạn yêu quý, để lại cả những ước mơ và niềm hy vọng một ngày mai tươi sáng khi đất nước sạch bóng quân thù. Các anh chỉ mang trong mình lý tưởng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và phẩm chất cao đẹp của các thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh làm vũ khí chống kẻ thù giải phóng dân tộc thống nhất đất nước. Các anh đã chiến đấu ngoan cường và anh dũng hy sinh nhưng các anh không chết trong tình yêu thương kính trọng của bạn bè, đồng chí, các anh còn sống mãi trong lòng dân Việt Nam.

Xin lấy 2 câu thơ của nhà thơ Trần Thế Tuyển để dâng lên hương hồn các anh:

“Thân ngã xuống thành đất đai tổ quốc
Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia”

Thưa các đồng chí, nhân buổi lễ tưởng niệm hôm nay, chúng tôi cũng xin tỏ lòng biết ơn sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Long An, của các cấp chính quyền và nhân dân địa phương đã lập nên khu tưởng niệm của Trung đoàn 207, lập nên ngôi miếu thiêng thờ “thành hoàng làng đội mũ cối” để tỏ lòng tri ân với các anh hùng liệt sỹ đã chiến đấu ngoan cường và anh dũng hy sinh trên mảnh đất này.

Kính thưa vong linh các anh hùng liệt sỹ.

Hôm nay trong không khí trang nghiêm, nghi ngút hương trầm, chúng tôi bày tỏ lòng thành kính lên các anh. Xin cầu chúc cho vong linh các anh siêu thoát, bay cao, bay xa trên bầu trời trong xanh của tổ quốc, xin cầu chúc cho thân nhân và gia đình các anh luôn mạnh khỏe và trường tồn.

Xin các anh phù hộ độ trì cho đồng chí, đồng đội của mình, xin các anh che chở cho đồng bào ở đây có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, ngày càng văn minh, cũng xin cầu mong vong hồn linh thiêng của các anh luôn sát cánh cùng đồng chí, đồng bào trong cuộc đấu tranh chống CÁI ÁC , CÁI THAM còn quanh quất đâu đây, để đất nước ta thật sự thanh bình, nhân dân thực sự ấm no, hạnh phúc.

Kính thưa vong linh các anh hùng liệt sỹ. Với tấm lòng thành kính chúng tôi sắm hương hoa,… gọi là chút lễ vật để tỏ lòng tri ân đối với các anh. Xin các anh linh thiêng giáng hiện chứng giám lòng thành của chúng tôi.

Cung thỉnh chư linh
Quy lai thượng hưởng


Các đại biểu đang tưởng niệm trước bàn thờ liệt sĩ

Bát nhang lại phừng phừng bốc cháy, đây là lần thứ 2 tôi chứng kiến cảnh này, lần thứ nhất vào ngày giỗ lần thứ 38, tại ngôi miếu cũ và lần này là lần thứ 2 tại Đền thờ mới. Trong lòng tôi trào dâng niềm vui… “Các liệt sỹ rất linh thiêng, đã về đây chứng giám”.

Sau lễ dâng hương là bài phát biểu cảm tưởng của anh Nguyễn Văn Tòng:

“Trước năm 1972, tôi làm Chính ủy Sư đoàn 9, năm 1973 tôi là Phó chủ nhiệm Cục chính trị Quân ủy miền và có nhận được báo cáo của Quân khu 8 về trận đánh Đá Biên của Trung đoàn 207. Anh em hy sinh nhiều quá. Cả bộ chỉ huy miền đều thương tiếc lắm. Và chỉ đạo cho Quân khu 8 phải rút kinh nghiệm cho những trận đánh sau”.

Tới anh Nguyên Long, nguyên Phó giám đốc đài truyền hình VTV nghẹn ngào trong 2 hàng nước mắt: “Tôi là lính sinh viên cùng thế hệ với các bạn sinh viên hy sinh tại Đá Biên này… chúng nó chết để chúng ta được sống… thương chúng nó quá…” Tôi đứng bên đã phải bốn lần dùng khăn lau nước mắt cho anh. Nguyên Long khóc đồng đội…tất cả chúng tôi cùng rơi nước mắt… Lại một trận “mưa” nước mắt giống như ngày 27/7/2012, Phương Thảo, em gái khóc anh và các Liệt Sỹ…

Lời cảm tưởng cuối cùng là của một cháu thay mặt cho Chi đoàn đài truyền hình VTV nói lên cảm xúc của tuổi trẻ và xin hứa với các vong linh Liệt Sỹ sẽ làm hết sức mình để góp phần cho khu tưởng niệm hoàn chỉnh hơn, đầy đủ hơn để cả người sống và người đã khuất được ấm lòng.

Anh Hồ Hoàng Khôn thay mặt UBND huyện thông báo, ngân sách đã chi thêm 1 tỷ 7 cho công trình bờ kè chống sạt lở quanh khu tưởng niệm và chuẩn bị khởi công.

Đoàn cựu chiến binh sinh viên hội ý ngay và quyết định đăng ký ủng hộ khu tưởng niệm 2 câu đối bằng đồng trích 2 câu thơ của nhà thơ Trần Thế Tuyển:

 “Thân ngã xuống thành đất đai tổ quốc
 Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia”

Các anh nói đã điện thoại xin ý kiến của anh Trần Thế Tuyển và đã được anh đồng ý.

Ngoài 2 câu đối trên, các cựu lính sinh viên sẽ tặng một bàn thờ bằng gỗ quý cho khu tưởng niệm trị giá hai lễ vật khoảng 100 triệu đồng.

Đoàn cựu chiến binh Sư đoàn 9 các anh đăng ký xây dựng một khu nhà nghỉ cặp bên khu tưởng niệm vừa làm nhà chờ và làm nhà bếp để phục vụ các ngày lễ giỗ.

12h30, chúng tôi kéo sang nhà anh chị Tư Tờ, 6 bàn tiệc (3 bàn trong nhà, 3 bàn ngoài hiên) có đủ các món ăn đặc sản của vùng sông nước Nam Bộ được đặt lên trên nền nhà lót gạch bông và ngôi nhà rất xinh xắn do Việt Xô Petro tài trợ vừa mới hoàn thành, thay thế cho ngôi nhà tranh vách lá trước kia.


Nhà anh chị Tư Tờ của Việt Xô Petro xây dựng

Chúng tôi ở lại vui với các liệt sỹ và anh chị Tư Tờ đúng 4h chiều mới lên vỏ lãi về cầu 79.

Cháu Kim Cương chủ quán cà phê Ngọc Ngân ở cầu 79 bộc bạch:

“Từ ngày đám giỗ các chú liệt sỹ 22/10/2012 đến nay, ngày nào cũng có xe từ các nơi đến đây ghé quán cháu uống nước rồi gửi xe xong họ lại thuê vỏ lãi hoặc trẹt vào thắp hương nơi “miếu Bắc Bỏ”, vì vậy quán của cháu đông khách hơn trước kia rất nhiều. Cháu xin cảm ơn tất cả mọi người đã biết nhớ đến công ơn của các anh hùng liệt sỹ…”

Trở về gia đình, lúc 20 giờ ngày 6/1/2013 tôi nhận được tin nhắn của anh Nguyên Long: “Kiên nhớ đón xem kênh VTV 9 vào lúc 23 giờ”… Vậy là đêm đó tôi thức chờ bằng được … Tôi thật cảm động đài truyền hình VTV9 đã phát sóng đưa tin buổi lễ dâng hương của chúng tôi cùng các CCB sinh viên, CCB Sư đoàn 9, Chi đoàn thanh niên CSHCM đài truyền hình VTV chỉ cách đó chưa đầy 10 tiếng đồng hồ. Xin cảm ơn đài truyền hình VTV, với tấm lòng “biết ơn và quý trọng các anh hùng LS”, các  bạn đã đưa tin rất nhanh rất kịp thời … Đêm nằm  tôi lại suy nghĩ mông lung và thầm vui mừng khi chứng kiến ngày lễ dâng hương và tin chắc rằng từ nay trở đi KHU TƯỞNG NIỆM CÁC LIỆT SỸ TRUNG ĐOÀN 207 lúc nào cũng sẽ ấm cúng vì nhân dân, bạn bè, đồng đội cả nước không bao giờ quên ơn các anh…

Ngày 10/1/2013
Vũ Trung Kiên CCB Trung đoàn 207

LSV (g/th)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét