Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2016

Nhật ký quân ngũ (17)

NHẬT KÝ QUÂN NGŨ (17)

Kiều Vĩnh Lộc, CCB C2, D74, F304B, QKVB - CCB D3, E4, F5, QK7

*******

alt

Xem: >>(1)>>(2)>>(3)>>(4); >>(5); >>(6); >>(7); >>(8)>>(9)>>(10); >>(11); >>(12); >>(13); >>(14); >>(15)>>(16); >>(17)

*********

... (tiếp theo)

14/08/73

Chuẩn bị hành quân thì có lệnh dừng lại nghỉ 1 ngày để chờ lấy gạo. Mình cùng Lợi đi lấy măng ở phía bờ sông. Măng tre thì nhiều lắm nhưng vắt cũng lắm, chúng bu vào chân, bò lên bụng, lên cổ thật là ớn.
Sông này nhiều cá, tiểu đoàn tổ chức cho đánh cá bằng lựu đạn nhưng vì nước chảy xiết quá nên không vớt được mấy. Mỗi tiểu đội được chia 1 con chừng 2 lạng.

15/08/73

Vẫn nghỉ lại ở đây chờ hậu cần quân khu đổi phiếu gạo. Được cấp thêm 2 hộp cá và 2 lạng bột ngọt. Hậu vẫn chưa khỏe. Cậu này nhác ăn lắm. Sốt cũng xoàng thôi mà mỗi bữa chỉ ăn chút cháo thì làm sao khỏe được.

16/08/73

Có khả năng không chờ lấy gạo ở đây. Sáng nay trinh sát đã đi nhận đường để mai đi. Chiều cùng Sắn lên nghe đài ở đoàn bộ.

17/08/73

6g30' bắt đầu hành quân, đường đi khá lầy lội. Hậu vẫn sốt phải cử người đi thu dung phía sau. Phía trong này sao đường lầy lội quá.

18/08/73

Nghỉ lại một ngày. Trời vẫn mưa.

19/08/73

Hành quân được 45', trinh sát báo về chưa có đò vượt sông nên lại quay trở về bãi cũ.
Mấy bữa nay mưa suốt, đường đi lầy lội quá nên chỉ nằm hoài trên võng không muốn đi đâu nữa. Gần đây có một cơ quan dân chính, mấy người ra chơi, nhận đồng hương và "kiếm chác".
Có một số chị em vào đây từ 68-69, nay gần 30 tuổi rồi, chưa chồng con gì cả. Sự hy sinh của họ thật là vô giá. Trong cuộc đấu tranh cách mạng này, có gì cân bằng với mọi sự hy sinh của dân ta. Có là một người Việt Nam chân chính thì mới thấy hết được mọi sự hy sinh lớn lao đó và cũng mới thấy hết được giá trị, ý nghĩa của mọi sự hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Mỗi ngày mỗi đêm ở trong chiến trường này, gian khổ, ác liệt vẫn còn nhiều nhưng niềm tin vào thắng lợi ngày mai càng thôi thúc mình hơn.

20/08/73

Một giờ chiều nay đi lấy gạo. Đi qua một trảng lớn, dọc lộ Thài Lài xuống sát bờ sông Đồng Nai. Khu vực dọc lộ Thài Lài chất độc hóa học Mỹ đốt cháy trụi cả. Men theo bờ sông này đất trũng quá, lội bì bõm trong rừng, nước ngập tới đùi, vắt thì nhiều vô kể, hễ cứ dừng lại là chúng bâu vào ngay (hốt thật!). Suốt hơn một tiếng, đi vào rồi đi ra mà không tìm được kho, được lệnh vào rừng tự tìm chỗ ngủ. Mình và Hạo kiếm được chỗ mắc võng cũ, vừa phủ tăng lên thì mưa ập tới.

21/08/73

5g30' chiều có lệnh báo vào kho lấy gạo (thì ra hôm qua đến ngay cạnh kho mà nước ngập không nhận ra lối vào). Trận mưa đêm qua lớn thật, con suối nhỏ hôm qua nước đến ống chân mà nay về nước gần ngập đầu, chảy xiết.
Gặp mấy đ/c ở Khu ủy đi công tác. Dừng lại nói chuyện và kiếm thuốc hút. Tới ngã ba thì gặp Lịch ra đón, ba thằng làm "bài ca ống cóng" xong đi tiếp. Về tới bãi đã hơn 4 giờ chiều.
Trời vẫn mưa rả rích.

22/08/73

Để giấu lực lượng qua sông nên nay phải cắt rừng đi. Tới sát bờ sông Đồng Nai nghỉ lại để mai vượt sông. Bãi này kỷ lục về vắt đây. Thật là "vắt Đồng Nai"!.

23/08/73

Vượt sông Đồng Nai bằng xuồng máy. Số ốm được để lại gửi trạm. Khúc sông này rộng chừng 500-600m, nước chảy xiết. Hai bên bờ sông tre bạt ngàn. Thật là "Tre Đồng Nai - Nứa Việt Bắc". Đơn vị mình sắp được sống và chiến đấu mang tên con sông hùng vĩ này đây - "Trung đoàn Đồng Nai". Qua sông đi hơn 4 tiếng thì được lệnh nghỉ lại để tối vượt lộ 20.

24/08/73

6 giờ 30' đêm qua vượt lộ 20 an toàn. Lộ 20 khá rộng, hai bên đường là những lô cao su lớn, cách đoạn vượt lộ chừng 500m có một bốt địch. Để tránh khu nương của dân nên đoàn phải đi vòng mãi tới 11 giờ khuya mới dừng lại nghỉ. Đi trong rừng, đèn không có, trời mưa nên đường lầy lội nữa nên đi lại thật khó khăn.
8 giờ sáng nay hành quân tiếp. Khi vượt sông Buông nhiều cậu bị ướt gạo và ba-lô vì nước chảy quá xiết.

25/08/73

Nay nghỉ một ngày, mai hành quân tiếp. Hậu đã đỡ nhưng Chuẩn lại bị nặng. Nó vừa đánh cờ với mình, kêu em khó chịu quá, bỏ lên võng nằm là bắt đầu sốt run lên. Tiêm qui-nin không chịu nổi, bị ngất xỉu ngay.
Bây giờ anh em ai cũng kiệt sức cả rồi, phải động viên tương trợ cùng nhau cố gắng cho hết chặng đường cuối cùng này.

26/08/73

Vượt lộ 3 lúc 5 giờ chiều. Lộ này nhỏ nhưng điểm vượt lộ chỉ cách bốt ngụy có hơn 200m. Lúc vượt qua lộ là lúc trời mưa to, phải khom lưng chạy một bữa đến đứt hơi.
Qua bên kia lộ chừng hơn 1 tiếng có lệnh dừng lại nghỉ trong một khu rừng già. Trời tối đen như mực. Mưa vẫn chưa ngớt.

27/08/73

5 giờ sáng hành quân đi tới 8 giờ dừng lại nấu cơm ăn bên một con suối nhỏ (câu được 2 con cá và 10 con cua). 9 giờ 45' đi tiếp. Một giờ chiều dừng lại chờ vượt lộ. Mãi 5 giờ chiều trinh sát báo về vẫn chưa tìm được đường đi và cũng chưa nắm chắc được tình hình địch nên đoàn trưởng cho lệnh nghỉ lại 1 đêm. Mai dựa vào bản đồ cắt đường.

28/08/73

Cắt rừng đi mãi từ 8 giờ sáng tới 2 giờ chiều mà vẫn chưa bám được đường ra lộ 1. Khu rừng này dân vào lấy gỗ nhiều, đường xe be như màng nhện trong rừng (gặp dân mà phải chạy tránh dân mới khổ chứ).
4 giờ chiều trinh sát báo về là đã bám được đường. Đoàn trưởng lệnh rẽ vào rừng cách đường xe 30' nấu cơm ăn. 10 giờ đêm vượt lộ.

29/08/73

Lộ 1 khá rộng (đoạn này đi từ Biên Hòa về Sài gòn). Hai bên lộ là vùng trắng. Chặng đường đi ra lộ là một đường xe be rộng nhưng rất lầy lội, nhiều quãng nước ngập quá gối.
Cách đây hơn 200m là ấp 4 và có một bốt ngụy. Đúng 1 giờ sáng (30/8) qua khỏi lộ. Địa hình khu vực này trinh sát nắm chưa vững (có giao liên đi cùng với đoàn cán bộ quân khu) nên đi qua lộ chừng 1 tiếng thì bị lạc. Cắt rừng đi loanh quanh mãi không tìm được hướng đi. Tiểu đoàn lệnh dừng lại nghỉ chờ sáng tìm đường đi tiếp. Nói là nghỉ nhưng đâu có ngủ được, quần áo ướt sũng, nước lép nhép dưới chân, không có chỗ mắc võng mà muỗi thì nhiều vô kể. Thằng Sắn rải tấm tăng xuống, hai đứa ôm nhau nằm một lúc nhưng cũng không ngủ được (phần vì rét, phần vì muỗi).
5 giờ 30' có lệnh hành quân, nhưng đường đã tìm ra đâu, đi loanh quanh trong rừng rồi đâm ra một trảng lớn có tấm biển đề "đất có chủ". Trảng này nằm sát ngay lộ 1. Tiếng xe, tiếng người nói, tiếng bọn lính gọi nhau đổi gác nghe rõ mồn một.
Kiểu này thật là gay. Không khéo bị bắt sống cả tiểu đoàn. Thế là lệnh im lặng đi quay trở lại. Mãi hơn 8 giờ sáng mới tìm được lối ra. Tới đầu đường Trà Lú được dừng nghỉ lại nấu cơm ăn. 11 giờ đi tiếp theo đường Trà Lú, qua đầu dãy núi Mây Tàu, tới khu vực kinh tài Bà Rịa thì nghỉ lại (gần đây có bộ đội tỉnh đóng).

30/08/73

Hôm nay được nghỉ lại một ngày để chờ liên lạc với Trung đoàn (Trung đoàn mới chuyển từ bên kia lộ 2 sang khu vực gần đây).
Đây thuộc đất giải phóng rồi nên sinh hoạt thoải mái.
Sáng nay mình cùng Lợi đi câu được vài con cá.

31/08/73

8 giờ sáng hành quân tiếp. Hôm nay trời nắng quá. Số bệnh yếu được đi xe ô tô của E ra đón. Tới khu vực đầu Bầu Lâm (một xã giải phóng mới thành lập, dân mới được đưa về mấy tháng nay nên nương rẫy của họ cũng còn mới lắm).
12 giờ đi tiếp đến con suối nhỏ bên ngoài khu dân y và trường thiếu sinh quân của tỉnh Bà Rịa thì nghỉ lại (khu này phần lớn là cây lồ ô)

01/09/73

10 giờ sáng chính thức về tới căn cứ của tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn 4 (Q4), Quân khu miền Đông Nam Bộ.
D3 mới chuyển về đây được ít ngày nên căn cứ chưa ổn định được.
3 giờ tiếp tục đi lấy gạo về nghỉ ở đây chờ E phân bổ đi các nơi. Như vậy là đã kết thúc một đợt hành quân 225 ngày.
Một cuộc hành quân vĩ đại. Từ miền Bắc XHCN (xuất phát từ tỉnh Bắc Thái) qua 5 tỉnh của Lào, 4 tỉnh Campuchia và nay ta đã về đây. Bà Rịa-Long Khánh sát cửa ngõ Sài Gòn.
Một cuộc hành quân vĩ đại! Một thắng lợi vĩ đại!

02/09/73

    Thế là mình chính thức về tiểu đoàn 3, Trung đoàn 4 (là 1 trong 2 trung đoàn chủ lực của Quân khu Miền Đông Nam Bộ - gồm E4 và E33).  Số quân của đoàn 2013 về đây, E biên chế cho D3 107 người, số còn lại bổ xung cho Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2 và các đại đội trực thuộc trung đoàn. Trung đoàn giao cho mình làm trợ lý Quân Lực tiểu đoàn 3, Lịch về đại đội pháo 12ly8 (C18).
    Ở đây, các đ/c trong BCH trung đoàn, tiểu đoàn và lãnh đạo các ban Tham mưu, Chính trị, Hậu cần đều là người Nam Bộ cả. Anh Tư Bình tiểu đoàn trưởng là người dân tộc Châu Ro, quê tỉnh Bà Rịa. Chính trị viên tiểu đoàn là anh Tư Hoa (cán bộ miền Nam đi tập kết về). Cán bộ các đại đội và trợ lý tiểu đoàn đa số là người miền Bắc.
    Khu vực này rau cỏ ít nhưng thịt thú rừng thì nhiều lắm. Nghe nói chỉ cần chặt cành cây tấp lối đi đặt bẫy một lúc thôi là có thú rừng mắc bẫy liền. Tối hôm qua Y Sĩ Tấn và cậu Ngọc (liên lạc) đi bắn đêm được 2 con cheo và 1 con Dọc. Dọc ở đây nhiều lắm, từng bầy chạy ầm ầm dưới đất, thấy động thì nhảy lên cây, leo thoăn thoắt (con Dọc giống như con khỉ nhưng to hơn và có đuôi dài). Các anh ấy nói ở đây có đủ cả: Cheo, Chồn, Nhím, Trút (tiếng Nam Bộ phát âm là Trúc, tức con tê tê), rồi Mễn (con hoẵng), Nai, Hươu, Trăn, Hổ, Báo, Voi... rồi các loại chim và gà rừng nữa. Ở đây sẽ được ăn đủ loại thịt thú rừng đấy.
    Trước đây có những giai đoạn ác liệt, khó khăn lắm. Trung đoàn bị quân Mĩ, Úc, Thái Lan, quân Ngụy vây hãm, phải ăn củ Mài, Khoai, Mỳ (sắn) và rau rừng cả tháng - Nhưng chiến đấu thì E4 là nhứt đấy (các anh ở tiểu đoàn nói thế). Trung đoàn 4 (trung đoàn Đồng Nai) đã được phong tặng danh hiệu Anh Hùng LLVTND, Trung đoàn sắp làm lễ đón nhận danh hiệu cao quý này.
    Hôm nay là ngày Quốc Khánh 2 - 9. Ở Hà Nội chắc vui lắm đây. Mình nhớ vợ, nhớ con mình và nhớ Hà Nội quá.

03/09/73

    Tất cả lính mới tập trung tại hội trường D3 để học truyền thống của đơn vị (D3 và E4) do đ/c Năm Nam (phó chủ nhiệm chính trị E) lên lớp. Anh Sáu Chí (Ban Tham Mưu E) phổ biến tình hình Địch và nhiệm vụ tác chiến sắp tới của D3.
     Nhiệm vụ và mọi hoạt động của mình đã bắt đầu chuyển sang môi trường mới. Thuận lợi có nhưng khó khăn chắc còn nhiều. Khu vực này bọn lính Ngụy nống ra lấn chiếm dữ lắm. Đạn pháo từ cầu tàu (Tàu chiến ở ngoài khơi biển Bà Rịa) và các căn cứ của chúng ở gần đây thỉnh thoảng lại bắn vu vơ hoặc bắn theo tọa độ vào rừng.
     Để sớm thích nghi được ở môi trường mới này, mình phải tìm hiểu kĩ tình hình mọi mặt ở đây (Địch, Ta, Địa hình... và học hỏi những kỹ năng trong phòng tránh, trong chiến đấu, trong sinh hoạt...) Tin rằng mình sớm hòa nhập được và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

04/09/73

   Đơn vị chia tổ thảo luận cả ngày. Tiểu đoàn giao cho mình phụ trách 1 tổ.
    Trưa nay ăn cơm xong, nằm võng nghỉ. Mình nhớ tới anh em ở C2, D74 cũ của mình. Nhớ anh em trong đoàn đi B 2013 quá. Những kỷ niệm ngày đầu Quân ngũ. Anh em đã gắn bó với nhau suốt 4 tháng huấn luyện ở Dương Thành, Phú Bình, Bắc Thái và 5 tháng hành quân vượt Trường Sơn. Cùng nhau vào đến tận chiến trường Miền Nam nóng bỏng này. Không biết bây giờ số anh em chuyển đi Miền Tây Nam bộ đang ở vùng nào, điều kiện sống và chiến đấu ở đấy ra sao? Các bạn ơi mình nhớ các bạn lắm.
     Ở đoàn 2013 này, phần đông là các bạn sinh viên Đại học và trung học chuyên nghiệp và một số CBCNV ở các cơ quan, xí nghiệp nhập ngũ. Mỗi người một hoàn cảnh, một tính cách khác nhau - Tuy có lúc, có người có những suy nghĩ và việc làm chưa phù hợp với tình hình chung. Nhưng họ đều xác định được yêu cầu, nhiệm vụ của thời cuộc. Trong gian khó họ luôn nỗ lực cùng đồng đội và biết sẻ chia với đồng đội. Họ hoạt động sôi nổi, hồn nhiên và luôn có niềm tin ở tương lai. Được sống trong một tập thể như thế mình thấy mình trẻ ra, khỏe hơn, vui hơn. Mình học tập được ở họ rất nhiều điều. Mình thực sự yêu mến họ, như anh em trong một gia đình. Nếu không có cuộc chiến này, thì họ sẽ là những Kĩ Sư, Cán bộ kĩ thuật, những thanh niên có trình độ, có sức khỏe góp phần dựng xây đất nước, dựng xây cuộc sống tươi đẹp, hòa bình. Họ sẽ có gia đình hạnh phúc, có Vợ, có Con. Tuổi trẻ của họ sẽ được phát triển toàn diện.
      Thế mà, vì bọn Mỹ - Ngụy. Vì cuộc chiến  này. Họ phải vào tận đây, chịu đựng bao gian khổ, khó khăn. Phải xông pha nơi chiến trường ác liệt... Không biết rồi đây sẽ ra sao? Ai còn, Ai mất???
      Mình cầu mong tất cả các Bạn được May Mắn.
      Mong sao cho cuộc chiến này sớm kết thúc.
      Mong sao đến ngày chiến thắng trở về, chúng ta lại được gặp nhau Đủ Đầy, Tất cả.
      Để rồi, 30 năm sau, 40 năm, 50 năm sau ... Chúng ta vẫn được gặp nhau. Được cùng nhau cụng ly vui vẻ. Và cùng nhau ôn lại Kỷ Niệm Không Thể Nào Quên của những ngày đầu QUÂN NGŨ.

KIỀU VĨNH LỘC

(NKQN tạm dừng tại đây, đoạn sau là giai đoạn ở đơn vị chiến đấu, LSV sẽ cộng tác với anh Lộc viết tiếp)

(LSV g/th)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét