Thứ Tư, 10 tháng 8, 2016

Nhật ký quân ngũ (11)

NHẬT KÝ QUÂN NGŨ (11)

Kiều Vĩnh Lộc, CCB C2, D74, F304B, QKVB - CCB D3, E4, F5, QK7

******

alt

Xem: >>(1)>>(2)>>(3)>>(4); >>(5); >>(6); >>(7); >>(8)>>(9)>>(10); >>(11); >>(12); >>(13); >>(14); >>(15)>>(16); >>(17)

*********

... (tiếp theo)

15/03/73 

Ngày thứ hai nghỉ lại ở trạm 78.
Tính đến nay vừa tròn hai tháng kể từ ngày lên đường đi chiến đấu. Hai tháng qua với 10 ngày đi tàu xe và 50 ngày hành quân bộ. Từ gần vĩ tuyến 17 (địa phận Tổ quốc Việt Nam), mình đã cùng đồng đội vượt qua các vùng rừng núi ở miền Trung Tổ quốc tới Tây Trường Sơn rồi dọc đỉnh Trường Sơn thẳng hướng Nam đi tới. Bao núi cao, rừng rậm, bao sông rộng, suối dài... Đi ngày đi đêm. Qua những khu rừng rậm, núi cao, có dốc dài dựng đứng đi hàng 2-3 tiếng. Qua những đồi le trọc, những khu rừng cháy dưới cái nắng chói chang. Có những ngày đi suốt 14 tiếng, những hôm đi suốt đêm thâu. Những nơi mà đêm nằm vắt bò vào tận bụng, ve rúc tận đỉnh đầu đốt nhói như kim châm. Những muỗi rừng, bò cạp, rắn độc, nước tù... muốn kéo ta về với thần sốt rét. Những ngày qua, tưởng như đã bị lả đi trong những ngày đói cơm, thiếu nước, với những đêm sốt li bì.

Hôm nay ta đã đến đây. Ta đã thắng bước đầu! Ta đã hoàn thành nhiệm vụ hành quân trong một giai đoạn.
Ta đã chiến thắng! Bởi vì ta có ý chí, quyết tâm. Ta thắng bởi vì ta thực hiện được nhiều kinh nghiệm phòng tránh tốt. Ta thắng bởi vì ta có tình đồng chí, đồng đội đoàn kết, thương yêu. Nhưng cái cơ bản nhất là ý chí, quyết tâm và trách nhiệm.
Từ đây vào trong, tình hình sẽ căng thẳng khó khăn hơn (vì qua Campuchia là nơi chiến sự vẫn diễn ra ác liệt, mà mùa mưa cũng sắp đến rồi)
Ta sẽ quyết tâm cùng đồng đội tới đích thắng lợi.
Ở đây, mỗi phút do dự, chần chừ ngại khó, mỗi khi để tinh thần mềm yếu, quyết tâm giảm sút thì nguy cơ sẽ đến với anh ngay.
Với những kinh nghiệm thực tế đã tìm ra trong 2 tháng qua, với trách nhiệm trước tập thể, mình sẽ cố gắng hơn nữa để cùng đơn vị hoàn thành kế hoạch cuộc hành quân vĩ đại này.
Tối nay họp Ban chấp hành liên chi.
Họp xong mình ở lại cùng anh Mai (CV đại đội) tâm sự. Mình thực sự yêu mến, kính phục anh Mai. Anh chưa có khả năng thuyết phục quần chúng bằng lý luận. Nhưng tâm hồn anh đẹp, giản dị, yêu đời. Anh luôn thể hiện thương yêu quần chúng thực sự. Và ở anh, tác phong miệng nói tay làm, cái tính khiêm tốn, đức kiên trì đã gắn bó anh với toàn thể cán bộ, chiến sỹ trong đại đội. Một mình anh đứng mũi chịu sào trong mọi hoạt động của đại đội này (ông đại phó Hoạt là người đồng sự nhưng thực tế ông ta không giải quyết được mấy việc).
Anh thường nói: "Chi bộ đã thể hiện rõ là hạt nhân lãnh đạo của đơn vị", "Đảng viên ít nhưng được đ/c nào chắc đ/c ấy. Đảng viên của ta có chất lượng rất cao".
Về phía tổ chức, mình là đảng viên trong chi bộ, là cán bộ dưới quyền. Ngoài ra cái "tình đồng hương" đã gắn bó mình với anh nhiều hơn. Anh tôn trọng mình, kính nể mình. Anh vẫn nói: "Tôi học tập được ở anh rất nhiều, về đường đời, về nhận thức, lý luận, về trình độ tổ chức, phương pháp chỉ huy, lãnh đạo". Anh nói với tấm lòng chân thành. Mình hiểu rất rõ điều đó. Và cái tình cảm riêng giữa anh và mình càng làm cho mình thấy phải có trách nhiệm với anh hơn. Từ thương yêu mà mình muốn giúp anh trong mọi việc. Giúp anh và cũng là trách nhiệm của chính mình.

16/03/73 

Trận mưa đột xuất đêm qua tai ác quá. Hầu hết cả tiểu đoàn đều bị ướt. Mưa đầu mùa mà thật to, sấm sét ầm ầm. Trời đang nóng, mưa xuống làm ảnh hưởng đến sức khỏe quá.
Sáng nay hai chiến sỹ nữa lại phải cáng vào bệnh xá. Người mình cũng thật khó chịu. Đầu đau choáng váng, chân tay rời rã, mắt cứ hoa lên, miệng đắng ngắt không ăn được nổi nửa ca cơm. Bụng bị chướng lên. Mình lo vô cùng, không gắng được, nằm lại đây thì thật khốn.
Hành quân đi từ T.78 lúc 6 giờ sáng. Đến trạm 79 lúc 12 giờ trưa.
Quân tập trung ở T.79 này chờ đi ca-nô đã có 13 đoàn (6.000 người) có đoàn đã chờ ở đây một tuần rồi.

17/03/73

Trạm 79 ở kế ngay bờ sông Xê-kông.
Đoạn này lòng sông hẹp, nước chảy xiết, nhưng nước tanh nồng nặc (vì dân ném mìn đánh cá nhiều).
Nghỉ lại ở đây để chờ ca-nô (khả năng phải ở lại ít nhất cũng 1 tuần). Dân Lào từ A-tô-pơ và những bản lân cận chèo thuyền mang cá, gà, rượu, nếp, dừa,... đến đổi cho bộ đội.
Chiều chiều cả hàng nghìn người đổ ra dọc bờ sông tắm. Đổi chác đông như hội.

18/03/73

Sáng nay vào một bản Lào (cách trạm 12 km) lấy gạo. Bản này có chừng 100 nóc nhà sàn tập trung. Nhà nào cũng có dừa và các loại súc vật. Họ canh tác trên một khu ruộng khá rộng. Đời sống vật chất của họ khá tốt. Về tổ chức hành chính, có một cố vấn người Việt và một trưởng bản người Lào phụ trách. Có những toán "cô cậu" lái buôn đi xe đạp và xe kéo tay từ thị xã A-tô-pơ vào mua thuốc lá, gạo và súc vật.
Trời nắng dữ dội, vậy mà họ chỉ đóng khố đứng tát nước (không nón mũ gì) người trông cháy đen.
Trên đường về gặp Cao Tiến Thiện (trước ở Vụ tổ chức TCĐC) nay ở đoàn 2004, được biết có Lâm (phòng địa chất), Thụy (phòng trắc địa). Thật không ngờ các tướng ấy cũng vào đây.

19/03/73

Hôm nay đơn vị tổ chức lễ tang cho đ/c Nguyễn Văn Độ AT-A3. Độ là người dân tộc Mường (Hòa Bình) năm nay 24 tuổi (trước đây là sinh viên năm thứ tư ĐHXD). Anh ta bị chết đuối (không rõ là đi tắm hay đi đánh cá, mất tích từ sáng 17/3 mà tới 10 giờ sáng nay mới tìm thấy xác nổi cách đây 5 km ở đoạn dưới con sông này). Thân hình Độ to lớn nay bị nước trương lên lại càng to, mắt lồi ra, chân tay khuỳnh rộng, da phơi nắng xám đen.
7 giờ tối ca-nô mới kéo xác về tới bến (vì phía trên có thác ca-nô không đi được nên phải đưa lên bãi và tổ chức khiêng về nghĩa trang chôn cất, nghĩa trang ở tận T.78).
Đêm nay, một không khí buồn đau (xen lẫn hoàng mang lo sợ) bao trùm lên toàn đơn vị. Khoảng 50 người đi đưa đám, còn lại ở nhà sẵn sàng chiến đấu. Mình vừa viết xong điếu văn cho tiểu đoàn thì cậu Tắc lại bị ngộ độc (ăn phải củ rừng), mồm, mặt sưng húp lên phải cấp cứu.
Nằm trên võng mà lòng bồn chồn xáo động. Vừa thương nhớ đồng chí mình (Độ là một cán bộ tốt, là quần chúng tích cực của Đảng. Độ đã có vợ và đứa con gái ra đời khi anh sắp sửa lên đường đi chiến đấu). Vừa lo ngại tình hình chung của đơn vị.
Khả năng còn nghỉ lại ở đây lâu. Nghỉ lại là dễ sinh ra lắm chuyện rắc rối (nghỉ, sợ nằm nhiều sinh ốm, anh em rủ nhau đi câu, tát cá, đi đào củ rừng, kiếm rau rừng hay vào các bản đổi chác).
Mấy hôm nay máy bay địch hoạt động mạnh. Rồi ở vùng Pắc-xế (gần đây) vẫn còn phỉ hoạt động. Không cẩn thận để chúng phát hiện ra chỗ trú quân thì thiệt hại khó có thể lường trước được.

20/03/73

Nay là ngày thứ 4 nghỉ lại ở trạm 79. Chiều qua đổi cho dân được xâu thịt nai, sáng nay đổi thêm được 2 con cá sộp khá to. Cứ nghỉ mãi ở đây thì anh em đổi hết quân trang mất.
Gặp anh Thắng (thiếu úy, trưởng trạm 79) anh ở ngay phố huyện Quốc Oai. Anh đã xa quê vừa tròn 10 năm rồi. Qua anh Thắng được biết thằng Hưng, hiện nó làm trợ lý chính trị ở tiểu đoàn thuộc E471.

21/03/73

Quyết (B phó B6), Lý, Thành (B7) lại tiếp tục phải vào bệnh xá. Cái con bệnh sốt rét này tai ác quá. Chiều qua mấy cậu đó còn đùa nghịch ầm ĩ. Vậy mà sáng nay sốt li bì không đứng dậy nổi nữa. Phải cáng đi cấp cứu. Trưa nay thằng Minh (AT-A5) lại nằm bẹp nữa, gay quá. Nếu ở đây thêm ít ngày nữa thì ốm hết mất.
Quyết đi viện. Tiểu đoàn quyết định mình lên phụ trách Trung đội trưởng Trung đội 6, Ngọc lên A trưởng A4, Tấn A phó.

22/03/73

Toàn tiểu đoàn học chỉ thị của sư đoàn 470 về tình hình địch và công tác phòng tránh. Đại đội lệnh phải hoàn chỉnh hầm ngủ và hầm tránh bom bi.
Nghe tình hình miền Nam còn nhiều căng thẳng lắm. Quân ngụy Sài gòn nống ra chiếm đất khắp nơi. Ở Lào và Campuchia máy bay Mỹ tăng cường hoạt động. Dọc sông Xê-kông này mỗi ngày ít nhất cũng 4-5 lần máy bay Mỹ ném bom.
Theo Hiệp định Pa-ri thì còn 5 ngày nữa quân Mỹ sẽ rút hết khỏi miền Nam Việt Nam (kể cả các căn cứ quân sự và quân chư hầu). Thế mà bây giờ vẫn còn nằm lại đây.
Tâm tư chung của anh em là mong mau được về tới đơn vị chiến đấu. Nếu quân ngụy lấn chiếm, gây rối thì sẽ đánh cho chúng tơi bời tan tác, buộc chúng phải thi hành Hiệp định Pa-ri.
Bộ đội còn cả vạn người nằm lại ở đây mà để nó phá quấy vậy, để cho nó còn tiếp tục gây bao đau thương tang tóc cho đồng bào ta thì ức lắm.
Mong sao sáng mai có ca-nô đi.

24/03/73

Cao Tiến Thiện ở đoàn 2004 sang chơi. Sáng nay mấy đứa (Kim, Lộc, Thiện, Ngọc) ngồi ôn lại những ngày ở cơ quan ở Vĩnh Phú, Hà Bắc, Hà Nội... Chuyện anh cán bộ, chuyện người lính,... Thế là thằng Lan cũng đã đi bộ đội. Đoàn Đức Lan cũng huấn luyện ở Sư 304B (nó đi đầu 72). Bây giờ không rõ đang công tác ở vùng nào (năm nay riêng quân đi thuộc ngành địa chất có đến hơn 1 tiểu đoàn).
Tình hình không biết đến bao giờ mới đi được. Vừa rồi đoàn Hà Bắc bị C130 bắn chìm xuồng (không biết chết bao nhiêu!). Máy bay Mỹ hoạt động riết quá. Có khả năng đi bộ mất. Đi bộ thì phải hai tháng nữa mới tới miền Nam được. Mùa mưa thì sắp đến rồi.

26/03/73

Sáng nay mình cùng Sắn đến 2019 thăm Hoàng Phi Điệp (giáo viên trường nghiệp vụ).
Cậu Hùng giáo viên thể dục và mấy chục học sinh khoan sâu (trước ở trường CNKT chuyển về liên đoàn 36) cũng ở đoàn này. Quân địa chất ở đoàn này đông quá. Sau rẽ vào trạm thăm anh Thắng nhưng không có nhà. Gặp mấy người Lào ở A-tô-pơ đến chơi. Họ mang đến 1 xe Pơ-giô nữ mới (tiền là 14.000đ =154,đ VN). Nghe tin ở trạm sáng nay 2 xuồng chở thương binh ra bị trúng bom (100 người chỉ còn lại 20) nên trên lệnh chuyển sang đi đêm. Vẫn chưa có tin gì về thời gian đi cả.

29/03/73

Đoàn Nam Hà và Thanh Hóa đã được đi. Sáng nay bọn mình chuyển bãi, nhường chỗ cho đoàn thông tin mới đến (Đoàn QL470, có thằng Tạo lớp mình 16X1, nhập ngũ 5/72-LSV).
9 giờ cùng Tư (y tá) vào trạm thăm số anh em ốm. Điện báo về, đoàn Thanh Hóa lại 4 xuồng nữa bị ném bom. Máy bay Mỹ hoạt động ngày càng dữ hơn. Chúng trinh sát dọc con sông này suốt ngày đêm.
Tối sinh hoạt tiểu đoàn. Quán triệt điện của sư 470 và của Bộ về tình hình nhiệm vụ mới.

30/03/73

Đã lâu lắm rồi chưa được bữa rau tươi. Mà ở Trường Sơn vào mùa khô này kiếm ra chút rau cũng thật là khó (từ sáng đến tối luôn nắng chói chang, mặt đất nóng bỏng, không khí ngột ngạt).
Sáng nay mình cùng anh Mai và Biểu, Tư, Khánh, Cường đi kiếm rau rừng. Vào một bản Lào ở gần sông. Họ mới chuyển đến nên thấy còn thiếu thốn lắm. Con trai (từ già đến trẻ) chỉ toàn đóng khố, con gái mặc váy, đeo xê-chiêng hoặc để hở vú (không mặc áo). Dân không có gì đổi cả. Phải men theo bờ sông khá xa mới kiếm được ít rau sam, rau diệu (đã xém hết lá). Trời nắng gắt quá mãi 1 giờ chiều mới về đến nhà.
Dù sao thì tiểu đội cũng được hưởng chút đỉnh rau tươi.

... (còn nữa)

Kiều Vĩnh Lộc - (LSV g/th)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét