Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2016

Những ngày đầu làm lính (1/4)

NHỮNG NGÀY ĐẦU LÀM LÍNH

Trích từ "Ký ức một thời hoa lửa"
của Lê Xuân Tường, CSV K14XD - CCB D60, F304B, QK.Việt Bắc
*********

Lời giới thiệu:

Trong những năm chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc, các trường đại học hầu hết phải sơ tán lên các vùng núi phía Bắc (thuộc địa bàn Khu tự trị Việt Bắc). Từ đây các sinh viên nhập ngũ đều được huấn luyện tại Sư đoàn 304B, Quân khu Việt Bắc. Vì thế rất nhiều những người "lính-sinhviên" đều có những kỷ niệm sâu sắc của một thời trai trẻ gắn bó với F304B và Khu tự trị Việt Bắc. (trong những người "lính-sinhviên" ấy có Nguyễn Văn Thạc "mãi mãi tuổi 20").

Những năm 1971-1972, QĐND Việt Nam chuẩn bị lực lượng cho những cuộc tổng tấn công tại các chiến trường Quảng Trị, Bắc Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, rất nhiều sinh viên các trường đại học: tổng hợp, bách khoa, xây dựng, sư phạm, cơ điện, mỏ địa chất, thủy lợi, ... đã được gọi nhập ngũ và đều trải qua giai đoạn huấn luyện tại các vùng đồi núi bán sơn địa tại các địa phương thuộc hai tỉnh Bắc Thái và Hà Bắc (cũ).

Từ đây, sau khi trải qua ba tháng huấn luyện cơ bản cấp tốc, những người "lính-sinh viên" được đưa vào các chiến trường, và chủ yếu vào hai chiến trường chính là Quảng Trị (B5) và Nam Bộ (B2).

Đối với chúng tôi - những người "lính-sinhviên" Đại học xây dựng Hà Nội - gắn bó nhiều kỷ niệm nhất với D60, F304B (nhập ngũ 27/5/1972, bổ sung vào chiến trường B5 - mặt trận Quảng Trị) và D74, F304B (nhập ngũ 13/9/1972, bổ sung vào chiến trường B2 - miền Đông và Tây Nam Bộ).

Lê Xuân Tường là một trong những người "lính-sinhviên" chúng tôi, là chiến sỹ của Tiểu đoàn 60, Sư đoàn 304B, QK.Việt Bắc.

Anh sinh năm 1952 tại Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội. Từ 1966-1969 học cấp 3 Yên Hòa B, Hà Nội (cùng trường với liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc). Năm 1969 là Sinh viên K14 Đại học xây dựng Hà Nội. Nhập ngũ ngày 27/5/1972, huấn luyện tại D60, F304B, QK Việt Bắc. Cuối tháng 7/1972 đi B, biên chế vào C3, D1, E101, F325, chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị. Là thương binh hạng ¾. Tháng 7/1975 xuất ngũ. Sau đó về học tại trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Từ 1981-1984 công tác tại đoàn chuyên gia giáo dục VN tại Kampuchia. Năm 1984 chuyển về công tác tại Ngân hàng Công thương Việt nam, chi nhánh TP.Hà Nội. Nghỉ hưu tháng 6/2012.

Quá trình chiến đấu và công tác anh được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân huy chương và danh hiệu cao quý vì những thành tích cống hiến của mình. Là thành viên tích cực trên diễn đàn Quân sử Việt Nam (vnmilitaryhistory.net-VMH) với rất nhiều bài viết trong Ký ức một thời hoa lửa như:
- Những ngày đầu làm lính
- Ngược dòng ký ức
- Ký ức tuổi 20 - Suy nghĩ về một thế hệ
- Người cha già của Trung đoàn
- Về Quảng Trị
- Nước Nga với những người lính sinh viên
- ...

Với những người "lính-sinhviên" thì những bài viết này của anh, cũng như tác phẩm "Mãi mãi tuổi hai mươi" của Nguyễn Văn Thạc, thực sự gắn bó với những kỷ niệm không bao giờ quên của một thời trai trẻ đã tham gia chiến đấu và hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Được sự đồng ý của tác giả Lê Xuân Tường, tiếp theo những bài viết ngắn đã đăng tải, từ số này LSV xin trân trọng giới thiệu với đồng đội và bạn hữu một số bài viết dài kỳ trong các tác phẩm của anh. Hy vọng sẽ cống hiến cho đồng đội và bạn hữu có  một cái nhìn toàn cảnh về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc với thế giới quan và nhân sinh quan của những người "lính-sinhviên" chúng tôi. Trân trọng!
LÍNH SINH VIÊN
*************

NHỮNG NGÀY ĐẦU LÀM LÍNH (1)

Ngày 27/5/1972 những SV ĐH xây dựng chúng tôi bước sang một cuộc đời mới - cuộc đời của những người lính. Xe của trường chở chúng tôi rời khu C tại chợ Yên, xã Tiền Phong, huyện Yên Lãng, Vĩnh Phú qua Thượng Lệ, Mê Linh, Thanh Tước ra QL2 và ngược về phía Vĩnh Yên. Qua cầu Bình Xuyên chúng tôi rẽ tay trái vài ba cây số đến xã Đạo Đức thuộc huyện Bình Xuyên, chúng tôi xuống xe. Không hiểu hôm đó giao quân kiểu gì mà tốp chúng tôi từ khu C cứ vất vưởng vì chưa được giao quân, cơm nước không có mà ăn lăn lóc hết quán nước này đến bụi tre kia ngồi tránh nắng. Bụng đói mà chợ búa ở đây lèo tèo chẳng có gì mà ăn. Mãi tới xế chiều mới giao quân, tôi được đưa vào 1 nhà dân để nghỉ, ở đây đã có một vài anh em đến từ hôm trước. Sinh viên của ĐHXD ở Hương Canh cũng đã giao nhận từ hôm trước. Nhà tôi ở có anh Oanh K12C (cầu đường), Khoa râu K13C, Tú trường công nhân máy kéo và tôi. Tôi được biên chế vào a3/b1/c1/d60/f304B. Đây là 1 đơn vị huấn luyện quân tăng cường đóng ở Phú Bình, Bắc Thái. Tiểu đội trưởng của tôi tên là Sơn, vóc người chắc đậm quê Nghệ An. Sơn nhập ngũ trước chúng tôi, đợt tháng 12/1971 từ trường trung cấp mỏ địa chất. Tiểu đội phó là anh Nguyễn Trần Được K13C. Tiểu đội tôi có 12 người: Sơn a trưởng, anh Được a phó, anh Tuệ K12X, anh Châu K12 Cảng, anh Oanh K12C, Mỹ 13X, Khoa 13C, anh Ba giáo viên khoa Thông gió, Mẫn 15C, Tú và Xứng cùng ở trường công nhân máy kéo và tôi.

Ở Đạo Đức hai hôm chúng tôi nhận quân trang gồm 1 bộ quần áo dài bằng vải Nam Định, 2 bộ đồ lót, 1 cái màn xô xanh, 1 đôi dép đúc Trung Quốc và 1 tấm vải nhựa che mưa, những gì còn lại như ba-lô, mũ cứng... về đơn vị phát tiếp. Buổi chiều ngày thứ 2 cả đơn vị xúng xính trong trang phục mới tập trung tại sân kho của HTX để nhận cờ tiểu đoàn Bùi Ngọc Dương do Ban giám hiệu trao tặng và rời Đạo Đức hành quân ra ga Hương Canh để lên tầu.

Cái đêm hành quân ra ga Hương Canh để đợi tầu lên Thái Nguyên thật là ấn tượng. Cứ một thằng lính là có đến 4, 5 người đi tiễn. Hương Canh là nơi trường ĐHXD đóng (bao gồm hiệu bộ và các khóa từ 12 cho đến 13 và 1 số lớp của khóa 14 của các khoa, còn từ 14 đến 16 vẫn ở khu C Chợ Yên). Cả trường ra tiễn và không ít người từ khu C đạp xe lên. Còn phải kể tới các trường trung cấp mỏ - địa chất và trường công nhân máy kéo gần đó, người ở lại ra tiễn người ra đi. Những anh em ở trường ĐH Tài chính ở Phúc Yên, rồi trường ĐH Công nghiệp nhẹ ở Việt Trì chắc ở xa quá nên không có mặt trong số những người đi tiễn đêm đó. Thật là 1 cảnh tượng không thể nào quên trước khi lên đường. Mấy đứa chúng tôi ở khu C không có bạn bè ra tiễn nên rúc vào 1 chỗ hút thuốc vặt trong lúc chờ tầu và trông đồ cho hội Hương Canh tản mát khắp nơi. Cách chỗ chúng tôi không xa bên hàng cây ven đường sắt những đôi bạn yêu nhau quyến luyến chia tay nhau trong những tiếng nấc nghẹn ngào bị át đi bởi tiếng gọi tìm nhau ơi ới... Tôi được phân công đeo 1 cái nồi, không ít người bị dính nhọ nồi trong khi chen vai thích cánh để tìm bạn. Không biết cái ga xép Hương Canh đó đã lần nào được chứng kiến cảnh người đi người ở đông khủng khiếp như đêm hôm ấy chưa.

Nửa đêm, chúng tôi lên tầu, dưới ánh trăng hạ tuần qua cửa sổ của con tầu những cánh tay chìa ra tạm biệt và có thể vĩnh biệt lắm chứ thì hàng ngàn cánh tay bên dưới lưu luyến vẫy theo, không ít những cô gái nhoai theo đoàn tầu đưa người yêu đi, bạn bè phải ghìm giữ lại. Tôi không có một người bạn nào trong số đó, nhưng trong lòng mình cũng xốn xang nao lòng trước cảnh chia ly như thế. Tầu đang chuyển bánh từ từ bỗng khựng lại không biết vì sao mãi một lúc mới lại chạy. Sau này mới biết B. học lớp 14CH yêu B. 12 C, được tin người yêu lên tầu ở Hương Canh quá muộn, cô ta mượn 1 cái xe đạp đạp từ khu C (Chợ Yên, Tiền Phong, Yên Lãng) cách 25 km trong đêm lên Hương Canh để gặp người yêu, không ngờ tầu đã chuyển bánh, cô ta đã lao ra đường sắt giang tay để ngăn đoàn tầu lại để gặp B. Sức mạnh tình yêu thật là phi thường khiến cho cô gái đã can đảm như thế.

Sáng sớm, tầu dừng ở ga Phổ Yên sau 1 đêm chạy như rùa bò. Cả tiểu đoàn bắt đầu hành quân bộ. Một tiểu đoàn phải đến 600 quân bắt đầu chặng đi bộ dưới cái nắng tháng 5 khủng khiếp. Không mũ nên đủ kiểu che nắng: người dùng khăn mặt quấn lên đầu, người dùng cành lá che nắng, kẻ tạt xuống bên đường ngắt lá khoai nước hoặc 1 lá sen phủ lên đầu, còn tôi nhặt được 1 cái nón rách ở hàng rào bên đường để có cái đội chống nắng. Ba-lô chưa có, quân trang chỉ có mỗi cái màn và 1 bộ đồ trên người nên cũng đơn giản: lấy vải nhựa bọc tư trang cá nhân lại và kiếm sợi dây buộc lại đeo toòng teng trên người. Còn tôi được phân công mang 1 cái nồi quân dụng nên tư trang cho hết vào nồi đậy vung lại dùng dây cột chặt nắp nồi và buộc dây vào 2 quai để đeo trên lưng, cũng tiện. Đội hình hành quân hàng 1 được cây số đầu bắt đầu loạc choạc mạnh ai nấy đi, mệt thì ngồi nghỉ. Cán bộ khung chạy ngược chạy xuôi đôn đốc cũng chẳng ăn thua, lính tráng lết bết trên đường dưới trời nắng như thiêu. Ngẫm lại quang cảnh cuộc hành quân hôm ấy có lẽ chẳng ai nghĩ rằng đó là 1 đội quân ngoài bộ quân phục trên người. Cũng còn may được cấp dép đúc để đi nếu không với những dép nhựa lê mang đi thì không thể đi mấy chục cây số như vậy.

Con đường từ Phổ Yên sang Phú Bình là vùng bán sơn địa với những quả đồi thấp, nhiều đồi trồng thông, bạch đàn trông rất đẹp. Xóm làng hai bên đường thưa thớt. Buổi trưa chúng tôi nghỉ tại 1 xóm nhỏ bên sông Cầu để nấu ăn. Bữa cơm dã ngoại đầu tiên của đời lính được triển khai tại nhà dân theo từng tiểu đội. Ăn xong chúng tôi nằm vật dưới bụi tre để nghỉ trưa, thỉnh thoảng vài ngọn gió hiếm hoi từ sông xua đi cái oi nồng làm dịu bớt cái mệt mỏi đầu tiên trong đời lính.

Đang chìm trong giấc ngủ mê mệt thì tiếng còi tập hợp rúc lên. Ông Viên b trưởng phổ biến chuẩn bị vượt sông. Ông ấy cho biết: đây cũng là 1 nội dung huấn luyện cho nên mọi người được cấp 1 miếng vải mưa vừa che mưa vừa để gói tư trang làm phao vượt sông. À ra như vậy, khi nhận quân trang có miếng vải mưa ai cũng cho là thừa vì ba-lô thì chưa có mà đã cấp vải mưa trong khi trời tháng 5 nắng như đổ lửa.

Sơn hỏi: "Trong tiểu đội những ai không biết bơi?", tôi và anh Được đứng ra ngoài hàng. Sơn hướng dẫn các gói phao bơi và cho tôi và anh Được bơi ở giữa cả tiểu đội bơi xung quanh để kèm. Nước sông Cầu đoạn này trong vắt chảy rất êm đềm. Thì thụp trong dòng nước và mấy lần chìm nghỉm nhưng nhờ có đám phao của tiểu đội và nhất là anh Tuệ kèm sát nên lại ngoi lên được. Lên tới bờ, mệt nhoài vì căng thẳng nhưng lại sảng khoái vì từ hôm nhập ngũ đến hôm nay mới có trận tắm thoải mái như thế này.

Chúng tôi lại hành quân tiếp, cứ như thế mạnh ai nấy đi không theo 1 hàng lối nào cả. Mệt quá thì đến chỗ có bóng mát thì nằm vật xuống để lấy lại sức. Hết những dãy đồi thông, bạch đàn là những cánh đồng lúa đang vụ gặt. Đặc biệt là hệ thống mương máng sông đào chằng chịt với những âu thuyền, cửa cống bằng đá hộc, chứng tỏ công trình thủy lợi này đã có từ rất lâu. Anh Châu là dân thủy lợi cho biết đây chính là hệ thống thủy lợi được xây dựng dưới thời Pháp thuộc mà một trong tác giả của công trình này là Hoàng thân Xu-pha-nu-vông.

Chiều tà chúng tôi rời bờ kênh rẽ trái hướng về dẫy đồi thông, 1 quán nước dưới gốc cây đa cổ thụ bóng mát của nó che phủ một khoảng rất rộng, đứng đây tầm mắt mở tới rất xa với những cánh đồng lúa và những dòng kênh thẳng tắp. Chúng tôi ngồi nghỉ uống nước, bà cụ bán nước múc cho chúng tôi những bát chè xanh và nói: "Các chú sắp đến rồi đó, hết dãy đồi thông trước mặt là đến nơi". Đây là xã Tân Đức thuộc huyện Phú Bình. Phía trước mặt là đất Tân Yên, Hà Bắc. Hơn ba chục năm sau, trong dịp về Nhã Nam viếng mẹ của Hiền "phệ" mấy đứa chúng tôi tranh thủ lên Tân Đức để thăm lại chốn xưa. Cây đa vẫn còn đó nhưng dưới gốc đa đã là 1 phố thị sầm uất với nhiều cửa hàng từ quán bia, ăn nhậu tới quán làm đầu, bán hàng tạp hóa, xưởng sửa chữa máy nông nghiệp, rồi sửa chữa TV, thậm chí có cả quán karaoke với thấp thoáng bóng những cô gái mắt xanh mỏ đỏ. Cái gọi là văn minh đô thị đã đổ bộ về một vùng đất hẻo lánh xưa kia nơi đã để lại trong lòng chúng tôi 1 khoảng không gian và thời gian không thể phai nhòa để chuẩn bị bước vào một cuộc chiến ác liệt với nhiều người không bao giờ trở về nữa.

Chúng tôi qua 1 đồi thông, dưới chân đồi là mấy dãy nhà lợp nứa đó là c2, ở c này là số anh em K16, một số K13 và một số giáo viên của trường, ngoài ra còn anh em của các trường khác.

Đi tiếp hơn 1 cây số chúng tôi đến nơi đóng quân, đây thuộc xóm Quẫn của xã Tân Đức, trước mặt là 1 hồ nước, cả đại đội gồm dãy nhà lợp nứa: 1 dãy của c bộ, 1 dãy là nhà bếp và hội trường kiêm nhà ăn còn 4 dãy còn lại là của 4 b. Tất cả quay vào 1 sân chung chung quanh là đồi trọc chỉ có những đám cỏ thanh hao và cỏ guột khô xác.

Dãy nhà của các b chắc vừa làm xong mới chỉ có khung nhà, cửa giả chưa có, giường chiếu cũng không. Đêm đầu tiên chúng tôi phải trải vải mưa thay chiếu để ngủ sau 1 ngày hành quân qua hơn 40 cây số để về đơn vị.
... (còn nữa)
LSV giới thiệu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét