Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2016

Ba lần lễ giỗ LS (NBS)

Đá Biên & e207
NHỚ LẠI BA LẦN LỄ GIỖ CÁC LIỆT SỸ ĐÁ BIÊN
Hy sinh ngày 08/9/Quý Sửu (03/10/1973)
Nguyễn Bá Sỹ - 31/10/2013

Lễ giỗ lần thứ 38 (04/10/2011)

Đã từ mấy chục năm nay, ngày 8-9 âm lịch hàng năm trở thành ngày hội của làng tại ấp Đá Biên, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An. Ngày hội này do dân tự tổ chức theo tiếng gọi của lương tâm chứ không phải cấp nào hướng dẫn, do vậy rất đơn sơ giản dị như chính người nông dân Hai Lúa miền quê, đơn sơ giản dị nhưng cũng vẫn đầm ấm vui vẻ.


Nước nổi mênh mông



Miếu Bắc bỏ trong ngày Hội làng 8-9 (4-10-2011)


Mọi người về ăn giỗ các Liệt sỹ

Vào tháng này nơi đây là mùa nước nổi, xung quanh các gò đất có cây tràm, nước ngập mênh mông. Ai mới tới đây lần đầu cũng lộ vẻ e ngại, nhất là các cô ở vùng không có sông nước. Trên các vỏ lãi, xuồng ba lá là phương tiện giao thông chủ yếu, dân quanh vùng hớn hở tấp nập đổ về miếu Bắc Bỏ đơn sơ mà thấm đẫm tình người tham dự Lễ giỗ Liệt sỹ.


Miếu nhỏ đơn sơ - Một biểu tượng của lòng dân

Trên gò đất nổi bên nhà Tư Tờ, một cái "lều" được người dân dựng lên từ các loại vật liệu địa phương để làm miếu thờ các chiến sỹ vì nước hy sinh. Nghĩa cử này xuất phát từ cái tâm mà không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì. Chợt nhớ câu của nhà thơ Nguyễn Duy:

Vì Dân dân lập miếu thờ
Hại Dân dân đái thối mồ ngập xương.

Miếu nhỏ đơn sơ trở thành một biểu tượng của lòng dân, của tình đồng loại.


Dân địa phương, cựu chiến binh, khách thập phương tưởng nhớ các anh


Không mâm cao cỗ đầy, chủ yếu là sản vật địa phương

Mọi người ai có con cá, con vịt, rau, hoa trái...v.v... mang tới  góp giỗ; cùng nhau khấn vái cầu mong anh linh Liệt sỹ phù hộ sức khỏe, làm ăn trúng mùa rồi bày biện ăn uống đờn ca thâu đêm suốt sáng.


Nơi ăn cỗ của dân làng


Chén cỗ


Kể chuyện ngày xưa


Ca nhạc cây nhà lá vườn


Ca sỹ Trọng Tình, giọng nam cao (teno) của cựu chiến binh E207


Giao lưu với khách

Những màn ca nhạc cây nhà lá vườn cũng có sức hấp dẫn mạnh mẽ. Họ lấy mâm chậu để gõ nhịp rộn ràng. Tiếng vỗ tay, ca hát, cười nói vui vẻ tưng bừng vang khắp vùng đồng nước.


Lưu luyến tiễn khách

Ngày hội của làng là vậy, đã diễn ra nhiều năm như thế.


Lễ giỗ lần thứ 39 (22/10/2012)

Từ Lễ giỗ lần thứ 39 đã khác, nơi đây đã được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, bên cạnh miếu nhỏ đã dựng lên Bia và Nhà tưởng niệm bề thế từ nguồn lực của xã hội và rất nhiều nhà hảo tâm trị giá nhiều tỷ đồng.


Lễ khánh thành


Thắp nến tri ân


Bia tưởng niệm


Nhà chính Khu tưởng niệm

Trong lễ khánh thành người dân nơi đây có lẽ lần đầu tiên trong đời được nghe đội quân nhạc cử quốc thiều.

Năm đó Huyện dự định mời hơn một ngàn rưỡi khách, thực tế có lẽ gần ba ngàn. Việc đón tiếp không thể chu toàn nhưng ai nấy đều hồ hởi phấn khởi vì cách đây đúng một năm không ai hình dung nổi công trình to đẹp như thế đã hiển hiện trước mắt mọi người.

Lễ giỗ lần thứ 40 (12/10/2013)

Ngày 12-10-2013 là giỗ lần thứ 40. Thời gian trôi đi quá nhanh, anh em Bắc Nam í ới gọi nhau hẹn hò tham dự. Các đoàn phía Bắc tham gia khá đông: Thân nhân gia đình liệt sỹ, Trường ĐHXD Hà Nội, Cựu chiến binh E24, E207, Công ty Tây Hồ, các anh Quảng, Tiến, Trần Nhương....., có anh Mùi người sống sót 40 năm sau trận Đá biên và nhiều anh chị nữa không biết tên cũng vào. Tổng cộng trên dưới 50 người. 


CCB E24


CCB E207

Riêng gia đình liệt sỹ Trần Bá Hợp bay vào 9 người, nào anh chị em trai, gái dâu rể với chi phí không nhỏ, tối 12-10 lại bay ra ngay. Thế mới thấy tình thâm máu mủ ruột rà sâu đậm trong người phương Đông dễ gì dứt bỏ.

Các đoàn phía Nam cũng khá, có E207, E24 từ Tiền Giang và các vùng xung quanh, Tư Kiên từ Chợ Mới, An Giang, Lân từ Tây Ninh, đoàn Sài Gòn đông hơn cả.


Với đoàn ĐHXD


Lễ thả hoa đăng


Hoa đăng


Với gia đình LS.Hợp


Lại "bên ven bờ Hiền Lương"


Chiều nay ra đứng trông về!


Cây đa đền Hùng

Cây đa Đền Hùng vào Đá Biên trước nay đã xanh tươi, lá to khỏe khoắn. Mai này vươn cao để từ xa trên cánh đồng nước mọi người có thể nhận biết Khu tưởng niệm Liệt sỹ, cây như một điểm cao, một dấu hiệu cây đa mái đình nơi quê hương đất Tổ mà cây xuất phát ra đi.


Đôi cây hoa sữa ngày đầu trên vùng quê mới

Cây Hoa sữa đến lần giỗ 40 năm cũng đã về đây cùng với cây Bàng vuông từ nơi sóng cả biên thùy. Hương hoa sữa Hà Nội êm dịu hòa cùng nét phong ba vững trãi Bàng vuông Trường Sa bên cạnh bóng mát xum xuê của Cây đa cổ kính sẽ làm nên bài thơ Thống nhất non sông.

Từ lần giỗ thứ 39 năm 2012 Tỉnh, huyện đứng ra tổ chức, rất nhiều cán bộ chỉ đạo và tham dự. Người dân quê trở thành khách thể, họ khép nép lui về phía sau nhường chỗ cho cán bộ và các đoàn thể trong bộ đồ phẳng phiu với dáng vẻ nghiêm túc khẩn trương làm việc. 

Hoành tráng hơn, quy củ lung linh hơn nhưng đầy vẻ nghi thức. Nên chăng những năm sau tỉnh, huyện chỉ đạo từ xa, tạo cho dân vai trò chủ động. Chính các nông dân chất phác hay lam hay làm quen việc đồng áng đánh bắt cá, các  tác giả của Miếu Bắc bỏ sẽ tổ chức Lễ giỗ như bao nhiêu năm trước họ đã từng làm. Và  mang lại cái hồn Ngày hội của làng như xưa thì vui biết bao nhiêu!

Chiều hôm trước vào tới nơi, việc đầu tiên chúng tôi thắp hương cho anh em bạn bè đồng đội đã hy sinh. Ngoài các đồ lễ quê hương mang từ đất Bắc có cả một chú heo quay vàng ruộm do KTS Lê Hải, Kỹ sư nông nghiệp Văn Tiến dâng lên bàn thờ các Liệt sỹ, chứng tỏ đây là một kỳ lễ trọng.

Sau đó là màn chào hỏi tay bắt mặt mừng, giao lưu vui chơi đến khuya chờ đón Lễ giỗ chính vào hôm mai.

Nguyễn Bá Sỹ - 31/10/2013

LSV (g/th)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét